Mưa lũ hoành hành: Nhiều nơi nước ngập nửa nhà, giao thông chia cắt
Mưa lũ đang hoành hành ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân, hạ tầng giao thông.
Một người tử vong do mưa lũ tại Hòa Bình
Ngày 28/9, thông tin từ văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN) tỉnh Hòa Bình cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn.
Tính từ ngày 26/9 đến 15h00 ngày 28/9 tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 2.700mm, lượng mưa lớn nhất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh dao động từ 227mm đến 346mm.
Mưa lũ khiến một người tử vong là anh B.V.N (SN 1982, trú tại huyện Cao Phong), anh N bị lũ cuốn trôi tại suối Bưng, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ ngày 27/9, thi thể nạn nhân vào hồi 15h20 ngày 28/9.
Ngoài ra, mưa lũ gây sạt lở, làm ách tắc giao thông tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tại Km79+100, thuộc dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn DốcCun (Km78+420 ÷ Km85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình sạt lở 2 lần, khối lượng khoảng 4.000m3, hiện tại đã được thông tuyến.
Ngập nước, sạt lở đất, đá ta luy dương, các phương tiện đi lại khó khăn tại các tuyến đường 12B; đường tỉnh 433; đường tỉnh 432; đường tỉnh 435 và 1 số các tuyến đường huyện, đường liên xã.
Sau khi xảy ra sạt lở, ngành giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khắc phục, hiện đã thông tất cả các tuyến, đảm bảo các phương tiện di chuyển.
Trước tình hình mưa lũ có thể kéo dài, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ra công điện khẩn yêu cầu:
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các đơn vị có liên quan chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục nhanh hậu quả.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Hơn 100 người tìm kiếm ba nạn nhân mất tích do sạt lở tại Sơn La
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 7h15 tại bản Đung, xã Mường Lang xảy ra vụ sạt lở đất đã làm mất tích ba người (trong đó có một trẻ em, hai phụ nữ).
Ba người này đang đi bộ thông trên đường liên bản thì bất ngờ bị đất đá ở trên ta luy sạt xuống. Hai người bị đất đá đẩy trôi xuống dòng nước lũ ở suối Bứa mất tích; một trẻ em nghi là bị đất vùi lấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đang tiến hành dùng máy xúc, xúc đất tìm nạn nhân bị vùi lấp và tìm kiếm hai nạn nhân bị dòng nước cuốn trôi.
Nạn nhân bị lũ cuốn trôi được xác định là Đ.T.L (SN 1976), H.T.N (SN 1973), còn nạn nhân nghi bị đất vùi lấp là H.H.Đ (SN 2018), cả ba cùng trú tại xã Mường Lang.
Sau khi sự việc xảy ra, hơn 100 người gồm chính quyền và nhân dân xã Mường Lang, Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện đã tiến hành dùng máy xúc, xúc đất tìm nạn nhân bị vùi lấp và tìm kiếm 2 nạn nhân bị dòng nước cuốn trôi.
Đến 15h30, lực lượng chức năng đã tìm thấy một thi thể nữ giới là nạn nhân bà Hà Thị N.
Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm hai nạn nhân còn lại.
Nghệ An: Nước lũ bắt đầu rút
Đến ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mưa đã ngớt, nước trên các sông đã bắt đầu rút. Tranh thủ nước rút đến đâu, chính quyền, lực lượng chức năng cùng với người dân vùng lũ Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Thanh Chương… tiến hành dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nhà cửa đến đó.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An: Mưa lớn kéo dài đã khiến 1.734 ngôi nhà bị ngập, 6 nhà bị sập hoàn toàn; 1.763ha lúa, 3.053,9ha bị thiệt hại; hơn 3.700 con gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đến hiện tại, Nghệ An chưa ghi nhận thương vong về người.
