Mùa lễ hội - một hành trình... (Bài 3): Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội mùa xuân

Du xuân, đi lễ là nhu cầu tự thân của mỗi người. Về với các điểm tâm linh, bên cạnh sự thành tâm, mong cầu điều tốt đẹp thì điều quan trọng là 'tạo đà' cho những năng lượng tích cực...

Tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm với các quy chế, quy định.

Tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm với các quy chế, quy định.

Mẹ tôi, một người phụ nữ chân quê, mỗi độ xuân về, mẹ cũng thích được du xuân, đi lễ. Bà đi lễ ở nhà thờ dòng họ, rồi ra đình làng, nơi người dân quê tôi dành sự tôn kính tới vị thành hoàng làng uy linh, bà cũng không quên quay trở về ngôi chùa nhỏ dâng hương Phật, thánh. Lễ vật dâng cúng mẹ tôi chuẩn bị không cầu kỳ, có xôi đồ từ lúa nếp nhà trồng, hoa quả, bánh trái theo mùa. Lần nào dẫn chị em tôi đi lễ, mẹ cũng không quên dặn dò: “Đi lễ cốt ở sự thành tâm”.

Mẹ cũng thường nói với chúng tôi, con người sống trong đời, luôn phải cố gắng, nỗ lực tự thân, không mê tín, nhưng nên có đức tin, bởi đức tin sẽ giúp mỗi người sống có “đạo” hơn. Có đức tin, sẽ hiểu ý nghĩ sâu xa của việc thờ cúng ông bà tiên tổ, những người đã khuất chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; có đức tin, khi ghé thăm, chiêm bái các địa điểm tâm linh cũng chính là cách bày tỏ lòng biết ơn với đấng tiền nhân, những người đã có công với đất nước, Nhân dân...

Cuộc sống đủ đầy hơn từng ngày, vì thế mà chuyện du xuân đi lễ, trẩy hội mùa xuân của mẹ tôi và những người dân trong làng cũng không còn “bó hẹp” trong không gian làng quê. Ra giêng, khi việc đồng áng đã xong xuôi, mẹ cùng các bà, các bác trong bản hội cùng du xuân, đi lễ các đền, chùa cả trong và ngoài tỉnh.

Du xuân về miền tâm linh.

Du xuân về miền tâm linh.

Nhưng, mẹ tôi cũng nhiều lần tâm tư. Bà thấy buồn khi đến những di tích tâm linh vốn cần sự thanh tịnh thì người ta mặc nhiên chen lấn, tranh nhau khấn vái. Và cả khó hiểu khi nhiều người cố tình đặt tiền lên ban thờ hay nhét tiền vào tay tượng phật, thánh,... dù ngay cạnh đó, đã có hòm công đức, dầu đèn. Với niềm tin tín ngưỡng, con người luôn tin sự thành tâm của mình sẽ được thần linh chứng giám. Dẫu vậy, sự thành tâm, kính lễ đâu phải được đo đếm bằng số tiền chúng ta “hối lộ” thánh thần?!

Chưa kể, nhiều người du xuân, đi lễ đầu năm, đến các điểm di tích nhưng lại chưa thực sự hiểu được giá trị, ý nghĩa cũng như nơi mình đến, phải hành lễ như thế nào. Từ đó dẫn đến những hành xử chưa đúng, vô tình làm mất đi nét đẹp vốn có của việc đi lễ. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải, cho rằng: “Ngày nay số lượng người đến các di tích, điểm đến tâm linh dịp đầu xuân rất đông, người ta đi như một xu hướng, trào lưu. Nếu đơn giản là đi chơi, đi vãn cảnh thì khác, nhưng thường là sự kết hợp vãn cảnh với đi lễ. Nhưng đã gọi là lễ thì mỗi người phải biết mình đang lễ ai, lễ như thế nào cho đúng, điều này cần sự dụng tâm tìm hiểu. Khi chúng ta hiểu rõ rồi thì lẽ dĩ nhiên sẽ có sự hành xử chuẩn xác hơn. Bên cạnh đó, tôi cho rằng du xuân, đi lễ là nhu cầu tự thân của mỗi người. Tuy nhiên, mỗi người cần biết tự “cân bằng” giữa những nhu cầu của bản thân, bởi nếu đặt nặng vấn đề “cầu cúng” sẽ rất dễ rơi vào mê tín, vô tình giảm đi ý nghĩa của việc trẩy hội mùa xuân... Để tạo nên nét đẹp văn hóa lễ hội, ngoài ý thức thì những hiểu biết về văn hóa truyền thống cũng là điều cần thiết”.

Còn theo TS Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh: “Du xuân - đi lễ trẩy hội không chỉ và không nên hạn hẹp trong câu chuyện “cầu cúng”. Đó còn là dịp để con người giao hòa với cảnh sắc thiên nhiên, từ đó thêm tự hào và yêu hơn vẻ đẹp quê hương, đất nước. Chính “khí thế” xuân ấy, “tiếp” thêm sức mạnh tinh thần để mỗi người nỗ lực hơn trong cuộc sống của chính mình. Ngay cả việc chúng ta cầu mong những điều tốt đẹp hay công đức tiền bạc, giúp cho công tác quản lý, trùng tu, trông coi di tích mỗi ngày tốt hơn cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, điều cần được điều chỉnh ở đây là sự “ứng xử” như thế nào cho đúng, cho có văn hóa... Để thay đổi bất cứ thói quen chưa tốt nào cũng cần thời gian, cần sự tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, từ nhận thức đến hành động. Trong mùa lễ hội năm nay, tôi đã thấy bắt đầu có những thay đổi tích cực, ở nhiều di tích, lễ hội".

Xây dựng, giữ gìn nét đẹp lễ hội là trách nhiệm không của riêng ai.

Xây dựng, giữ gìn nét đẹp lễ hội là trách nhiệm không của riêng ai.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, cho biết: “Tính từ Tết Nguyên đán đến ngày 19 tháng Giêng Xuân Ất Tỵ, di tích ước đón khoảng 1,5 vạn lượt khách về dâng hương, có cả khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm qua, nhằm ngăn chặn, không để xảy ra những điều đáng tiếc trong công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội, ban quản lý luôn thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về việc đón tiếp du khách, dâng hương tại đền, bên cạnh đó cũng tăng cường công tác tuyên truyền để du khách hiểu được ý nghĩa của điểm đến".

Mỗi lễ hội đầu xuân là một câu chuyện về lịch sử, tâm linh và nghệ thuật, phản ánh chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan trọng giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về bản sắc dân tộc.

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó hơn 7.000 lễ hội truyền thống. Riêng ở Thanh Hóa có khoảng gần 300 lễ hội. Các lễ hội diễn ra cả năm, nhưng tập trung nhiều vào dịp đầu xuân.

Bài và ảnh: Lương Khoa

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mua-le-hoi-mot-hanh-trinh-bai-3-giu-gin-net-dep-van-hoa-le-hoi-mua-xuan-35693.htm