Mùa lễ hội Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất mà mỗi bước chân đi có một huyền thoại gắn liền với tên những nàng sơn nữ. Đằng sau những ngọn thác trắng xóa, cánh rừng đại ngàn biếc xanh cùng với tiếng ching chiêng và vòng xoang rộn ràng kia, có biết bao nhiêu điều thú vị.

Hệ thống các lễ hội Tây Nguyên có thể chia làm 3 nhóm lễ nghi và lễ hội theo 3 tính chất nội dung: theo nông lịch, theo vòng đời, đối với những mối quan hệ ngoài cộng đồng. Cả 3 nhóm lễ nghi và lễ hội này đều nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ cho 2 đối tượng chủ yếu là toàn thể cộng đồng và gia đình cá thể. Một vài lễ hội chính trong đời sống Tây Nguyên như: các lễ hội cộng đồng chính tính theo thời gian 1 năm (gồm lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) và lễ của gia đình, dòng họ.

Đối với lễ của gia đình, dòng họ thì mọi lễ lạt không liên quan gì đến lịch sản xuất nông nghiệp (như đám cưới, bỏ mả, chúc sức khỏe...) đều tập trung trong mùa khô, kéo dài từ khi gặt lúa sớm (cúng hồn lúa, ăn cơm mới...) cho đến tận mùa dọn rẫy tháng 4 năm sau. Đây là lúc nghỉ ngơi và cũng là lúc phải cảm tạ các thần linh, báo hiếu cha mẹ, vui chơi giao đãi với bạn bè, tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới đến... Do đó, bao giờ các lễ cũng đông vui, trở thành ngày hội của buôn làng.

Những lễ cúng của 1 gia đình ngày nay thường không thành “hội”. Nhưng thuở xưa, lễ của nhà các tù trưởng, các chủ bến nước hay các nhà giàu, có địa vị nào đó trong buôn, trong bộ tộc, thường mời nhiều khách sang, khách xa gần ăn uống kéo dài 5-7 ngày. Trong lễ, để giúp vui có mời các nghệ nhân đến kể trường ca, cổ tích. Trai gái tụ tập thách đố nhau, thi tài bằng văn vần, hát đối đáp, hát đố hoặc chơi các trò phổ biến trong dân gian, để thi tài, thi khỏe... Do đó, phần sau của lễ trở thành hội.

Mùa “ăn năm uống tháng” ở Tây Nguyên thường là lúc đất trời đã vào mùa xuân. Xuân Tây Nguyên đến vào tháng 3, trước khi mùa mưa bắt đầu chừng 2-3 tháng. Lúc này, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở, ong bướm bay rợp trời. Cảnh quan cũng tạo nên cho con người niềm hứng khởi. Bà con không gọi ăn Tết, nhưng một số vùng cũng có lễ hội đón năm mới, là một hình thức tạ ơn chung với các thần linh đã phù trợ cho trong năm cũ. Cầu các Yàng tiếp tục bảo trợ cho năm mới. Người Ê Đê gọi là “hoă mnăm thun mrâo”. Người Jrai gọi là “bơng tơ kuh thun”.

Vào hội. Ảnh: Phan Nguyên

Vào hội. Ảnh: Phan Nguyên

Ông chủ làng, các già làng, thầy bói, thầy cúng cùng nhau bàn định lựa chọn ngày tháng xong xuôi, sẽ phân công đàn ông tu sửa nhà rông cho gọn gàng, sạch sẽ . Vào rừng chọn cây để làm cột gơng. Cột có thể làm bằng tre, hoặc bằng thân cây gòn (thứ cây gỗ trắng, mềm, dễ đẽo gọt ). Trong những lễ cúng lớn, người Tây Nguyên bao giờ cũng dùng lễ vật tế thần là con trâu, buộc vào những cây cột này. Đồng thời, chủ làng cũng thông báo cho cả plei, buôn biết ngày đã được chọn để tổ chức lễ cúng.

Đến ngày đã định, cả làng tụ tập về nhà rông, ăn mặc váy áo, khố đẹp, mới, mang nhiều vòng cổ, còng tay, chân bằng đồng, bạc hoặc các chuỗi hạt cườm. Nhà nào có bộ chiêng quý, chiếc trống lớn, tiếng hay sẽ được huy động mang tới góp vui. Con trâu hoặc bất cứ một con vật dùng để hiến tế nào, sẽ được dắt tới buộc vào cột gơng. Bên cạnh đặt cái nia đựng các lễ vật khác như: rượu, muối, lúa, ngũ cốc, rau, bầu, bí... vừa thu hoạch xong.

Sau khi cả làng đã có mặt, chủ làng cùng các già làng đến tận nhà mời thầy cúng ra làm lễ. Xong nghi thức khấn khứa với các Yàng, trần tình cùng con trâu rằng: vì quyền lợi của cả cộng đồng mà trâu phải thay cho người bày tỏ với mọi thần linh tấm lòng thành của gia chủ hoặc buôn làng... Sau đó là đâm trâu. Người ta lấy chiếc đầu và đuôi trâu đặt lên dàn cúng, đốt những chiếc đèn bằng sáp ong, rót rượu cần hòa với huyết nóng và bắt đầu khấn vái, mời gọi các Yàng mà họ cho là tốt bụng, đã có lòng phù trợ cho buôn làng làm ăn sinh sống thuận lợi năm qua và khẩn cầu tiếp tục được giúp đỡ trong năm tới.

Sau lễ, những ai đã được cắt cử sẽ xẻ thịt trâu cùng phụ nữ nấu đồ ăn. Hội đồng già làng lên nhà rông với thầy cúng và các nhân vật quan trọng khác trong làng, bàn chuyện làm ăn trong năm mới. Những người không có việc ở nhà rông thì về nhà mình nấu cơm nếp, làm thêm đồ ăn, đến giờ quy định, lại tập trung về nhà rông, góp chung cùng cả làng. Đến trước giờ ăn chung, sau khi đã bày dọn trên nhà rông, thầy cúng lại một lần nữa khấn vái, rồi cả làng cùng vào tiệc.

Rượu càng vơi, mọi người càng hào hứng trong tiếng ching trống rộn ràng. Trai gái nắm tay nhau chung vui trong nhịp múa xoang, bước chân rậm rịch, men rượu ngấm la đà, chẳng còn ai có thể đứng ngoài vòng xoang được nữa. Ai mệt thì nghỉ, ai đói thì ăn, ăn uống xong lại tiếp tục. Tới khi cạn nguồn tiếp tế cơm rượu thịt, có khi đã vài ba ngày. Sau hội chung của cả plei, nhà nào muốn cúng riêng thì cứ tự tổ chức và mời mọc họ hàng, bè bạn.

Mong sao mỗi độ xuân về, lên Tây Nguyên du khách còn được tham dự nhiều lễ hội hồn nhiên của cộng đồng cư dân tại chỗ. Nếu may mắn, qua Tết còn được dự những lễ Khai hạ của người Mường, Lồng Tồng của người Tày, Hảng Pồ của người Nùng... những cư dân phía Bắc đang cùng cộng cư tại Tây Nguyên, cũng có những lễ hội xuân vô cùng náo nức, rực rỡ sắc màu.

H’LINH NIÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/mua-le-hoi-tay-nguyen-5723324/