Về giao thông, tính đến 16h30 chiều ngày 28/9, còn 14 vị trí trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Sở GTVT Nghệ An bị ngập (trong đó 8 vị trí trên quốc lộ, 6 vị trí trên đường tỉnh). Cơ quan chức năng đóng đường ở 12 vị trí (quốc lộ 6 vị trí và 6 vị trí đường tỉnh.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 162 vị trí trên các tuyến đường do Sở GTVT Nghệ An quản lý bị sụt trượt (ta luy dương 136 vị trí, ta luy âm 26 vị trí). Trong đó, còn 6 vị trí ách tắc giao thông, đang thực hiện đảm bảo giao thông một vệt.
Tổng thiệt hại sơ bộ về giao thông lên đến 31,78 tỷ đồng, trong đó quốc lộ là 23,27 tỷ đồng, đường tỉnh là 8,51 tỷ đồng.Còn với các tuyến đường quốc lộ do Khu Quản lý đường Bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý (QL7 và đường Hồ Chí Minh) cũng bị sạt lở và ngập một ít, và hiện đã thông xe.
Nước lũ dâng cao cuốn trôi hơn 1.000 con lợn
Chiều ngày 28/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nước lũ dâng cao vào một trạng trại nuôi lợn gây thiệt hại lớn.
"Trong ngày 27/9, nước lũ dâng cao tràn vào trang trại lợn của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Như Xuân thuộc địa bàn bản Hón Tỉnh, xã Thanh Sơn. Theo thống kê ban đầu, có khoảng 1.108 con lợn bị chết và cuốn trôi. Toàn bộ số lợn này đều được nuôi ở khu vực trũng. Ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng", ông Đạt cho biết.
Được biết, trang trại lợn nói trên nuôi tổng cộng 8.500 con lợn, số lợn bị chết khoảng 300 con, còn hơn 700 con bị nước cuốn trôi. Trung bình trọng lượng khoảng 25-30kg/con. Hiện, chính quyền địa phương đang vận động, tuyên truyền người dân nếu ai bắt được số lợn bị trôi thì trả lại cho chủ trang trại.
Theo thống kê, mặc dù nước lũ đã rút nhưng trên địa bàn huyện Như Xuân hiện nay vẫn đang còn 119 hộ dân với 400 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa đang bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài do đường giao thông đi lại đang bị ngập nước sâu.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ trên địa bàn từ ngày 25/9 đến ngày 27/9 đã gây ngập lụt nhiều nhà dân, chia cắt bản làng, thiệt hại về tài sản, đường sá, lúa, hoa màu ở nhiều nơi.
Toàn tỉnh có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt; Một thôn với 119 hộ dân bị chia cắt với bên ngoài. Mưa lũ đã gây sạt ta luy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 1.500m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3...
Nhiều đoạn ở quốc lộ 47C và quốc lộ 16 bị sạt ta luy âm. Hiện nay, giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của địa phương này không ách tắc, lưu thông bình thường. Các lực lượng chức năng đã bố trí nhân lực, máy móc để xử lý các vị trí hư hỏng, sạt lở.
Thanh Hóa: Hơn 100 hộ dân bị chia cắt do mưa lũ
Sáng 28/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước sông, suối dâng cao gây chia cắt một số thôn trên địa bàn. Trong đó, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.
"Thôn Thanh Sơn có khoảng 119 hộ dân với 400 nhân khẩu đang sinh sống. Đây là vùng trũng và năm nào cũng ngập đường giao thông, chia cắt khi có mưa lớn.
Ngay khi có thông tin nguy cơ ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới gây mưa nhiều, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị các nhu, yêu phẩm cần thiết. Chỉ duy nhất đường vào thôn bị nước chảy qua đập tràn sâu khoảng 60-70cm không thể đi lại, chia cắt với bên ngoài. Mọi sinh hoạt trong thôn vẫn diễn ra bình thường, các hàng quán đều mở bán nên không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân", ông Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, thôn Thanh Sơn nằm trong vùng trũng, vùng ngập lụt nên hiện nay, đang có tờ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm bố trí thêm kinh phí để thực hiện công tác di dân đến khu tái định cư mới theo Nghị quyết 135 của Thường vụ Quốc hội.
Ông Lê Quốc Định, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho hay: Hiện nay, trong số 119 hộ thì có khoảng hơn 30 hộ dân nước ngập vào trong nhà. Còn lại các cụm dân cư vẫn sinh hoạt bình thường.
