Mưa lớn phá hủy gần 1.800 di tích lịch sử ở Trung Quốc
Ít nhất 1.763 di tích lịch sử đã bị phá hủy hoặc hư hại do mưa lớn ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc vào đầu tháng 10, thời điểm xảy ra trận bão khiến 15 người thiệt mạng.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tổng cộng 19.000 công trình đã bị phá hủy trong những trận mưa như trút nước ở tỉnh Sơn Tây, nơi được mệnh danh là “bảo tàng công trình cổ đại” của Trung Quốc vì có nhiều di tích lịch sử hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tỉnh này hiện có hơn 50.000 di tích lịch sử và hơn 30.000 công trình kiến trúc cổ.
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa tỉnh Sơn Tây, 89 khu di tích đã bị “hư hại nghiêm trọng”, với các vấn đề lớn về cấu trúc. 750 địa điểm bị “ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng” với các mảng tường hoặc dầm đỡ bị đổ sập. Ngoài ra, giới chức cho biết còn nhiều thiệt hại nhỏ khác bao gồm thiệt hại do thấm nước mưa, nứt tường và sạt lở đất xung quanh các công trình.
Đặc biệt, thành cổ Bình Dao, Di sản Thế giới của được Unesco công nhận, đã báo cáo 51 đoạn tường thành bị hư hại. Một đoạn tường dài 25 mét đã bị sập do mưa bão.
Bên trong thành phố cổ này, hơn 300 ngôi nhà cổ kính đã bị phá hủy một phần do trận mưa lớn. Theo chính quyền tỉnh, cư dân sống trong những ngôi nhà bị ảnh hưởng đã được sơ tán và chính quyền địa phương đã bắt đầu sửa chữa những công trình bị hư hại.
Cục Di sản Văn hóa Quốc gia đã cử các chuyên gia và cấp kinh phí để giúp sửa chữa kiến trúc bị ảnh hưởng bởi mưa bão ở Sơn Tây. Bai Xuebing, một quan chức tại cơ quan quản lý di sản tỉnh, cho biết trận mưa kéo dài 4 ngày vào đầu tháng đã gây áp lực đáng kể lên các công trình cổ kính.
“Các tòa nhà lịch sử ở Sơn Tây hầu hết được làm bằng gỗ. Chúng khó có khả năng chống chịu thiên tai do lịch sử lâu đời, chịu tác động từ thiên nhiên và hàng nghìn năm hoạt động của con người. Các di tích rất dễ bị hư hại khi ngập trong nước trong thời gian dài, do lũ cuốn theo nhiều bùn và chảy với tốc độ nhanh”, ông Bai nói thêm.
Theo ông Bai, hầu hết các tòa nhà bị thiệt hại nhiều nhất nằm ở các ngôi làng hẻo lánh và không được chính phủ trùng tu nhiều. Một trong số đó là chùa Zhenwu, được xây dựng vào thời nhà Nguyên trong giai đoạn 1271-1368 ở huyện Fenxi. Chính quyền địa phương cho biết nhiều phần tường trong chùa đã bị sập và có những vết nứt trên tường.
Tại khu di tích Phật giáo Kuixing Pavilion, nơi học sinh thường đến cầu mong đỗ đạt trong các kỳ thi kể từ thế kỷ 18, một phần của công trình đã bị hư hỏng nặng. Các quan chức ở làng Yanjiazhuang cho biết họ đã chuyển vật liệu gỗ của khu di tích ra khỏi đống đổ nát và cất chúng vào kho.
Kể từ đầu tháng này, lượng mưa ở Sơn Tây nhiều hơn lượng mưa bình thường tới 5 lần, dẫn tới nhiều con đập, tuyến đường sắt và địa điểm lịch sử trong tỉnh bị phá hủy. Giới chức địa phương cho biết mưa lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của gần 2 triệu người dân, trong đó trên 120.000 người phải sơ tán khẩn cấp.
Các chuyên gia nhận định trận mưa lũ lần này ở tỉnh Sơn Tây có thể còn tồi tệ hơn trận lũ ở Hà Nam vào đầu năm nay. Trận lũ lụt xảy ra chưa đầy 3 tháng sau trận mưa lớn ở tỉnh Hà Nam khiến trên 300 người thiệt mạng. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết lượng mưa lớn kéo dài và ảnh hưởng của bão cũng đang cản trở nỗ lực cứu hộ cứu nạn.