Mưa lũ nghiêm trọng ở châu Âu: Khẩn cấp cứu hộ khi số người chết tăng lên gần 130
Lực lượng cứu hộ tại miền Tây nước Đức và Bỉ đang nỗ lực giải cứu hàng trăm người vẫn đang bị mắc kẹt trong đợt mưa lũ lịch sử.
Mưa lớn chưa từng thấy bắt đầu trút xuống từ ngày 14/7 đến sáng 15/7 ở nhiều khu vực tại Tây Đức. Sau đó, tại những nơi có mưa lớn xuất hiện lũ quét cực mạnh.
Sau nhiều ngày mưa lớn, chỉ tính riêng ở Đức đã có 106 người chết, đây là con số thiệt mạng lớn nhất trong một thảm họa thiên nhiên ở nước này trong gần 60 năm qua
Giới chức bang Rhineland-Palatinate cho biết, đã có 63 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn nhất trong nhiều thập kỷ, trong số này bao gồm 12 người sống trong cùng một ngôi nhà dành cho người khuyết tật thị trấn Sinzig, khi nó bất ngờ đổ sập vì lũ lụt ngay trong đêm.
Trong khi đó, các quan chức bang North Rhine-Westphalia thông báo số người chết hiện tại là 43, song cảnh báo rằng con số này có thể tiếp tục tăng.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông “choáng váng” trước mức độ tàn phá của đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm gần đây, đồng thời cam kết hỗ trợ các khu vực chịu thiệt hại cũng như gia đình có người thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Arne Collatz nói rằng quân đội Đức đã huy động hơn 850 binh sĩ để tham gia công tác cứu hộ, nhưng con số này “đang tăng lên đáng kể vì nhu cầu ngày càng tăng”. Ông Collatz cho biết, bộ này đã kích hoạt "báo động thảm họa quân sự" nhằm đối phó với lũ lụt lịch sử này.
Khoảng 114.000 hộ gia đình ở Đức đã bị mất điện trong ngày 16/7 và mất mạng điện thoại di động tại một số vùng ngập lụt, khiến chính quyền khó theo dõi số người mất tích. Đường ở nhiều khu vực lũ quét qua bị phá hủy nghiêm trọng, vì vậy các đội cứu hộ đã nỗ lực tiếp cận người dân đang bị mắc kẹt tại khu vực ngập lụt bằng thuyền hoặc máy bay trực thăng, và phải liên lạc qua bộ đàm.
Theo cơ quan thời tiết quốc gia Đức, lượng mưa rất lớn này là do một khu vực áp thấp di chuyển chậm, hình thành vành đai không khí ấm và ẩm, cung cấp năng lượng cho những cơn dông mạnh với lượng mưa lớn, kéo dài. Các trận mưa lớn có xu hướng thường xuyên hơn do khí hậu ấm lên, trong đó không khí ấm chứa nhiều hơi nước hơn, dễ tạo thành mưa.
"Đây là điều đáng buồn, nhưng chắc chắn rằng những sự kiện thời tiết cực đoan như này sẽ xảy ra thường xuyên hơn với chúng ta trong tương lai... Cần có nhiều biện pháp hơn nữa để đối phó với sự nóng lên toàn cầu", Thống đốc bang North Rhine-Westphalia, Armin Laschet nhận định.
Sau Đức, Bỉ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden hôm 16/7 cho biết, nước này ghi nhận ít nhất 20 người chết và 20 người khác mất tích vì lũ lụt.
Bộ trưởng Verlinden cảnh báo mực nước trên sông Meuse vẫn ở mức nguy hiểm và một số con đê có nguy cơ bị vỡ.
Ngày 16/7, Bỉ tuyên bố quốc tang 1 ngày trong tuần tới để tưởng nhớ các nạn nhân chết do mưa lũ.
Nước lũ cũng đã nhấn chìm rất nhiều ngôi làng và thị trấn ở Bỉ. Ít nhất 10 căn nhà tại thị trấn Pepinster, gần thành phố Liege, đã bị sập.
Theo Reuters, cộng đồng dân cư dọc theo nhiều khu vực sông Meuse, chảy qua thành phố Liege ở miền Đông nước Bỉ lo lắng khi thấy nước sông tiếp tục dâng cao và có nguy cơ tràn bờ.
Chính phủ Italia đã cử một quan chức bảo vệ dân sự, lực lượng cứu hỏa và xuồng cứu hộ đến Bỉ để giúp tìm kiếm những người mất tích do trận lũ lụt kinh hoàng.
Trong khi đó, tại tỉnh Limburg, miền Nam Hà Lan - nơi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, quân đội đã sử dụng bao cát để gia cố một đoạn đê dài 1,1 km dọc theo sông Maas và cảnh sát giúp sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp.
Các nhà chức trách ở thị trấn Venlo, miền Nam Hà Lan đã sơ tán 200 bệnh nhân đến bệnh viện do nguy cơ lũ lụt dâng cao từ sông Maas.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, chính phủ đã chính thức tuyên bố những nơi bị lũ lụt là khu vực thiên tai, theo đó các doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện để được bồi thường.