Mưa lớn tại miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản
Từ ngày 19 đến 21-7, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa rào và dông. Lượng mưa quá lớn, lũ cuồn cuộn đổ về vùng trũng thấp khiến nhiều ngôi nhà bị ngập sâu, người dân địa phương không kịp trở tay.
4 người thương vong
Tại huyện Hoàng Su Phì, mưa liên tiếp trong thời gian qua đã gây sạt lở đất và lũ khiến 3 người thương vong, trong đó có 2 người chết (trú tại xã Bản Nhùng) do bị đất đá vùi lấp và 1 người bị thương (trú tại xã Túng Sán) do lũ cuốn, 1 nhà dân bị sập hoàn toàn.
Trong sáng 21-7, thành phố Hà Giang hứng chịu trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, mưa lớn khiến nhiều khu phố bị ngập úng, nặng nhất là khu vực phường Ngọc Hà, Nguyễn Trãi, Trần phú. Nước dâng cao 1,2m; gây chia cắt giao thông, ô tô bị ngập nước với số lượng lớn. Thống kê sơ bộ, có khoảng 10 nhà dân bị hư hại, 120 hộ dân bị ngập nước. Tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, mưa lớn gây sạt lở hơn 3.000m2 tại vị trí ta luy dương khu nhà kỹ thuật, làm sập hoàn toàn 3 gian nhà xe, hỏng 3 xe ô tô. Đất, đá và nước tràn vào Khu nhà quân khí làm ngập nền nhà kho. Ngoài ra, khu vực mốc 218 do Đồn Biên phòng Bản Máy quản lý cũng bị sạt lở do mưa lớn.
Trước đó, đêm 19, rạng sáng 20- 7, cũng xảy ra mưa lớn cục bộ tại huyện Quản Bạ, Vị Xuyên, Mèo Vạc và Bắc Quang. Tại khu vực xã Thái An, huyện Quản Bạ, mưa lớn gây lũ ống kéo theo hàng nghìn m3 đất, đá chảy xuống vùi lấp một số công trình và nhà điều hành Nhà máy thủy điện Thái An, khiến nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Ngoài ra, trận mưa lớn cũng gây sạt lở đất, đá làm hư hỏng nhiều điểm trên tuyến đường từ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đến khu vực Nhà máy thủy điện Thái An.
Ngay sau khi xảy ra ngập lụt tại thành phố Hà Giang, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã kịp thời huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ đến các điểm bị thiệt hại phối hợp cùng chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả như; di chuyển vật dụng gia đình, khơi thông dòng chảy. Ở các tuyến đường bị nước dâng cao, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ đã phân luồng, hỗ trợ giúp người dân di chuyển phương tiện. Đồng thời, triển khai lực lượng khắc phục tạm thời hậu quả sạt lở tại khu nhà Kỹ thuật và di dời phương tiện, vũ khí thiết bị đến nơi an toàn tại cơ quan Bộ chỉ huy. Duy trì quân số trực tại cơ quan sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tại tỉnh Lào Cai, rạng sáng 21-7 mưa to và dông. Mưa lớn khiến các sông suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ dao động từ 1-2m, có suối nhỏ cao trên 2,5m. Đợt mưa lớn này đã gây ngập, úng hàng chục ngôi nhà, thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Tại phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, mưa lớn làm đất bùn trôi vào nhà của 50 hộ dân. Nhiều hộ dân không kịp trở tay vì nước và bùn đất đổ về quá nhanh. Hậu quả nhiều xe máy, ô tô và các đồ dùng, cũng như hàng hóa của người dân bị ngập nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, tổ 11 phường Bắc Cường cho biết: “Khoảng 12 giờ đêm sấm chớp ầm ầm, đến 1 giờ trời bắt đầu mưa to, nước dâng làm ngập nhà. Tôi đi gõ cửa từng nhà gọi hàng xóm dậy, để mang bạt ra chắn nước đỡ trôi vào nhà. Cứ chắn đằng trước thì mưa nước đằng sau lại tràn vào, cứ như vậy nước dâng tới ngang người”.
Còn tại Cao Bằng, mưa lớn làm 1 người bị thương do đá lở, 2 ngôi nhà bị hư hại, 15ha lúa bị ngập úng, hư hại.
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập
Thời tiết khu vực miền núi phía Bắc được dự báo tiếp tục diễn biến xấu trong 2 ngày tới với lượng mưa có thể lên tới 150mm/24h; lũ thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức báo động 2- báo động 3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiệt hại về người và tài sản, trưa 21-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời dân vùng bị ngập sâu.
Thực hiện rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là công tác đảm bảo an toàn hồ đập bởi thực tế đã cho thấy mưa lũ ngày càng cực đoan, trong khi cả nước vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Điều đáng lo ngại hơn là trong số này có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ xảy ra nguy cơ vỡ đập trong trường hợp mưa lũ lớn. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa. Đồng thời bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.