Mưa lũ ở Quảng Nam kéo dài gây thiệt hại nhiều tài sản
Từ ngày 6/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa bình quân từ 262 - 574 mm, gây ngập úng tại một số địa phương, làm thiệt hại nhiều công trình công cộng và tài sản của nhân dân, khiến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện, mực nước của các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, dự kiến nước tại các hồ chứa thủy điện trên địa bàn sẽ đạt đỉnh. Để duy trì mực nước hồ ở cao trình mực nước đón lũ thấp nhất, hiện nay, 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đều phải xả nước điều tiết lũ xuống hạ du, với lưu lượng nước 170 + 3000 m3/giây, trong đó lưu lượng qua 2 tổ máy là 170 m3/giây, lưu lượng điều tiết qua tràn là 2.830 m3/giây và Nhà máy thủy điện A Vương đã bắt đầu thực hiện xả tràn từ 6 giờ ngày 10/10, với lưu lượng từ 100 + 1.200 m3/giây. Đặc biệt, đập thủy lợi Cát Bầu, huyện Duy Xuyên đã bị vỡ khiến cho hoa màu và nhà dân bị ngập cục bộ. nước lũ cũng đã tràn qua tuyến Quốc lộ 1A tại địa phận huyện Thăng Bình và Phú Ninh từ 30-40 cm khiến nhiều phương tiện không thể qua lại được.
Mưa lũ kéo dài đã làm một người bị tử vong, 47 nhà ở của người dân bị thiệt hại từ 30 - 70%, 30 điểm trường bị ngập lụt và sạt lở đất, 72 ha lúa, rau màu và cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn và 20 ha cây xanh bị ngã đổ, 830 con gia cầm và 10 con gia súc bị chết, 5 ha ao nuôi thủy sản bị thiệt hại và 2 công trình nước sạch bị hư hỏng. Về thủy lợi đã làm 18m kênh mương bị sạt lở... Đặc biệt, đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân...
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trên tuyến đường Quốc lộ có 68 điểm bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng khoảng 53.000 m3 đất đá; trên các tuyến đường địa phương có 95m đường bị sạt lở, hư hỏng, 6 điểm bị sạt lở với khối lượng khoảng 40.000 m3 đất đá. Ngoài ra, mưa lũ kéo dài nhiều ngày đã làm cho một số tuyến đường tại Khu phố cổ Hội An, tại thành phố Tam Kỳ và một số địa phương ở huyện Đại Lộc, địa phương mà người dân Quảng Nam thường gọi là “rốn lũ” bị chìm trong nước, khiến đời sống của người dân ở nơi đây rất vất vả.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh cần phải thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, tính toán để xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Quy trình 1865 - quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của của Thủ tướng Chính phủ.