Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, cả nước hướng về miền Trung
Tiếp sau Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh hiện giờ đã trở thành rốn lũ của miền Trung. Mưa lớn suốt những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính từ ngày 6 đến ngày 19-10, đã có 106 người chết, 27 người mất tích do mưa lũ. Chia sẻ với 'khúc ruột' miền Trung, các tổ chức, cá nhân trên cả nước đang vận động quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Mưa đặc biệt lớn đã và đang xảy ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Lũ trên nhiều tuyến sông vượt lũ lịch sử. Trong đó, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có thời điểm lên 7,39m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (7,29m). Mực nước sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lúc 7 giờ ngày 19-10 là 4,88m, vượt lũ lịch sử 0,97m. Ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề, đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân tại khu vực trên.
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa tầm tã, nước lũ vượt mốc lịch sử năm 1979 khiến nhiều khu vực bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy. Thành phố Đồng Hới, địa phương ngay cửa biển lần đầu tiên bị ngập trong nước lũ. Trên mạng xã hội, ngập tràn lời nhắn cầu cứu của người dân đang bị mắc kẹt trong nhà do nước lũ dâng lên quá nhanh. Tỉnh Quảng Bình đã quyết định tạm hoãn đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh để dồn sức chống lũ. Tính đến sáng ngày 20-10, mưa lũ đã làm ngập hơn 95.000 hộ thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới. Nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch bị ngập sâu, sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Bình đã phải di dời gần 23.000 hộ dân.
Trước tình hình ngập lụt đe dọa tính mạng của người dân, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã triển khai 46 tổ/186 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và một số phương tiện phối hợp với địa phương ứng phó với mưa lũ. Ngay trong tối ngày 18-10, khi đợt mưa lũ mới xảy ra, các tổ công tác di dời 220 người dân xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) ra khỏi vùng ngập lụt. Trên địa bàn huyện Hải Lăng, Đồn Biên phòng Lý Hòa cùng chính quyền địa phương vận động 24 hộ ở xã Hải Phú (huyện Bố Trạch) có nguy cơ sạt lở và 26 hộ ở xã Trung Trạch có nguy cơ ngập lụt đến vị trí an toàn...
Hiện, BĐBP Quảng Bình cùng chính quyền địa phương rà soát các hộ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để di dời và kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát vị trí đóng quân, kịp thời phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ sạt lở đất, đá để đưa CBCS, trang thiết bị đến vị trí an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân không qua lại khu vực nguy hiểm, không đánh bắt cá, vớt củi ở các sông, suối chảy xiết.
Nằm trong vùng trọng tâm mưa suốt từ đầu tháng tới nay, tỉnh Quảng Trị đang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Tính đến ngày 20-10, địa phương này vẫn còn 54.000 hộ tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị bị ngập nước. Hơn 15.000 hộ dân phải sơ tán, di dời. Mưa lũ, sạt lở đất đã làm 57 người chết và mất tích, trong đó có 22 CBCS bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất tại Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 vào rạng sáng ngày 18-10. Các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và tài sản, nhà dân bị hư hỏng nặng nề.
Mặc dù trên các tuyến biên giới, nhiều xã vẫn còn bị cô lập, chia cắt do nước lũ và sạt lở đất, nhưng BĐBP Quảng Trị đã khắc phục mọi khó khăn, giúp người dân di dời tới nơi an toàn, cung cấp lương thực giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong đó, từ ngày 19-10, đoàn từ thiện “Chuyến xe cho em” của các nhà hảo tâm đến từ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với BĐBP Quảng Trị đã đến trao tặng 100 suất quà cứu trợ (gạo, mì tôm, bột nêm) cho người dân thôn Đông, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Sau đó, đoàn tới trao tặng 800 suất quà cho người dân xã A Ngo, huyện Đakrông.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài, cùng với việc các hồ chứa xả lũ khiến cho 9 xã tại rốn lũ huyện Hương Khê và hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập cục bộ từ 2-4m, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. 31.000 hộ tại các huyện: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Vũ Quang, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh bị ngập. Tỉnh Hà Tĩnh phải di dời khẩn cấp gần 14.000 hộ dân để đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không đi lại qua các đập tràn, vùng ngập úng.
Trước tình huống khẩn cấp, BĐBP Hà Tĩnh đã điều động gần 200 CBCS cùng 7 ca nô tỏa đi tới các khu vực bị ngập sâu ứng cứu người dân. Công tác ứng cứu người dân gặp rất nhiều khó khăn do nước ngập sâu, khó xác định phương hướng, nhiều chướng ngại vật. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm cao nhất, BĐBP Hà Tĩnh đã kịp thời ứng cứu và đưa hơn 350 người dân, trong đó có nhiều em nhỏ tới vị trí trú tránh an toàn. Ngoài ra, BĐBP Hà Tĩnh đã trao 120 áo phao, mì tôm, lương khô cho người dân tại các địa bàn vùng lũ. Trước dự báo mưa lũ còn diễn biến phức tạp, BĐBP Hà Tĩnh cũng đang tiếp tục bám nắm địa bàn để kịp thời ứng cứu nhân dân.
Trong khi đó, mưa lũ đã giảm nhưng vẫn còn 39/145 phường, xã tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập 0,3 đến 0,5m. Với tinh thần chia sẻ, đồng cam cộng khổ với nhân dân, các đơn vị BĐBP bên cạnh việc giúp nhân dân dọn vệ sinh nhà cửa, khôi phục lại cuộc sống đã tổ chức quyên góp, ủng hộ, đưa tới từng gia đình lương thực, thực phẩm để đảm bảo các hộ dân vùng ngập lũ không thiếu ăn. Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp nhân dân vùng lũ.
Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, các cơ quan, đoàn thể, các địa phương trong cả nước đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích từ Quỹ Cứu trợ thành phố ủng hộ 7 tỉ đồng; chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh ủng hộ 9 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ gần 5 tỉ đồng... Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huy động được hơn 20 tỉ đồng thông qua chương trình “San sẻ yêu thương cùng miền Trung” nhằm kịp thời chia sẻ với đồng bào miền Trung đang bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm khác đã quyên góp ủng hộ kinh phí, vật chất giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của Nhà nước.