Mưa lớn, bờ sông Lam sạt lở
Sau đợt mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua, trên địa bàn một số huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ sông Lam.
Nước lũ dâng lên và rút xuống đã khiến bờ sông Lam qua xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cả chục hộ dân. Sạt lở có kéo dài khoảng 120m, chiều rộng 20m, chiều sâu 12m, ước tính diện tích đất bị sạt lở khoảng 15.000m3.
Theo ông Đặng Ngọc Thiện - Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn, từ cuối tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 vừa qua, mưa lũ khiến nước sông Lam dâng cao. Khi nước rút khiến đoạn bờ sông Lam, đoạn qua địa bàn xóm 1, xã Lạng Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. “Những ngày qua mưa to nên sạt lở tiếp tục diễn ra và nới rộng. Nguy hiểm hơn, phía trong chỗ sạt lở có 10 hộ dân đang sinh sống. Vị trí đất sạt lở đã tiến sát vào gần công trình dân dụng, đe dọa lôi tuột nhà cửa của những hộ dân này xuống sông” - ông Thiện cho biết.
Hiện, người dân phải mua bạt về phủ lên mặt đất, tránh việc sạt lở lan rộng thêm. Khu vực sạt lở có nền đất yếu nên khi nước dâng lên rút xuống đã cuốn theo diện tích đất lớn trôi đi. Điểm sạt lở sâu khoảng 20m, tiến sát vào nhà dân. Nhà dân gần nhất cách điểm sạt lở chỉ 5m, những nhà xa nhất còn cách khoảng 10m. UBND xã Lạng Sơn áp dụng giải pháp tạm thời, lên phương án để thời gian tới sẽ dùng cọc tre đóng xuống giữ chặt đất.
Trong khi đó, tại điểm sạt lở đoạn qua xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) giáp với xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên), sau các đợt mưa lớn kéo dài, nhiều vị trí trên sông Lam cũng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở không chỉ gây mất đất, hoa màu, cây cối mà còn đe dọa đến an toàn thân đê và cuộc sống người dân. Đến thời điểm này, diễn biến sạt lở đang rất nghiêm trọng, kéo dài hàng km, đất nứt toác, lởm chởm, nhiều nơi tạo hàm ếch. Tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào đất canh tác của người dân, tiến gần chân cầu Yên Xuân mới và áp sát chân đê.
Nói về việc sông “nuốt” đất, ông Nguyễn Văn Thắng - người dân ở xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên lo lắng: Trước đây, ở khu vực này, bãi bồi ở cách vị trí mép sông hiện tại khoảng vài chục mét. Thế nhưng, từ khoảng 2- 3 năm lại đây, bờ sông sạt lở mỗi năm một gia tăng nên nhiều héc ta đất ở địa phương đã bị sông Lam “nuốt chửng”.
Cũng theo ông Thắng, bãi bồi thuộc xã Long Xá có diện tích rất rộng. Kéo dài từ bờ sông Lam đến đê Tả Lam đoạn Trạm bơm Hưng Xá khoảng hơn 2km. Chiều dài của bãi bồi này kéo dài từ chân cầu Yên Xuân xuống tận khu vực bãi bồi giáp với xã Trung Phúc Cường. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn thì số diện tích đất bãi bồi bị sạt lở đã lên đến nhiều héc ta. Nhìn bờ sông nham nhở những vết xói lở chưa có dấu hiệu dừng lại khiến những ai chứng kiến đều tỏ ra lo lắng, xót xa.
Người dân địa phương cũng cho biết, kể từ khi cầu Yên Xuân hoàn thành năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phải 2 lần di chuyển biển báo khoảng cách nguy hiểm. Là bởi, diện tích bị sạt lở vào tiến sâu vào đất liền hàng vài chục mét và chạy dài hàng kilômét. Đây là khu vực đất sản xuất thuộc xứ đồng Soi Huyện, gần như tập trung toàn bộ đất sản xuất ngô vụ đông và lạc xuân cũng như các loại rau màu của xã Long Xá.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Long Xá cho biết: Sau đợt mưa lũ cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, tình trạng sạt lở sông Lam có chiều dài khoảng 600-700m, ăn sâu vào trong khoảng 30-50m.
Được biết, tài liệu điều tra của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho thấy: Tính đến thời điểm năm 2019 đã xảy ra sạt lở bờ sông Lam tại 153 vị trí thuộc địa bàn 68 phường, xã, thị trấn các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh và thị xã Cửa Lò với tổng chiều dài là 186,489km. Đã xói lở mất 561ha đất, ảnh hưởng 249 ngôi nhà của dân, làm hư hỏng 134 công trình hạ tầng. Cũng theo khảo sát, có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở bờ sông Lam trên đoạn Nghệ An. Thứ nhất, nhóm nguyên nhân do yếu tố địa hình, địa chất gồm các yếu tố vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông Lam.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-lon-bo-song-lam-sat-lo-5741582.html