"Nước chảy xiết qua các vị trí đập tràn cao khoảng gần 1m nên các phương tiện và người dân không thể đi ra ngoài được. Hiện nay, trong thôn vẫn có lực lượng của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão túc trực 24/24h. Những hộ bị nước ngập vào nhà đã di chuyển đồ đạc và sơ tán người lên vị trí cao hơn. Cuộc sống của bà con ổn định, không có thiệt hại về người. Mưa lũ đã làm ngập 2ha lúa, 10 sào ngô, mía của bà con trong thôn", ông Định cho biết thêm.
Thống kê sơ bộ ban đầu, tại huyện Như Xuân, mưa lũ đã làm ngập 55ha lúa, 0,7ha cây các loại. Các đường giao từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân đoạn qua xã Cát Vân bị sạt lở (20m3 đất). Một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các xã bị ngập gây chia cắt. Trên địa bàn cũng ghi nhận một trường hợp mất tích khi đi đánh cá trên sông, hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Mưa lớn những ngày vừa qua đã khiến nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ Thanh Hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây sạt ta luy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 1.500m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; Xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; Sa bồi mặt đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3...
Trên các tuyến đường tỉnh có 12 vị trí ta luy dương bị sạt với khối lượng khoảng 650m3; Xói lở mặt đường tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520B với chiều dài khoảng 100m; Sa bồi mặt đường tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 320m3; Xói lở lề đường tại 21 vị trí trên các tuyến đường tỉnh 523B và 516.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất tại huyện Thường Xuân; sạt lở mái đê phía sông tại Km 15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn với chiều dài 10m và 230m tường rào bị đổ tại huyện Như Thanh.
Tại huyện Như Xuân, ở xã Thượng Ninh, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thanh Quân một số hộ dân bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.
Hai ngày qua trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có mưa vừa đến mưa rất to. Mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn Hòa Bình đổ về nhanh đã làm cho mực nước sông Bưởi lên nhanh, gây ngập và sạt lở một số khu vực đất canh tác của người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Đặc biệt, đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông đoạn qua thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực. Đoạn bị sạt lở có chiều dài khoảng 1.400m, tiếp giáp với nơi sinh sống của 22 hộ dân với 82 nhân khẩu.
Liên quan đến hạ tầng giao thông, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lý Văn Thích, Trưởng phòng quản lý giao thông (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, sau khi xảy ra các sự cố trên các tuyến giao thông, đường có đập tràn, các đơn vị quản lý đường bộ đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra và căng dây, đặt biển cảnh báo cho người dân, phương tiện không đi qua vùng sạt lở, ngập lụt.
"Đối với 1 số vị trí sạt lớn như trên quốc lộ 15C, đã huy động máy móc, nhân lực san gạt phần đất bị sạt sang một bên để đảm bảo giao thông thông suốt. Sau đó, sẽ tính toán xử lý mái ta luy dương và hót dọn các phần đất, đá trên đường đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Ở các khu vực ngập tràn thì luôn cắt cử người để cánh báo. Hiện nay, giao thông trên các tuyến quốc lộ đi lại bình thường", ông Thích cho hay.
Đối với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Bưởi qua địa phận huyện Thạch Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành và các sở, ngành liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản.
Ông Đinh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các lực lượng chức năng của huyện Thạch Thành đã tăng cường bám sát cơ sở kiểm tra, chốt trực 24/24h tại các điểm tràn bị ngập lụt, các tuyến đê sông Bưởi, hồ đập xung yếu sẵn sàng các vật tư, lực lượng, phương tiện ứng hộ ngay từ giờ đầu.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, theo dõi tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng phương án sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, sạt lở bờ sông đến vị trí an toàn.
Được biết, để chủ động ứng phó với mưa, lũ gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 đoàn công tác do các lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương.
Lào Cai: Nhiều đoạn trên QL4D bị sạt lở, ách tắc giao thông
Từ 27 đến sáng 28/9, trên địa bàn thị xã Sa Pa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ đã khiến đoạn QL4D từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông.
