Mưa lũ làm sạt lở nhiều vị trí, Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, mưa lũ từ ngày 1 đến 4/8 tại các địa phương trên cả nước đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, nhiều vị trí bị sạt lở, sụt lún gây ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình giao thông.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà, BĐBP Điện Biên cùng dân quân xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khắc phục sự cố sạt trượt đất, đá trên tuyến đường ra biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà, BĐBP Điện Biên cùng dân quân xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khắc phục sự cố sạt trượt đất, đá trên tuyến đường ra biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Theo báo có nhanh của các địa phương, mưa lũ đã làm ông Hồ Trọng Sinh (sinh năm 1965, thường trú tại huyện Đăk Mil, tỉnh Đắc Nông), bị nước cuốn trôi khi lội qua suối về nhà. Gia đình và lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể.

Ngoài ra còn ghi nhận, ông Phạm Văn Tân (sinh năm 1981, thường trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà; tạm trú tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị mất tích do trượt chân xuống suối trên đường đi làm về. Hiện, địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nhưng chưa thấy.

Mưa lớn đã làm 99 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng, nhiều nhất là tỉnh Điện Biên với 82 ngôi nhà bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 288 nhà bị ngập, chủ yếu ở tỉnh Đắk Nông (161 nhà).

Gần 8.900 ha lúa, hoa mùa cũng bị ngập úng, thiệt hại, tập trung chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk (7.400 ha); Đồng Nai (420 ha); Trà Vinh (328 ha); Đắk Nông 359 ha. Hơn 173 ha ao hồ đã bị tràn, vỡ do mưa lớn, gây thiệt hại cho người dân.

Hệ thống giao thông nông thôn tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai cũng bị ảnh hưởng, gián đoạn do sạt lở với khối lượng hơn 8.300m3 đất, đá.

Về thủy lợi, hơn 3.200m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng tập trung tại Điện Biên. Bên cạnh đó, 1 cầu dân sinh tại tỉnh Lâm Đồng bị cuốn trôi; 2 cống thoát nước ở Điện Biên và Gia Lai bị hư hỏng, cuốn trôi.

Tại Bình Thuận ghi nhận 3 vị trí sạt lở bờ biển thuộc địa bàn huyện Tuy Phong với chiều dài 140m. Hiện chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dùng bao cát gia cố tạm thời các khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân được biết.

Trước tình trạng mưa lũ gây thiệt hại tới tính mạng và công trình cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 725/CĐ-TTg tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.

Công điện nêu rõ, theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng (văn bản số 6727/UBND-TL ngày 4 tháng 8 năm 2023) và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trong những ngày qua tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài. Nhiều khu vực tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt trượt đất, ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình giao thông, đặc biệt là tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và hồ chứa nước Đắk N’Ting (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.

Để tiếp tục tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1 tháng 7 năm 2023 và số 691/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2023 và văn bản số 302/TB-VPCP ngày 2 tháng 8 năm 2023, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT phân công 1 đồng chí Thứ trưởng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.

Cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của 2 các hồ Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng), Đắk N’Ting (tỉnh Đắk Nông) để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và an toàn dân cư.

Thủ tướng chỉ đạo, Ban chỉ đạo quốc gia về PCTTvà các bộ, ngành khác có liên quan tiếp tục theo dõi, chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-lu-lam-sat-lo-nhieu-vi-tri-thu-tuong-yeu-cau-tap-trung-ung-pho-post464496.html