Mua muối – Nét đẹp đầu năm mới
Sau giờ phút giao thừa thiêng liêng. Con phố nhỏ nơi gia đình tôi sinh sống cũng rộn vang bởi tiếng rao bán muối dịp đầu xuân. 'Ai mua muối đi, ai mua muối nào'... Tiếng rao của người đàn ông với chất giọng miền biển chính là âm thanh ý nghĩa trong ngày đầu tiên của năm mới.
Tôi mở cửa cổng, cầm theo chiếc liễn sành và gọi người đàn ông đang rao bán muối ở cuối phố. Khuôn mặt hiền lành, anh nở nụ cười và chúc mừng năm mới đến gia đình tôi. Tôi cũng chào anh và gửi lời chúc mừng năm mới đến anh và gia đình. Phía sau chiếc xe máy, anh chở một bao muối. Anh cẩn thận lấy túi muối trong bao rồi bỏ vào chiếc liễn tôi đang cầm sẵn và kèm thêm lời chúc gia đình năm mới đủ đầy, trọn vẹn và no ấm cả năm. Người bán muối không ra giá và người mua cũng không trả giá. Thông thường, mỗi gia đình thường gửi cho người bán muối từ 20.000 – 50.000 đồng để lấy may mắn dịp đầu năm.
Vừa nhận túi muối, tôi vừa hỏi thăm quê quán của anh. Được biết, anh tên Lập, sinh năm 1978, quê xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc. Tôi vui mừng vì biết vùng muối Hòa Lộc nổi tiếng ở Thanh Hóa. Nghề muối vất vả và cũng không còn nhiều gia đình làm nghề muối, nhưng gia đình anh Lập vẫn gắn bó cái nghề mà cha ông cả đời đã gắn bó.
Hằng năm, sau thời khắc giao thừa, anh Lập bắt đầu rong ruổi trên khắp các con phố lớn nhỏ của thành phố Thanh Hóa để bán muối. Anh nói, đây là công việc ý nghĩa mà anh bắt đầu làm trong ngày đầu năm mới, với mong muốn đem lại may mắn đến cho mọi nhà, mọi người. Bán muối trong ngày đầu năm mới cũng là điều anh mong ước gia đình mình năm mới lao động, sản xuất, làm muối được thuận lợi hơn.
Nhận túi muối từ anh Lập, tôi bốc một nắm muối rải trước cửa và xung quanh nhà mình. Số muối còn lại, tôi cẩn thận cất trong chiếc liễn sành để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Cô con gái nhỏ khi nhìn thấy mẹ cầm liễn muối trên tay thì tò mò hỏi câu chuyện về muối. Tôi xoa đầu con rồi nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu ý nghĩa của việc mua muối vào dịp đầu năm mới.
Từ xa xưa, dân gian truyền nhau câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của ông bà ta, muối mang vị mặn, chống xú uế và có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn cho gia đình. Bởi vậy vào dịp đầu năm mới, các gia đình thường mua muối dự trữ và rắc muối ra đường, xung quanh nhà với mong muốn bình yên. Muối cũng được xem là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, nồng ấm, gắn kết, no đủ. Mua muối đầu năm chính là mong muốn gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó và đậm đà tình thân như vị mặn mòi của hạt muối.
Hơn nữa, muối là gia vị lâu đời không thể thiếu trong căn bếp, biểu tượng của sự no đủ, đậm đà hương vị của món ăn. Mua muối là cách để dự trữ những gia vị quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. “Đầu năm mua muối” cũng là lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải biết chắt chiu, tiết kiệm để rồi “Cuối năm mua vôi” xây dựng nhà cửa khang trang, yên ấm.
Ngày nay, mua muối không chỉ là công việc thầm lặng của những người bán muối rong ruổi khắp phố phường sau đêm giao thừa, mà nay muối cũng được bày bán tại các đền, chùa. Ở các quầy hàng hoặc người bán muối dạo ở các đền, chùa dịp đầu xuân sẽ bỏ muối vào chiếc túi nhỏ màu đỏ kèm theo là chiếc bao diêm hoặc bật lửa. Giá mỗi túi muối dao động từ 15.000-20.000 đồng/túi.
“Đầu năm mua muối...” chính là nét đẹp truyền thống của mỗi gia đình người Việt vào những ngày đầu năm mới.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mua-muoi--net-dep-dau-nam-moi/206628.htm