Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt diện rộng trên các khu vực ven sông

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3, từ đêm 8/9 đến rạng sáng 9/9, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to, nhiều sông suối trên địa bàn tỉnh nước dâng cao gây ngập lụt nhà ở và hoa màu của người dân, ách tắc một số tuyến giao thông trên địa bàn.

Nước lũ tràn bờ tại xã Xuân Trường (Bảo Lạc).

Nước lũ tràn bờ tại xã Xuân Trường (Bảo Lạc).

Lượng mưa đo trong 24h từ 19h ngày 7/9 đến 19h ngày 8/9 một số nơi như: Hồng An 244 mm, Xuân Trường 185,4 mm (Bảo Lạc); Ngọc Động 126,2 mm, Cần Yên 101 mm (Hà Quảng); Thái Cường 121,1 mm, Lê Lai 118,8 mm (Thạch An); Tiên Thành (Quảng Hòa) 105 mm; Trương Lương 137,4 mm, Bạch Đằng 110,7 mm (Hòa An); Vĩnh Phong 120,4 mm, Thạch Lâm 106,6 mm (Bảo Lâm); Yên Lạc 239,4 mm, Tĩnh Túc 234,4 mm (Nguyên Bình).

Lúc 19h ngày 8/9, mực nước trên sông Gâm tại trạm Bảo Lạc ở mức 197,78, trên mức báo động 2 0,78 m và đang lên chậm; mực nước trên sông Bằng tại trạm Bằng Giang ở mức 180,98 trên mức báo động 1 0,48 m và đang lên chậm.

Mực nước sông Bằng Giang đang dâng cao.

Mực nước sông Bằng Giang đang dâng cao.

Dự báo trong 6 giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa tích lũy phổ biến tại huyện Hà Quảng từ 10 - 40 mm; huyện Bảo Lạc từ 30 - 60 mm; huyện Nguyên Bình từ 10 -50mm; huyện Bảo Lâm từ 10 - 60 mm... Đợt mưa lũ này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều địa phương trên địa bàn các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm,Trùng Khánh, Thành phố trong đêm nay và ngày mai với độ sâu ngập lớn nhất từ 0,5 - 2,0 m.

Các xã có nguy cơ cao gồm: Yên Lạc, Vũ Minh,Thể Dục, Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình); Cần Yên, Cần Nông, Lũng Nặm, Thanh Long (Hà Quảng); Xuân Trường, Phan Thanh (Bảo Lạc); vùng thấp ven sông Gâm thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm; các xã: Ngọc Khê, Ngọc Côn, Phong Nặm, Đàm Thủy (Trùng Khánh) vùng thượng nguồn ven sông Quây Sơn; ven sông Bằng, sông Hiến thuộc địa phận Hòa An và Thành phố...

Trên địa bàn Thành phố, trong đêm 8/9 đã xảy ra ngập lụt tại các khu vực ven sông phường Sông Hiến, Sông Bằng.

Nước dâng cao tràn vào nhiều nhà dân tại Phố Cũ, phường Hợp Giang (Thánh phố).

Nước dâng cao tràn vào nhiều nhà dân tại Phố Cũ, phường Hợp Giang (Thánh phố).

Các khu vực dân cư ven sông hiện tại đã bị ngập lụt, có những nơi nước dâng cao đến 2 m so với nền nhà.

Ngập nặng tại khu vực Sông Hiến.

Ngập nặng tại khu vực Sông Hiến.

Khu vực Phố đi bộ Kim Đồng xuất hiện tình trạng nước tràn vào tại một số khu vực thấp, mực nước Sông Bằng đã dâng cao ngang với Phố đi bộ ven Sông Bằng.

Rạng sáng 9/9, mực nước dâng cao khiến khu vực Phố đi bộ ven sông Bằng bị ngập lụt.

Rạng sáng 9/9, mực nước dâng cao khiến khu vực Phố đi bộ ven sông Bằng bị ngập lụt.

Lực lượng dân phòng trực tại Cầu Ngầm, huy động nhiều xuồng cứu hộ, giúp người dân di dời các vật dụng, tài sản.

Lực lượng dân phòng trực tại Cầu Ngầm, huy động nhiều xuồng cứu hộ, giúp người dân di dời các vật dụng, tài sản.

Ngay trong đêm 8/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường trên địa bàn Thành phố đã huy động lực lượng "4 tại chỗ", kịp thời giúp người dân sơ tán, di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Các lực lượng túc trực thường xuyên tại các điểm ngập úng nhằm hỗ trợ kịp thời công tác cứu hộ.

Các lực lượng túc trực thường xuyên tại các điểm ngập úng nhằm hỗ trợ kịp thời công tác cứu hộ.

Ngập úng có thể gây tác động đến các hoạt động ở các khu dân cư, tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; gây cản trở đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Người dân ven các sông suối cần chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ giúp người dân tại các vùng bị ngập lụt.

Ngọc Minh - Đức Phương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mua-lon-keo-dai-gay-ngap-lut-dien-rong-tren-cac-khu-vuc-ven-song-3171891.html