Mưa lũ dị thường, cần ứng phó sớm và dự báo chính xác hơn

Gần đây liên tục xuất hiện nhiều loại hình thiên tai, mưa lũ dị thường trên phạm vi cả nước. Dẫu biết không thể phòng tránh một cách triệt để, nhưng cần chủ động ứng phó và nâng chất lượng dự báo để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, bão gây ra. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, về vấn đề quan trọng này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, đứng ở góc độ cơ quan chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó thiên tai, ông đánh giá thế nào về công tác dự báo, cảnh báo cũng như triển khai ứng phó thiên tai, mưa lũ thời gian qua?

Thứ trưởng NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Những tháng đầu năm 2024 cũng như năm 2023, chúng ta cơ bản dự báo, bám sát diễn biến thiên tai, mưa lũ; đã dự báo trước, dự báo dài hạn những địa phương nào sẽ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, khu vực nào sẽ có mưa bão lũ, sạt lở, ngập lụt… Nhờ vậy, chúng ta đã chủ động hơn trong công tác ứng phó và đã hạn chế được số người thiệt mạng, số người bị thương cũng như thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra.

Nhưng tại sao hiện nay các vụ thiệt mạng lại liên tục xảy ra trong các đợt mưa, ngập lụt?

Bên cạnh những mặt tích cực, những sự chuyển biến rõ nét thì trong công tác phòng chống thiên tai hiện vẫn còn những mặt chưa chuyển biến được. Thứ nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai của chúng ta hiện nay (ở cả đô thị và nông thôn) vẫn đang ở mức thấp so với các nước. Hạ tầng thoát nước, thoát lũ ở các đô thị chưa đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa.

Thứ hai, có những cái chúng ta nhìn thấy rất rõ là có thể không cần đầu tư quá nhiều mà lại giúp giảm được thiệt hại xảy ra. Chẳng hạn số người chết trong bão lũ không nhiều, nhưng người chết sau bão lũ vẫn nhiều. Điều này cho thấy, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường “phần cứng” mà còn cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin cảnh báo, nâng cao nhận biết, phổ biến những kỹ năng mềm để mỗi người dân có thể chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai, thảm họa.

Hiện tượng La Nina đang trở lại, chúng ta sẽ làm gì để thích ứng, hạn chế thiệt hại không đáng có?

Theo cảnh báo, từ nay đến cuối năm 2024 khi El Nino chuyển sang La Nina sẽ có diễn biến tương tự như năm 2020. Cơ quan khí tượng dự báo năm nay sẽ có khoảng 12-13 cơn bão và đáng chú ý là có những cơn bão sẽ hình thành ngay trên Biển Đông, nên sẽ di chuyển vào đất liền rất nhanh. Như năm 2020, có những cơn bão chỉ trong vòng hơn một ngày là đổ bộ vào đất liền nước ta. Do đó năm nay, nếu không chủ động và kịp thời ứng phó từ sớm thì sẽ rất khó khăn trong phòng chống thiên tai.

Cùng với dông bão, chắc chắn sẽ có những đợt mưa lớn tập trung, chủ yếu diễn ra nửa cuối năm 2024. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng nhanh, những năm gần đây, mưa lớn thường gây ra tình trạng sạt lở, lũ quét ở miền núi, ngập úng rất nặng không chỉ ở khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ như trước kia, mà có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào, khu vực nào - kể cả những khu vực đô thị nằm ven biển như Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng... hay trên núi cao, có độ dốc lớn như Đà Lạt (Lâm Đồng), Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng…

Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai năm 2024 có hiệu quả hơn, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phòng chống thiên tai vừa tổ chức hồi tháng 5-2024. Đồng thời, để thực hiện tốt công tác chuẩn bị, triển khai ứng phó mưa bão lũ, chúng tôi cũng đề nghị công tác dự báo mưa, bão cần chính xác hơn.

Về dự báo mưa lũ, đối với người dân thì quan trọng nhất là phải dự báo mưa thời điểm nào, khu vực nào để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng lại cho rằng khó dự báo chính xác mưa lũ. Ông đánh giá thế nào?

Về dự báo mưa lũ, đối với người dân thì quan trọng nhất là phải dự báo mưa thời điểm nào, khu vực nào để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng lại cho rằng khó dự báo chính xác mưa lũ. Ông đánh giá thế nào?

Thực ra để dự báo mưa chính xác thì rất khó, chúng ta cần phải có nhiều điểm đo mưa. Để có nhiều điểm đo mưa thì cần phải đầu tư nguồn lực của Nhà nước lẫn xã hội hóa. Tiếp đến cần có nhiều hơn những thiết bị quan trắc hiện đại như vệ tinh, radar thời tiết… Để dự báo chính xác thì dữ liệu thông tin đầu vào phải nhiều mà chúng ta thì hiện nay lại có ít. Do đó, dự báo mưa của chúng ta hiện chưa được chính xác lắm, dẫn đến không chỉ người dân khó theo dõi, chủ động thích ứng, sắp xếp công việc; các địa phương khó tính toán, điều tiết sản xuất, tiêu thoát úng ngập… mà ngay trong công tác vận hành hồ chứa ở các địa phương cũng đang khó khăn.

Nếu chúng ta dự báo mưa chính xác hơn thì sẽ vận hành hồ chứa tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm thiểu được nhiều rủi ro thiệt hại hơn. Chẳng hạn, trong mùa mưa lũ chúng ta chủ động điều tiết (tích - xả) một cách hợp lý để có thể tích được lượng nước nhiều nhất mà vẫn đảm bảo an toàn cho hồ chứa trong mùa lũ, vừa đảm bảo nhu cầu phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô hạn.

Hiện nay, yếu tố cực đoan của thời tiết ngày càng tăng, nên mức độ nguy hiểm là rất lớn. Dự báo khu vực miền núi phía Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa sẽ có những đợt mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất, khốc liệt hơn năm 2023. Vì thế, đối với miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An cần tập trung vào rà soát các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động, sẵn sàng sơ tán người dân, khơi thông dòng chảy các sông, suối.

Các địa phương ở miền Trung, đặc biệt là Nam Trung bộ được cảnh báo sẽ có những đợt lũ, lụt tương tự năm 2020. Lũ lụt có nguy cơ kéo dài, ngập sâu hơn trước nên cần triển khai mô hình nhà chống lũ. Các bản tin dự báo đối với khu vực miền Trung cần phải nói rõ lượng mưa, mức độ ngập lụt để người dân chủ động và kịp thời phòng tránh. Tây Nguyên cũng sẽ có những đợt mưa lớn, nguy cơ sạt lở như năm trước, nên cần có các giải pháp đảm bảo an toàn cho hồ chứa, vì phần lớn các hồ chứa ở khu vực này đã xây dựng từ khá lâu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn Hoàng Đức Cường:

Tổng cục Khí tượng - Thủy văn nhận định năm 2024 tiếp tục xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường.

Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, tin cậy về các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra, gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn…

Đồng thời cần áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.

PHÚC HẬU thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-lu-di-thuong-can-ung-pho-som-va-du-bao-chinh-xac-hon-post744908.html