Phố Tống Duy Tân sẽ trở thành phố đi bộ 24/7
Là tuyến phố đi bộ chuyên về ẩm thực đi đầu và có thể nói là đặc sắc nhất Thủ đô, công trình cải tạo, chỉnh trang tuyến phố văn hóa - ẩm thực Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông được khánh thành vào tối ngày 10.1 vừa qua đem đến nhiều hứa hẹn cho sự phát triển du lịch, kinh tế đêm và hơn nữa là công nghiệp văn hóa ở Hà Nội.
Hành trình tô đẹp thêm diện mạo cho tuyến phố đặc biệt
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết tuyến phố văn hóa – ẩm thực Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông được triển khai từ năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 900 năm Thăng Long – Hà Nội. Qua 20 năm định hình và phát triển, theo ông Long tuyến phố có nhiều thay đổi đáng kể hơn qua từng giai đoạn.
Trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, với mục tiêu phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là thực hiện nghị quyết số 03 của Thành ủy Hà Nội về cải tạo, chỉnh trang đô thị, kết hợp với phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn 2020-2025, quận Hoàn Kiếm đã chọn tuyến phố này làm một trong những trọng điểm của dự án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận.
Về thực trạng trước khi triển khai dự án chỉnh trang, ông Vũ Tuấn Trung, Quận ủy viên, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, chia sẻ tuyến phố này hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp. Theo đó, hộ kinh doanh hoạt động tự phát, thiếu định hướng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh khu vực. Vấn đề môi trường, xử lý rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, gây cản trở lớn đến sự phát triển bền vững. Và, tính đặc trưng của tuyến phố ẩm thực chưa được phát huy có hiệu quả, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn, trải nghiệm của du khách.
Bỏ qua những hạn chế trong những năm qua của tuyến phố, nơi đây độc đáo không chỉ bởi những món ăn ngon, thu hút du khách cả trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội, mà còn bởi giá trị lịch sử lâu đời. Được biết, cái tên “Cấm Chỉ” nổi tiếng với truyền thuyết về Chúa Chổm, hay Vua Lê Trang Tông.
Tương truyền, Chổm là kết quả của mối tình không chính thống, ngoài dân gian của Vua Lê Chiêu Tông. Sinh ra trong thời biến loạn, nên phải chịu cảnh lưu lạc. Tuy gia cảnh cơ hàn, nhưng Chổm lại được các chủ hàng quán vô cùng quý. Vì ngài cứ ngồi đâu ăn là hàng đó bán chạy như tôm tươi. Vì vậy, Chổm đi đâu cũng được cho cho ghi nợ, dần dà thành thói quen nợ nần chồng chất.
Năm 1533, cựu thần Nguyễn Kim đón Chúa Chổm về giành lại ngôi vua. Khi quay lại kinh thành, nhiều người chủ nợ cũ của vua xúm lại đến đòi nợ, có nhiều người cũng hùa theo chỉ chỏ đòi nợ. Nguyễn Kim mới bày ra cách miễn thuế cho dân vùng trong vòng 1 năm và ra lệnh viết bảng “cấm chỉ” ở gần Cửa Nam, để cấm dân tình sau khi vua qua đi không được chỉ vua đòi nợ nữa. Cũng dựa vào đó mà dân gian lý giải cái tên con ngõ này là Cấm Chỉ.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần như vậy, nếu không được chỉnh trang, tổ chức lại một cách chuyên nghiệp thì rõ ràng là chưa tương xứng tiền năng sẵn có. May thay, nhờ sự triển khai quyết liệt và nỗ lực của các cấp chính quyền, các hộ dân và sự đồng hành của các doanh nghiệp, tuyến phố đã có sự thay đổi tích cực.
Ông Vũ Tuấn Trung chia sẻ, trong quá trình cải tạo lại không gian tuyến phố, đội thi công đã nâng cấp toàn bộ mặt đường, vỉa hè, lát đá tự nhiên; lắp toàn bộ hệ thống chiếu sáng hiện đại, biển báo chỉ dẫn du lịch.
Về chỉnh trang cơ sở kinh doanh, ông Trung cho biết đã chuyển đổi 100% mô hình kinh doanh sang ẩm thực, cải tạo 30 cơ sở đồng bộ mặt tiền, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, khâu bồi dưỡng nhân lực cũng được chú trọng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng cho các hộ kinh doanh. Tuyến phố cũng ứng dụng công nghệ số hóa, thương mại điện tử. Huy động nguồn lực số hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tổ chức sự kiện quảng bá. Ngoài ra, nơi đây cũng khắc phục được hạn chế còn tồn tại ở nhiều tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, đó là xây dựng các tiện ích công cộng như nhà vệ sinh tiêu chuẩn, khu vực nghỉ chân.
