Mưa lớn sau bão số 2 gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Thanh Hóa
Tổng hợp từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiến cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu giờ chiều 12 – 8, đã xuất hiện nhiều thiệt hại về hoa màu, đường giao thông… 12 hộ gia đình với 55 nhân khẩu ở các huyện Bá Thước và Mường Lát phải di dời để tránh nguy cơ sạt lở.
Bão số 2 sau khi đổ bộ đất liền các tỉnh phía Bắc đã suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới, gây đợt mưa lớn trên diện rộng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Tính từ 19h ngày 10/8 đến 7h00 ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 80mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Thủy văn Cẩm Thủy 239mm; Thủy văn Thạch Quảng 132 mm; Thủy văn Mường Lát 103 mm; Thủy văn Hồi Xuân 100 mm… Riêng ngày 12/8, lượng mưa phổ biến nhiều nơi từ 30 đến 60 mm, có nơi trên 80 mm. Trong sáng 12/8, mực nước sông Bưởi tại Thạch Thành đã vượt mức Báo động I là + 10 m.
Mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại bước đầu cho ngành nông nghiệp. Tại huyện Cẩm Thủy, 77,46 ha cây trồng bị ngập lụt, trong đó có 50,51 ha lúa, 15,65 ha ngô và rau màu, 5 ha mía, 2 ha cây gai xanh, 2ha cây sâm báo… 9 ha ao, hồ tại các xã: Cẩm Thành, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Châu, Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy bị ngập, gây thất thoát nhiều loài thủy sản nuôi. 44 ha cây trồng tại huyện Bá Thước cũng bị thiệt hại, trong đó 13ha lúa 19 ha mía, 4,5 ha ngô, 7,5 ha rau màu…
Về các công trình dân sinh, mưa lớn đã gây sạt đổ 330 m tường rào của các hộ dân ở xã Cẩm Bình và thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy; Nhà văn hóa thôn Eo Kén, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước bị khoảng 300 m3 đất đá sạt lở trúng.
Hàng chục điểm trên các tuyến giao thông miền núi của tỉnh cũng bị sạt lở với hàng trăm nghìn m3 đất đá, như tại các điểm: Km83+680 trên Quốc lộ 15C; sạt phần hạ lưu cống thoát nước tại Km11+050 trên tuyến Đường tỉnh 523E thuộc xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy); mặt đường bị xói lồng và nứt gãy tại 2 vị trí: Km0+179 và Km0+220 thuộc đường tỉnh 518B qua xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy. Trên tuyến đường Tuần tra biên giới thuộc xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, xuất hiện điểm sạt tại Km110+500 gây tắc đường, và điểm xói lồng nứt gãy mặt đường tại Km132+030…
Mưa lớn cũng gây nguy cơ sạt lở ở nhiều khu dân cư miền núi. Tính đến chiều 12/8, huyện Bá Thước đã tổ chức sơ tán 3 hộ/10 nhân khẩu tại thôn Tổ Lè, xã Văn Nho. Huyện Mường Lát cũng tổ chức sơ tán 9 hộ dân với 45 khẩu đến nơi ở an toàn, trong đó 1 hộ/6 nhân khẩu tại bản Ún, xã Mường Lý; 5 hộ/27 nhân khẩu tại bản Suối Lóng, xã Tam Chung; 3 hộ/12 nhân khẩu tại bản Lìn, xã Trung Lý).
Theo các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình mưa vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các huyện miền núi. Mặt khác, nước từ thượng nguồn các tỉnh phía Bắc đổ về các dòng sông lớn cũng gây nguy cơ ngập lụt.