Mưa lũ làm trên 3.000 ngôi nhà ở Quảng Trị bị ngập sâu trong nước
Ngày 17/11, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lũ từ ngày 13/11 đã khiến địa bàn có trên 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 3 người thiệt mạng, thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu cũng như các công trình giao thông, đê kè.
Hiện nay, mực nước trên các sông bắt đầu rút, với phương châm “nước xuống đến đâu dọn đến đó”, hiện nay công tác khắc phục hậu quả sau lũ đang được tích cực triển khai.
Nằm ở vùng rốn lũ của huyện Hải Lăng, từ đầu năm 2023 đến nay, đây là trận lũ thứ 2 mà Trường Mầm non xã Hải Chánh phải đón nhận. Ngay khi nước bắt đầu rút khỏi các phòng học, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh của trường cùng nhau tranh thủ vệ sinh lớp học, lau dọn đồ dùng dạy học, sắp xếp lại đồ đạc bảo đảm sạch sẽ để có thể đón trẻ đi học trở lại sau khi nước rút hoàn toàn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Chánh chia sẻ: Đợt lũ trước nước ngập trong phòng học khoảng 50cm, nhưng lần này cao hơn ngập trên 70cm, ngoài khuôn viên trường có nơi cao gần 1,5m. Tất cả các công trình sân chơi, cây cảnh, góc học tập ngoài trời bị ngập sâu trong nước dài ngày. Nhờ có sự chủ động nên trước đó, các giáo viên trong trường đã kê cao đồ đạc, dụng cụ, đồ dùng học tập nên không bị hư hại gì.
Tuy nhiên do mưa lũ kéo dài nên khi nước rút đi nhiều hạng mục trong khuôn viên của trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Với phương châm nước rút đến đâu dọn đến đó, hiện nay trường đã huy động 100% quân số cùng với phụ huynh tập trung dọn dẹp bùn, lau chùi, dọn dẹp đồ đạc, khử khuẩn lớp học và đồ dùng dạy học… nhằm đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để sớm đón trẻ.
Nằm ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng, trong đợt mưa lớn từ ngày 13/11, xã Hải Chánh bị ngập sâu trong nước suốt nhiều ngày liền. Mặc dù nước trong nhà ông Dương Văn Khánh vẫn chưa rút hoàn toàn nhưng ông vẫn cùng các phụ huynh khác sang Trường Mầm non phụ các cô giáo dọn dẹp trường.
Tâm sự với chúng tôi, ông Khánh cho hay: Mấy ngày nay mưa lớn nên cả xã bị ngập sâu trong nước. May có sự chuẩn bị nên đồ đạc được kê cao kịp thời. Hiện nay, nước đã rút gần hết, tôi sang đây phụ mọi người dọn dẹp để trường sớm đón các cháu đi học trở lại an toàn.
Khi nước lũ rút đi công tác dọn dẹp bắt đầu triển khai cấp thiết bởi nguy cơ dịch bệnh từ nguồn nước ô nhiễm dễ gây bùng phát khắp nơi. Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương đã vận động người dân trong huyện Hải Lăng khẩn trương khắc phục hậu quả, xử lý rác thải, tránh nguy cơ xảy ra dịch bệnh sau lũ. Huyện Hải Lăng cũng đã chỉ đạo ngành Y tế khẩn trương cử cán bộ về các địa phương trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, dọn dẹp vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện cũng đã kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vật tư, hóa chất cho các trạm Y tế cơ sở để chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt và phòng, chống dịch bệnh sau lũ.
Ông Lê Phước Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 6 xã với hàng nghìn ngôi nhà nằm trong vùng bị ngập lụt. Nước lũ kéo dài trong nhiều ngày liền cùng với rác thải đổ về, gia súc, gia cầm chết trôi nổi dễ gây ra các dịch bệnh. Trước tình hình trên, Trung tâm y tế huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các trạm y tế và các bộ phận có liên quan tham gia trực tiếp hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão. Đồng thời, tham mưu UBND huyện chỉ đạo Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã ra quân vệ sinh môi trường với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; khuyến cáo người dân chủ động phòng chống 1 số bệnh như: tiêu chảy, nước ăn chân, đau mắt đỏ…
Nước lũ dâng cao, kéo dài trong nhiều ngày nên nguồn nước bị ô nhiễm, rác thải dồn ứ khắp nơi. Hiện nay, để đảm bảo môi trường khi nước rút, chính quyền địa phương đang tích cực vận động nhân dân, khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và thu gom rác thải ở các khu vực công cộng. Công tác vệ sinh môi trường sau lũ, phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc xử lý nguồn nước đang được tiếp tục triển khai một cách triệt để, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.