Những tầng lớp văn hóa được cộng hưởng, tạo thành nghệ thuật
Là đại diện hộ kinh doanh trên tuyến phố, cũng như các hộ kinh doanh khác, ông Bùi Tất Đạt bày tỏ niềm vui, phấn khởi từ khi tuyến phố được chỉnh trang. Ông Đạt cho biết thêm nhiều khách du lịch đến đây cũng ngạc nhiên khi tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông khoác lên diện mạo mới với điểm nhấn là 2 cổng chào ở phố Hàng Bông và Điện Biên Phủ cùng bức tượng đồng Người đàn ông gánh phở, đặt tại nút giao thông phố Trần Phú. Nhiều người không khỏi thích thú và đã lưu lại nhiều tấm hình làm kỷ niệm. Đặc biệt, đường phố khang trang, sạch đẹp và ngăn nắp hơn có thể trông thấy rõ.
Đóng góp vào sự thành công về mặt thẩm mỹ của tuyến phố với vai trò giám tuyển, nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ niềm vui, vinh dự khi được đồng hành cùng chính quyền, bà con nhân dân quận Hoàn Kiếm để kể lại những câu chuyện gắn liền với văn hóa, lịch sử của quận thành những tác phẩm nghệ thuật.
Đặc biệt hơn, khi mà lần đầu tiên xuất hiện tác phẩm điêu khắc công cộng trên đường phố một cách rất gần gũi. Bức tượng Người đàn ông gánh phở không được đặt trên bục cao như nhiều pho tượng khác, mà được đặt ngay trên nền gạch lát. Tượng có chiều cao tương đương với một người trưởng thành. Điều đó góp phần giúp cho nghệ thuật công cộng thêm phần gần gũi với công chúng.
Bức tượng này là thành quả lao động miệt mài, sáng tạo của nghệ sĩ Trần Quốc Thịnh, với thời gian thực hiện trong vòng 2 tháng. Tin vui và cũng là nguồn cảm hứng để thực hiện, theo lý giải của nghệ sĩ Thế Sơn là do phở Hà Nội mới được xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia trong năm qua. Có thể dễ thấy, bức tượng có vẻ rất mộc mạc, dễ gần. Và người xem có thể dễ dàng tương tác với tác phẩm.
Bên cạnh đó, không thể kể đến những sắc màu lung linh của hơn 300 đèn lồng được treo trên cây, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống do họa sĩ Đào Quý Dương thiết kế. Các tác phẩm trên cùng một tuyến phố tạo nên tổng thể hài hòa, kết nối quá khứ với hiện tại, và bước đến tương lai. Đặc biệt, tác phẩm nghệ thuật trên tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông có tính kết nối với dự án nghệ thuật ở phố Phùng Hưng hay phố Cửa Nam mới được hoàn thành trong thời gian vừa rồi.
Không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nghệ thuật thị giác, tuyến phố văn hóa - ẩm thực Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông còn được nâng tầm với màn nghệ thuật biểu diễn đầy mãn nhãn. Tại đây, các diễn viên đã tái hiện lại nghi thức rước Chúa Chổm đi qua con ngõ năm xưa ngài đã từng ăn uống no say. Cùng với đó, diễn viên vào vai Chúa Chổm cũng phát voucher trị giá lên tới 3 triệu đồng cho những khách hàng may mắn ghé thăm tuyến phố vào ngày khai trương. Nghệ thuật thị giác cùng với nghệ thuật biểu diễn đã diễn tả thật chân thực, thật trọn vẹn những giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần của một nơi chốn nức tiếng xứ Kinh kỳ.
Hướng tới trở thành phố đi bộ 24/7
Ông Phạm Tuấn Long bày tỏ niềm tự hào khi ẩm thực Hà Nội nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung đã từng bước đánh dấu vị trí quan trọng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Theo ông Long, hiện có nhiều món ăn, nhà hàng mang thương hiệu Việt Nam có mặt trên nhiều khu đô thị sầm uất, thành phố lớn trên thế giới. Những năm gần đây, Michelin cũng đã mở rộng danh mục các nhà hàng, quán ăn ở nước ta, trong đó có nhiều quán ở Hà Nội, từ đó, tạo nên danh sách ẩm thực đa dạng, hấp dẫn với cả du khách quốc tế. Định hướng trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các làng nghề có đặc sản trên địa bàn Hà Nội, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.
Ông Long cũng bật mí thêm, hiện nay, quận đã nhận được đặt hàng của Đại sứ quán Italia tại việt Nam trong tổ chức lễ hội pizza trên tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân năm 2025. Ông Long mong muốn, trong thời gian tới, các hộ kinh doanh sẽ phục vụ khách du lịch với chất lượng ngày một tốt hơn. Đồng thời, tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông hướng tới trở thành phố đi bộ 24/7 trong tương lai không xa.
Với những nỗ lực đã nêu trên, ông Vũ Tuấn Trung khẳng định, dự án không chỉ mang lại diện mạo mới cho khu vực, mà còn là không gian văn hóa du lịch đặc sắc, tạo điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô Hà Nội và quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, với hình mẫu quản lý đô thị kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển để bắt kịp xu thế hiện đại, ông Trung mong muốn và cam kết, tuyến phố hoạt động có hiệu quả nhằm thức đẩy kinh doanh dịch vụ ẩm thực, nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực.