Mưa lớn gây thiệt hại tại nhiều tỉnh phía bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9/9 ký ban hành Công điện số 803/CÐ-TTg về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo đó, những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Ðể chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh: chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
* Mấy ngày qua, tại các tỉnh miền bắc xảy ra mưa lớn. Nhiều người dân bị cô lập bởi nước lũ, nhà cửa có nguy cơ sạt lở. Ðến thời điểm này nhiều nơi vẫn tiếp tục xảy ra mưa, nước lũ rút chậm. Lực lượng chức năng đang khẩn trương sơ tán, cứu hộ người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, khắc phục hậu quả thiên tai...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, từ ngày 7 đến 9/9 mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ, nhiều nơi bị cô lập, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương. Một số nơi mưa hơn 50mm như Vũ Hòa (Thái Bình) 100,8mm, Ngô Ðồng (Nam Ðịnh) 51,6mm, Hà Lĩnh (Thanh Hóa) 106,4mm, Kỳ Nam (Hà Tĩnh) 245,8mm, Quảng Phúc (Quảng Bình) 61,8mm,... Mưa lớn đã làm hai người ở Nghệ An và Hòa Bình mất tích. Tổng diện tích cây trồng bị ngập úng là 12.224ha, trong đó: Bắc Bộ là 11.889,7ha (Nam Ðịnh 282ha; Ninh Bình 5.962,7ha, Hà Nội 4.593ha; Hà Nam 1.052ha); Bắc Trung Bộ là 334,4ha ngập úng (Thanh Hóa 167,4ha, Nghệ An 158,5 ha, Hà Tĩnh 8,5ha). Dự báo, từ trưa, chiều nay 10/9, mưa lớn giảm dần.
Mưa lớn đã làm nước sông Bùi ở Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về làm ngập nhiều khu dân cư ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ở tỉnh Hòa Bình, có nhiều nơi bị ngập, sạt lở đoạn kè ở chân cầu Ðen từ suối Chăm đổ ra sông Ðà, tương ứng Km2+458 đến Km2+538 đê Ðà Giang, với chiều dài sạt lở mỗi bên khoảng 80m. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Hòa Bình), mưa lũ đã cô lập nhiều hộ dân sống ven sông Bùi thuộc địa phận các xã Nhuận Trạch, xã Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Lực lượng cứu hộ đã huy động 25 cán bộ chiến sĩ khẩn cấp di dời được 148 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại tỉnh Phú Thọ, tỉnh lộ 316D đi khu Chen, Chự, Hồ của xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn bị lũ đánh sập. Ủy ban nhân dân huyện Thanh Sơn đã phải di dời khẩn cấp 42 hộ dân gặp nguy hiểm. Trong đó, 32 hộ bị ngập úng, 5 hộ bị sạt lở ta luy dương, 1 hộ tại xã Ðông Cửu bị sạt lở ta luy âm, di dời 4 hộ sinh sống tại ven sông thuộc địa bàn xã Lương Nha. Mưa lũ còn làm đổ tường rào tại Trạm Y tế xã Thượng Cửu...
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Thái Bình, tàu Hà An 01-HP 5768, trọng tải 1.232 tấn, với 7 người, khi neo ở khu vực gần phao số 0 luồng Diêm Ðiền (Thái Bình), bị mưa to, sóng lớn dẫn đến tàu bị nước tràn vào hầm mũi, bị chìm. Rất may không có thiệt hại về người.
Tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa), nhiều tràn nước dâng cao, chảy xiết, gây chia cắt giao thông cục bộ ở một số địa bàn dân cư. Tính đến sáng 9/9, tại huyện có 42ha lúa bị ngập; 42,6ha lúa bị đổ chủ yếu ở 5,4ha rau màu và 1,5ha mía bị gãy đổ; 43m2 bờ hồ Ðồng Chuối, xã Xuân Phúc bị sạt lở; 0,8ha ao ở xã Yên Lạc bị tràn bờ.
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), nước từ đầu nguồn đổ về gây ngập lụt cục bộ tại một số xóm bản và làm 30 cầu tràn bị ngập từ 0,2 đến 0,6m; 6,5 ha lúa bị thiệt hại từ 30% đến 70%; 1,2ha mía sắn bị thiệt hại từ 50% đến 70%. Hàng trăm con gia súc và gia cầm bị nước cuốn trôi. Diện tích ao hồ 3,2ha bị ngập lụt thiệt hại từ 30% đến 50%; hư hỏng sạt lở 30m kênh mương với khối lượng 7,2m3, đổ sập 200m tường rào; 400m đường giao thông liên xã bị sạt lở...
Sáng 9/9, mưa lớn tiếp tục trút xuống nhiều địa phương tại Ninh Bình. Nước lũ sông Bôi dâng cao gây ngập lụt gần 500 nhà dân, nhiều khu dân cư đã bị chia cắt. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan (Ninh Bình), toàn huyện có 477 căn nhà ở của người dân bị ngập lụt do mưa lũ gây ra. Có gần 100 công trình phụ trợ, hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước. Tại xã Gia Thủy, nước sông Bôi dâng cao tràn qua đê bao gây ngập lụt 250 nhà dân. Trong đó, toàn bộ số hộ ở thôn Liên Phương (hơn 150 hộ) và khoảng 90 hộ dân thôn Ngọc Nhị nhà bị ngập sâu từ 0,5-0,7m. Người dân phải sơ tán tài sản, vật nuôi lên tầng 2 hoặc nơi cao hơn để tránh lũ. Ngoài xã Gia Thủy, tại xã Gia Lâm có 130 nhà, xã Xích Thổ có 55 nhà cũng bị ngập lụt. Sáng cùng ngày, trên địa bàn tiếp tục có mưa to, nước sông Bôi dâng cao gây ngập lụt thêm hàng chục nhà ở tại các xã Lạc Vân, Ðức Long, Gia Tường, Gia Sơn…
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại; chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức Tết Trung thu tại các địa phương; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Các địa phương đang bị ngập lụt do mưa, lũ cần khẩn trương khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi mưa lớn tiếp tục xảy ra...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mua-lon-gay-thiet-hai-tai-nhieu-tinh-phia-bac-post714576.html