Mùa lúa bắp
Khi những cơn gió heo may ùa về mang theo chút sắc vàng khẽ nhuộm trên từng tán lá. Khi rơm rạ trên đồng chuyển dần thành từng làn khói mỏng manh lặng lẽ bay về trời nhường chỗ cho màu xanh sẫm nhỏ nhoi đang lớn dần của khoai lang, khoai tây, ngô và nhiều loại cây trồng vụ Đông khác. Khi nước ao hồ khe khẽ chạm vào da thịt người đã khiến một chút rụt rè, e ngại, ấy là thời điểm quê tôi vào mùa lúa bắp.
Cây lúa bắp (mà vùng Nam Định, Hưng Yên gọi là cây niễng hay niềng niễng) có “thân phận” lặng lẽ, đơn sơ như những con người nơi đồng chiêm, cuối bãi. Từ đầu tháng Giêng, mẹ tôi đã đi gom từ ngòi trên ao dưới những gốc lúa bắp còn sót lại của mùa Đông năm trước. Những gốc lúa bắp khẳng khiu, lèo tèo vài ba cọng rễ đong đưa trong làn nước trong leo lẻo. Mẹ tôi cẩn thận cấy dặm chúng ở mương nước nhỏ trước ao nhà để tiện cho việc chăm sóc. Nhờ được cắt bộ rễ già đúng thời điểm để kích thích ra rễ non, được trồng vào vùng bùn mới và bón phân kịp thời nên những cây lúa bắp hồi sinh nhanh chóng. Tới tháng Ba, khi những cánh hoa gạo rụng đỏ ối bờ bãi thì cũng là lúc những cây lúa bắp vươn mình đẻ nhánh. Mẹ chia đều ra trồng ở những vùng nước cạn, quanh khắp ao, ngòi. Bố tôi bảo, lúa bắp là cây lúa trời. Trời thương người nông dân mà ban cho một loài cây đặc sản, cứ trồng bỏ đấy đến cuối Thu, đầu Đông thì tha hồ mà ăn.
Quả đúng như lời bố tôi nói. Bẵng đi sáu, bảy tháng trời không để ý, bỗng một hôm có chú chuột tinh ranh nào đó phát hiện ra điều kỳ lạ trong đám lúa bắp. Nó cắn toang mấy lớp áo màu xanh nâu để lộ ra phần ruột bắp trắng xanh lấp ló. Vậy là mùa lúa bắp đã về.
Một cây lúa bắp có thể đẻ ra nhiều nhánh nhỏ, mỗi nhánh là một cây con. Giống như cây sả, phần giữa của mỗi cây con có một cái bắp. Về sau này tôi mới biết, phần thịt bắp này do một loại nấm than đã xâm nhập vào mà thành. Nếu không bị nhiễm nấm, cây lúa bắp sẽ ra hoa kết hạt như cây lúa mùa và từ xa xưa, người ta đã biết lấy hạt lúa bắp nấu cơm như cây lúa thường. Nhưng là một loại nấm lành, khi cây lúa bắp trưởng thành, chúng xâm nhập vào giữa thân cây khiến nó ngày một phình to ra và biến đổi thành bắp. Thời gian sinh trưởng của bắp rất ngắn. Nếu thu hái không kịp thời, nấm sẽ ăn sạch phần thịt, bắp sẽ bị xốp và thay vào đó là những chấm đen to dần, to dần đến khi bắp già thì chỉ còn sơ và nấm.
Không chỉ trong ao nhà, những cây bắp mọc hoang ở ngòi Cún Cút, ngòi Ngau đến mùa cũng ra bắp. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi tăm tia không sót một cây bắp nào. Thật vui sướng khi phát hiện ra cả một khóm bắp, mấy đứa cùng lội ra bẻ, có khi chẳng kịp vào bờ, vừa bẻ xong là lột vỏ, ngấu nghiến ăn sống. Bắp non trắng nõn nà, vừa giòn, vừa ngọt ngay như đòng đòng lúa nếp nhưng chắc thịt và đậm đà hơn. Mấy đứa hí hửng vừa ăn, vừa bẻ mặc kệ lá bắp cứa cào vào da, vào mặt mình ngứa rát. Chỉ đến khi nào bọn đỉa ngửi thấy hơi người ngoằn ngoèo bơi lại, bọn tôi mới hét nhau chạy vọt lên bờ.
Mùa lúa bắp. Buổi chiều, bố tôi bẻ bắp đến khi gà lên chuồng mới lên bờ. Tuy diện tích trồng không nhiều nhưng cũng như mọi thứ rau quả khác trong vườn, mẹ tôi dành dụm để đi chợ bán. Cứ chục bắp bó lại thành một bó. Hồi đó, mọi thứ ở chợ đều bán theo số lượng chứ chẳng cân trọng lượng như bây giờ. “Cá kể đầu, rau kể mớ”, bắp cũng vậy, bán theo từng bó.
Người có điều kiện thì mua về xào với thịt bò, thịt lợn. Riêng nhà tôi chỉ xào với tóp mỡ. Bắp non thái lát xào lướt nhanh, rắc lá hành hoa và ít hạt tiêu trước khi bắc xuống bếp. Phải ăn ngay khi đĩa bắp xào còn nghi ngút khói, khi ấy bắp vừa giòn, vừa ngậy, chứ nếu để nguội bắp sẽ mềm và mất đi hương vị đặc biệt. Là một sản vật được chắt ra từ bùn nhưng bắp lại có vị thanh khiết ngọt ngào. Dù đã rất lâu rồi nhưng mùi thơm thanh và vị ngọt mát của món bắp xào chẳng bao giờ chúng tôi quên được.
Năm ấy, nhà bác cả tôi đốt lò gạch. Lò to, những gần ba vạn viên nhưng lại bị “xịt”. Người thì bảo tại bác gái tôi đi đám hơi mới về, người thì lại bảo tại bác cả tôi năm tuổi. Đến khi dỡ lò ra mới biết hai phần ba phía trên lò, than xếp bị sai quy cách, gạch chỉ chín chưa đầy một vạn. Nhà bác cả đang khó khăn, chưa biết xoay xở làm sao ra tiền mà đốt lại. May sao thời điểm ấy lại đúng vào mùa lúa bắp. Tôi nghe mẹ bàn với bố chịu khó đạp xe lên chợ huyện, người phố huyện họ sành ăn, bán bắp thể nào cũng có giá. Quả đúng như vậy, năm ấy trúng mùa bắp lại bán được giá cao. Chưa đầy một tháng sau, bố tôi đã cầm bọc tiền sang nhà bác cả bàn chuyện đốt lại lò gạch. Thật may, lò đốt lại gạch chín đều như bó bắp, chẳng hư mất một viên nào.
Bây giờ ở quê, ao ngòi một số bị lấp làm nhà, làm vườn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, một số được nạo vét, xây bờ đặt cống để nuôi cá bán công nghiệp. Không còn chỗ để những cây lúa bắp mọc hoang hay trồng tự nhiên như ao nhà tôi ngày xưa nữa. Bọn trẻ sinh ra, lớn lên ở làng mà xa lạ với cảnh quê như người thành thị, đến cây thị, cây chay, quả mơ, quả bứa chúng còn chẳng biết thì nói gì đến cây lúa bắp. Nhưng những cây lúa bắp và mùa lúa bắp năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong nỗi lòng hoài niệm...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-lua-bap-post435816.html