Mùa lúa rẫy ở Đăk Pling
Mưa kéo dài những tháng cuối năm nên mùa lúa rẫy của bà con Bahnar ở xã Đăk Pling (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cũng đến muộn hơn mọi năm.
Lội qua con suối dưới chân núi, tiếp tục ngược lên ngọn núi cao, chúng tôi đến rẫy lúa của ông Đinh Văn Long-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pling. Chẳng rõ gia đình lên rẫy từ khi nào mà sáng sớm 4 người đã tuốt đầy hàng chục gùi lúa lớn.
Họ chỉ dùng đôi tay trần tuốt từng bông lúa chín cho vào chiếc gùi nhỏ đeo trước bụng. Khi lúa đầy gùi nhỏ, họ đổ vào một chiếc gùi lớn đặt rải rác trên rẫy. Sau đó, mọi người luân phiên “cõng” từng gùi lúa nặng men theo sườn dốc xuống chòi rẫy.
Ông Long vừa tuốt lúa vừa trò chuyện: “Chưa bao giờ bà con thu lúa rẫy muộn như năm nay. Mọi năm, lúa thu vào khoảng tháng 9-10 âm lịch. Năm nay, mưa gió kéo dài đến tháng 12, vì vậy lúa chín cũng không thu hoạch được. Dùng tay thu hoạch nên mất thời gian. Đám rẫy nhà mình thu khoảng 30 bao nhỏ”.
Ở một đám rẫy khác, bà Đinh Thị Mưk (làng Mèo Lớn) cũng ra sức nhặt nhạnh từng bông lúa gãy gục sau những ngày mưa. Bà Mưk cho hay: Lúa rẫy trồng 6 tháng, năm nay hơn 7 tháng mới thu hoạch.
Canh tác cây lúa rẫy trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi hiểm trở và phụ thuộc hoàn toàn vào “ông trời”, nhưng người Bahnar vẫn duy trì tập quán xưa cũ.
“Làm lúa rẫy là tập quán canh tác lâu đời của người dân chúng tôi. Không chỉ để làm ra lương thực mà còn là truyền thống văn hóa của người Bahnar nữa. Được mùa thì vui nhiều, không được nhiều như năm nay thì vui ít. Nhưng may mắn là vẫn có hạt lúa để cúng rẫy, tạ ơn thần lúa, thần sông, thần suối, thần rừng một năm che chở”-bà Mưk nói.
Nói về ý nghĩa của cây lúa rẫy trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bahnar, ông Long cho biết: “Trước đây, cây lúa rẫy hầu như là nguồn sống duy nhất của bà con. Những năm qua, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng lúa nước và luân phiên trồng keo, mì cao sản thay thế dần lúa rẫy để xóa đói giảm nghèo.
Dù vậy, hầu hết người Bahnar 4 làng trong xã vẫn giữ thói quen làm lúa rẫy. Nhà nào ít cũng trồng 1 rẫy nhỏ. Đến mùa thu hoạch mà không lên rẫy ai cũng cảm thấy buồn, thấy nhớ”.
Bóng người trên những sườn đồi Đăk Pling tuốt từng bông lúa trở thành hình ảnh lao động đẹp đến lạ lùng. Với hàng ngàn năm tồn tại, lúa rẫy đã làm nên nền văn hóa nương rẫy duy trì đến hôm nay. Mùa lúa rẫy đi vào tâm thức của biết bao người Tây Nguyên và mùa lúa rẫy Đăk Pling càng cho thấy sự nhẫn nại và tình yêu lao động của con người nơi đây.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mua-lua-ray-o-dak-pling-post307132.html