Cụ thể, do mưa lớn kéo dài trong đêm 27/9 và sáng 28/9 trên QL4D từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa xuất hiện 3 điểm sạt lở, gồm: Điểm tại Km 100+300, thuộc địa phận phường Phan Si Păng (từ Sa Pa đi Thác Bạc); điểm thứ hai tại Km109, phường Hàm Rồng và điểm thứ 3 tại Km 112+200, thuộc địa phận xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Hiện, chưa xác định được khối lượng đất, đá sạt lở của các điểm.
Bên cạnh đó, trên TL152 đoạn Km23 (từ trung tâm thị xã Sa Pa đi xã Bản Hồ, Liên Minh), giáp đầu cầu Thanh Phú cũng xuất hiện điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông.
Theo đánh giá của Ban Bảo trì giao thông (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai), mặc dù các điểm sạt lở có khối lượng không lớn nhưng đã gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, điểm sạt lở tại Km 112+200 thuộc địa phận xã Trung Chải, thị xã Sa Pa có khối đá lớn sạt xuống đường gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Hiện tại, đơn vị bảo trì phải dùng máy khoan, sau đó sử dụng bột lở để phá khối đá rồi đẩy ra cạnh đường để thông tuyến tạm thời.
Được biết, ngay trong đêm qua, Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai (đơn vị được giao bảo trì đoạn QL4D từ Lào Cai đi Sa Pa) đã triển khai máy móc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để thông đường. Hiện, các điểm sạt lở đã thông đường tạm thời để các phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, thời tiết tại các địa phương trên tuyến QL4D vẫn đang có mưa, nguy cơ sạt lở vẫn có thể diễn ra, vì thế, người dân cần cảnh giác khi lưu thông từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa và ngược lại để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Theo báo cáo nhanh của Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, từ ngày 27-28/9, trên địa bàn thị xã có một số nơi có mưa to như: Ngũ Chỉ Sơn, Liên Minh, Tả Van, Ô Quý Hồ… lượng mưa từ 102-113mm. Mưa lũ đã gây một số thiệt hại về hoa màu, đường giao thông và làm sạt lở đất, đá vào nhà dân.
Tính đến trưa 28/9, mưa lũ đã làm sạt lở taluy vào 1 nhà dân ở thôn Móng Xóa, xã Ngũ Chỉ Sơn làm nứt nền, ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Cùng với đó, các tuyến TL152, 162 và một số tuyến đường giao thông liên xã bị sạt lở với khối lượng hàng chục nghìn mét khối.
Hiện nay, UBND thị xã Sa Pa chỉ đạo UBND các xã, phường huy động lực lượng hỗ trợ di chuyển tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn; Hạt Quản lý đường bộ I, Phòng Quản lý Đô thị, Công an thị xã cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông, tiến hành xử lý, khắc phục đảm bảo giao thông bước 1.
Hòa Bình: Khẩn trương xử lý sạt lở dốc Cun trên quốc lộ 6
Do ảnh hưởng mưa lớn trên TP Hòa Bình, khoảng 7h sáng nay, tại Km 79+050 quốc lộ 6 có khối sạt lớn trên 1.000m3 đất đá tràn ra mặt đường gây ách tắc giao thông, các phương tiện không thể di chuyển.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chỉ huy công trường cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909 đã đưa máy móc, nhân công vào xử lý, đến 7h45 đã thông một chiều, các phương tiện đã có thể lưu thông. Khi ngớt mưa sẽ hót sụt để thông xe 2 chiều.
Để đảm bảo ATGT và thông xe trên tuyến, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình đã chỉ đạo các nhà thầu trên tuyến ứng trực máy móc, nhân lực thường xuyên tại hiện trường để khắc phục ngay các điểm sạt lở, bố trí cán bộ điều tiết giao thông tại các điểm thi công và điểm sạt lở, đảm bảo thông xe an toàn.
Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km 78+420 - Km 85+100) trên Quốc lộ 6 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Với mục tiêu đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến.
Đơn vị thi công là liên danh các nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng SHB Việt Nam; Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam; Công ty TNHH Thương mại Hải Ngân; Giá gói thầu là hơn 80 tỷ đồng.