Mưa lớn kéo dài gây khó khăn trong thu hoạch lúa Hè Thu
Vụ lúa Hè Thu năm 2023, tỉnh Bạc Liêu xuống giống 58.000ha, tập trung nhiều ở các huyện: Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân. Thời điểm này, nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch rộ lúa Hè Thu 2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão Saola, nhiều ngày qua mưa lớn kéo dài không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch mà năng suất và chất lượng lúa cũng bị giảm.
Ghi nhận tại huyện Vĩnh Lợi, một trong những địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu với diện tích xuống giống lúa Hè Thu hơn 17.000ha, những ngày này, nông dân ở đây ngày đêm tập trung bơm tát tháo nước trên đồng để khi nước giảm sẽ đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa. Bà con hy vọng, những ngày tới mưa sẽ giảm để có thể thu hoạch lúa nhằm đảm bảo chất lượng lúa.
Ông Võ Văn Hai, ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi có gần 3ha lúa chờ thu hoạch cho biết: Do gia đình xuống giống muộn nên đầu vụ thì bị rầy, sâu cuốn lá gây hại, phải phun xịt nhiều lần thuốc mới diệt trừ hết sâu bệnh, giờ gần đến ngày thu hoạch gặp mưa dầm nên nước ngập sâu, máy gặt đập liên hợp không vào được, gia đình bơm liên tục nhiều ngày mà nước chưa rút cạn.
Cùng cảnh ngộ như ông Võ Văn Hai là anh Trần Văn Triều, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Những ngày này, anh Triều luôn trong tâm trạng lo lắng khi hơn 2ha lúa hè thu sắp đến ngày thu hoạch bị ngã đổ trong nước.
"Mưa như trút nước liên tục trong nhiều ngày khiến nước trên đồng đã dâng cao khoảng 3-4 tấc. Mưa kèm theo gió mạnh nên nhiều mảnh ruộng bị đổ ngã trong nước. Hạt lúa chín đang dần chuyển màu, nếu không được thu hoạch kịp thời, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng", anh Triều buồn rầu chia sẻ.
Cạnh mảnh ruộng của anh Triều là ruộng hơn 1ha đã đến ngày thu hoạch, nhưng bị đổ gần như hoàn toàn của ông Nguyễn Văn Khả. "Ba tháng vất vả ngoài đồng, ai cũng hy vọng vụ Hè Thu này sẽ trúng mùa, bán được giá. Thế nhưng, với tình cảnh hiện nay, dù lúa được giá nhưng năng suất sẽ giảm, cùng với đó chi phí thu hoạch tăng và như vậy nông dân cũng không có được niềm vui trọn vẹn", chủ nhân mảnh ruộng bộc bạch.
Theo bà con nông dân, trước khi xuất hiện mưa kéo dài do ảnh hưởng cùa bão Saola, ngành nông nghiệp đánh giá năng suất lúa đạt 6 tấn/ha. Với giá bán từ 6.800 - 7.800 đồng/kg tùy loại lúa, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 2,2 triệu đồng/công. Còn bây giờ, điều mà nông dân mong mỏi nhất là mưa giảm, nắng trở lại để gấp rút bơm tát nước trên ruộng ra ngoài, cũng như đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa để giảm thiệt hại.
Ngoài năng suất lúa giảm, nông dân còn phải chịu nhiều gánh nặng khác khi thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Sấy, ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi cho biết, trong điều kiện lúa đứng thì giá thuê máy cắt dao động từ 320.000-350.000 đồng/công. Trường hợp lúa bị đổ gãy nằm trong nước thì giá công cắt phải từ 400.000 đồng/công trở lên, tùy theo mức độ đổ gãy của lúa.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, do ảnh hưởng của bão Saola, nhiều diện tích lúa, hoa màu của nông dân trong tỉnh thiệt hại nhưng ở mức độ ít nghiêm trọng. Riêng với diện tích lúa Hè Thu, đã có gần 2.000 ha bị thiệt hại, chủ yếu là ngã đổ, diện tích ngập chìm trong nước là không nhiều. Tuy vậy, nếu không kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp cứu lúa, nhất là bơm tát rút nước trên đồng thì thiệt hại sẽ tăng.
Trước tình hình trên, để giảm thiệt hại cho nông dân, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đang tích cực phối hợp với các địa phương cùng nông dân triển khai các giải pháp hạn chế thấp nhất mức thiệt hại, ưu tiên đẩy nhanh thu hoạch gần 10.000 ha lúa đang trong giai đoạn thu hoạch.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã thành lập nhiều đoàn công tác xuống địa bàn nhằm kịp thời nắm bắt tình hình. Nhận định mưa sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới trong khi mực nước trên đồng khá cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu lưu ý, các địa phương cần bơm nước ra tđể khi có nắng nông dân tranh thủ thu hoạch diện tích lúa còn lại. Riêng đối với những nơi chưa có đầu tư nhiều ô đê bao khép kín cần quan tâm đầu tư các máy bơm lưu động để phòng tránh ngập úng bảo vệ lúa. Chính quyền các địa phương cần tăng cường đầu tư hạ tầng tập trung ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm từ nguồn vốn cây lúa, qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm để chủ động việc bơm tát tưới tiêu và xổ úng…
Trước mắt, để thu hoạch tốt diện tích lúa Hè Thu, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động tiêu thoát nước và lựa chọn thời điểm nắng ráo để thu hoạch lúa. Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thương lái và chủ máy, chủ ghe để đảm bảo máy móc, phương tiện thu hoạch, vận chuyển lúa nhằm phơi sấy và tiêu thụ kịp thời. Qua đó, giúp đảm bảo chất lượng lúa và giảm thất thoát, đảm bảo lợi nhuận của người trồng lúa.