Mùa mưa, vào rừng thông hái nấm

Nấm rừng thông thường mọc vào mùa mưa, là sản vật quý được coi như tặng vật của thiên nhiên dành cho người Ðà Lạt và các vùng phụ cận từ hàng trăm năm nay.

Trải nghiệm vào rừng hái nấm. Ảnh: N.Thi

Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng được theo chân nhóm của bạn Ngô Anh Tuấn, một người chuyên tổ chức các tour trecking và campping vào rừng hái nấm thông. Bạn đưa một nhóm bạn trẻ là khách của công ty đi trải nghiệm tìm hiểu thêm về loài nấm thông mà họ tò mò thấy rao bán trên mạng. Dừng xe bên đường, nhóm chúng tôi bắt đầu cuốc bộ men theo những triền đồi dưới tán thông ở bên cạnh đèo Mimosa bắt đầu hành trình hái nấm.

Theo lời Tuấn, nấm thông có nhiều loại, nhưng nhiều nhất và phổ thông nhất mà người Đà Lạt thích là nấm mối, nấm mỡ và nấm gan bò. Những loại nấm này đều mọc vào mùa ẩm ướt, sau những cơn mưa. Mỗi chuyến đi hái nấm phải len lỏi trong những cánh rừng, tìm kiếm dưới gốc cây thông hoặc những ổ mối, cho nên việc lấy được một vài kg nấm cũng vất vả vô cùng. Từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa nấm mọc nhiều nhất, thời gian này mưa nhiều, đất ẩm ướt nhưng cũng thỉnh thoảng nắng xen kẽ nên nấm sinh sôi nảy nở nhiều.

Kinh nghiệm lấy nấm trong rừng được Tuấn lưu trong trí nhớ qua rất nhiều chuyến vào rừng với nhiều mục đích khác nhau. “Thường thì sau một trận mưa, 1 ngày sau vào rừng thì nấm mọc nhiều. Những loài nấm này không sống lâu. Ví dụ như nấm mối thì chỉ 2 ngày sau là bung nở, không ăn được nữa. Các loại còn lại thì tuổi thọ lâu hơn nhưng cũng chỉ trong vài ba ngày”.

Nhóm chúng tôi tản ra các hướng sau khi được hướng dẫn cách phân biệt các loại nấm cần tìm. Giữa rừng mùa mưa, không gian như ngưng đọng, thỉnh thoảng tiếng cây lá đùa giỡn trong nắng nhẹ buổi sáng. Một vài người trong đoàn phát hiện ra những cụm nấm mối và ríu rít chụp hình rồi chỉ nhau cách lấy nấm.

Các loại nấm thông Đà Lạt đã từ lâu được truyền tai nhau là ngon và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Những năm gần đây, nhiều người dân ở vùng ven còn vào rừng săn nấm, để bán cho một số quán làm đặc sản phục vụ du khách và bán qua mạng cho những người yêu thích món nấm rừng với giá khá cao, đem lại khoản thu nhập kha khá để cải thiện cuộc sống gia đình. Nấm gan bò hiện đang được rao bán trên mạng với giá 800 ngàn/kg nhưng hiện đang là hàng hiếm vì không có nhiều.

Sau hơn 1 tiếng lội bộ, mọi người có vẻ đã thấm mệt và bắt đầu quay trở về điểm tập kết. Chiến lợi phẩm là khoảng vài kg nấm mối, nấm mỡ và ít nấm gan bò được hái từng chiếc một khá công phu và giữ được nguyên hình dạng đúng như hướng dẫn của Tuấn.

Trên đường trở ra, chúng tôi gặp chú Hiền, một nông dân lớn tuổi ở Định An cũng đang cùng với 2 đứa cháu đi tìm hái nấm. Chú cho biết, năm nào đến mùa này cũng vào rừng tìm nấm về ăn. “Ngày trước, khu vực ngoại ô Đà Lạt vốn là cánh rừng thông xanh ngát nhưng gần đây đã bị khai thác nhiều, người dân sau đó phát nương làm rẫy trồng cà phê, rau hoa và làm nhà ở khiến rừng thông thu hẹp nên nấm cũng mất dần ít đi. Giờ mỗi khi muốn ăn nấm, chú lại phải đi khá xa mới tìm được”.

Nhìn giỏ nấm chúng tôi vừa hái được, chú tấm tắc: “Không cần phải chế biến phức tạp với loại nấm này đâu các cháu. Những món ăn từ nấm thông khá đặc biệt, mùi vị và độ dai giống như thịt gà và nó rất ngọt. Nấm này xào muối ớt hoặc hấp với tiêu xanh, nấu thêm nồi cháo nấm mối nữa thì tuyệt vời”.

Theo lời kể của Tuấn: Khoảng 5 năm trước, tìm nấm vẫn rất dễ, nhưng gần đây thì đã khó hơn. Đó một phần là do người vào rừng hái nấm chưa biết cách giữ gìn sợi nấm dưới đất. Ban đầu tôi cũng vậy, chưa quen nên cứ thấy nấm là bắt chước mọi người hay nhổ sạch, hoặc dùng cây bới đất, đào lên làm tổn thương đến sợi nấm nằm sâu dưới đất. Qua tài liệu, tôi biết rằng nấm thông vốn là loại thực vật sống vô hình trong đất hoặc trên bề mặt nền rừng. Phần ngầm của nấm là mạng nhện giống như rễ được gọi là sợi nấm. Thường thì sợi nấm này được kết nối với rễ của những cây sống, như rễ thông chẳng hạn. Các sợi nấm hàng năm tạo ra các cơ thể mang bào tử nấm. Các bào tử được tạo ra bởi nấm nảy mầm trong đất khi có điều kiện thiết lập sợi nấm mới trong rừng. Vì vậy, khi hái nấm, điều quan trọng là không được làm hại sợi nấm để khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nấm sẽ tiếp tục tạo ra một vụ mùa mới trong rừng mà không bị triệt hạ hết tận gốc rễ. Bây giờ do diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp, nên việc bảo vệ những loài thực vật đặc trưng trong rừng lại càng vô cùng quan trọng. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật thu hoạch thích hợp, chúng ta có thể phục hồi, cũng có thể bảo vệ cả những vùng sản sinh ra nấm.

Vốn ngon ngọt sẵn nên loại nấm này chỉ cần chế biến đơn giản. Nấm thông giờ đã trở thành món ăn “đặc sản” mùa mưa đối với nhiều du khách, và là quà tặng của núi rừng Đà Lạt mà nhiều thế hệ người Đà Lạt luôn thèm nhớ. Tuy nhiên, do đây là loài nấm cộng sinh nên đến nay vẫn chưa thể nuôi trồng được mà chỉ có thể tìm trong thiên nhiên và vì vậy, rất cần được bảo vệ để không bị biến mất hoàn toàn khỏi những cánh rừng thông của Đà Lạt và những vùng phụ cận.

NGUYÊN THI

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201906/mua-mua-vao-rung-thong-hai-nam-2950537/