Mưa muộn

Nó rùng mình, có lẽ vì sợ hoặc vì lạnh. Quần áo nó ướt sũng. Xung quanh nó là bóng tối, mưa tạt thẳng vào mặt rát buốt. Sấm đì đùng và chớp sáng cả vùng trời khiến nó chạy thẳng vào nhà đóng sập cửa lại, dựa lưng vào cửa. Nó cắn chặt môi, không dám bật tiếng gọi bố, gọi bà. Nó nhắm mắt lại định cầu nguyện mà chẳng biết cầu nguyện điều gì, cầu xin đấng nào. Mưa như trút át đi tiếng khóc của nó.

-Đi vào! Vào nhà đóng cửa lại, ngồi đấy làm gì! Tao nói mày có nghe không!

Cun vẫn ngồi lì ra đó, vần vò mớ đất cát lẫn sỏi vun lên rồi lại san bằng ra, hốt vào cái cốc nhựa, giơ tay cao lên đổ xuống, bụi bám đỏ cả quần áo, tóc tai. Đất vùng này vốn đỏ vậy, khi nắng thì khô cứng như tảng gạch nung, nhưng lớp trên lại mủn bột, chỉ cần chút gió là bay mù mịt. Đất bám đầy quần áo, tóc tai thằng bé. Nó không điếc, cũng chẳng có vấn đề gì về thần kinh, chỉ là không thích đáp lời bà nội. Mụ Hảo vẫn đứng chống nạnh, một tay dựa vào cột nhà, cái đầu nghẹo sang bên trái rồi lại nghẹo sang bên phải, sẵng giọng:

- Mày ngồi đấy định hóng cái gì?

Cun vẫn vờ như không nghe thấy, nó đặt cái cốc nhựa màu mỡ gà cho ngay ngắn ở đó, hốt mớ sỏi đầy hai tay, chạy ra xa, nhè cái cốc mà ném. Một viên, hai viên, ba viên, nó vừa ném, vừa đếm, nhưng chẳng có viên nào trúng đích. Bực bội, nó đổi hướng ném sỏi ra luống rau còi cọc xen cỏ. Sau mùa mưa, bẵng đi vài tháng ngắt quãng, trời se lạnh, đất đai lại khô nẻ, chẳng có cơn mưa nào ghé qua. Dăm ba cây hành, cây hẹ, rau thơm của mụ Hảo cứ lên khỏi mặt đất chừng gang tay thì xoăn lá, vàng vọt đu đưa theo gió như muốn trêu ngươi mụ, giống như cách mụ dùng lời cay độc với thằng cháu nội vậy. Hai bên sân có hơn chục cây cà phê mụ xin được giống về trồng dặm mấy năm về trước, đã lớn quá vai thằng Cun, cành khô ráp, lá xếp vào nhau ủ rũ, vàng vọt. Nhà người ta trồng cây phải tưới, phải chăm bón, còn mụ, thi thoảng mới cho nó gáo nước rửa rau, chẳng phân tro gì nên cái cây nào cũng tủn ngủn, trơ trơ. Mới tháng trước, đám cà phê đó cho thu hoạch được vài chục cân quả tươi, mụ bán luôn cho con mẹ lái buôn nhà bên cạnh lúc mới hái. Vài đồng bạc lẻ ấy chỉ cần Hán, thằng con trai duy nhất của mụ tỉ tê vài câu là mụ lận túi đưa sạch. Mụ Hảo hoài nghi mọi thứ, chỉ trừ đứa con trai duy nhất của mình. Sự hoài nghi gặm nhấm đến từng thớ thịt của mụ, khiến mụ trở nên khô khốc và cộc cằn. Đến cả đứa cháu nội, mụ cũng nghi ngờ sự liên quan máu mủ của nó với con trai mụ, cho dù chính bố nó đã ôm nó về giao cho mụ như lời cam đoan, rằng con tôi đấy, rằng cháu bà đấy! Mụ cắn răng miễn cưỡng chăm bẵm thằng cháu nội trong những ngày tháng cô đơn vò võ không chồng, không họ hàng thân thích, còn cậu quý tử thì chẳng mấy khi ở nhà.

Đang chăm chú với trò ném sỏi thì Cun khựng lại bởi bàn tay thô nhám của bà nội túm lấy cổ áo từ sau gáy, lôi nó đi. Mụ dùng đôi tay gầy guộc lôi thằng bé, dáng khệnh khạng như khúc củi khô đang cào bới trên mặt sân một vệt lõm dài. Cun đã lên tám, nhưng người nhỏ tí như cái kẹo, bất ngờ bị bà nội túm áo kéo xềnh xệch như kéo cái tàu cau, chân nó duỗi ra chẳng thèm chống cự. Khi bà nội đã kéo nó như cái tàu cau khô thì nó hẳn cứ là cái tàu cau khô đi cho dễ sống. Mụ Hảo thả nó ngã sõng soài cạnh bậc thềm rồi đi vào nhà, tiếng thở hồng hộc của mụ, thằng bé còn nghe rõ, hẳn bà nó phải mệt lắm. Nó lồm cồm bò nhổm dậy, lủi thủi bước vào nhà.

Thằng bé ngồi dựa vào tường, chán nản chẳng buồn nhúc nhích. Nó cứ ngồi nhìn vào góc nhà. Bà nội nó vừa nhặt rau vừa lải nhải những lời cay nghiệt. Nào là chẳng giống bố, nào là hẳn giống với con mẹ mất nết, nào là sao chổi chiếu lên vận đời bà nội và bố nó. Trong những câu đay nghiến, nhiếc móc của mụ Hảo, mẹ nó là người đàn bà đốn mạt, nghèo hèn, làm nghề bia ôm bia ấp gì đấy, đã có chồng và con riêng còn lúng liếng mồi chài bố nó, rồi chửa, rồi đẻ, rồi vứt cho bố nó. Bố nó mang nó về dúi vào tay bà nội, rồi nay đây mai đó, thi thoảng mới thấy về nhà nhìn ngó nó một chút. Nó lớn lên với bà nội, được ăn no, mặc ấm và được nghe những lời nhẹ thì hờn trách mát mẻ, nặng thì chửi bới, đay nghiến. Nhưng, tuyệt nhiên mụ Hảo chẳng bao giờ đánh nó lấy một roi. Mụ chỉ dùng ngôn ngữ để cố gắng điểu khiển cho được thằng cháu trai mà mụ cho là lì lợm và bất trị.

"Làm sao mà mày cứ phải ngồi ngoài sân? Bọn họ đang rình rập để bắt thằng bố mày đấy. Họ bảo bố mày nghiện ngập, phải đi cai. Mày nghĩ xem, bố mày có nghiện không? Bố mày không nghiện! Giả dụ bố mày có nghiện thì đấy cũng là việc của bố mày, không ảnh hưởng tới ai nhá! Bố mày ba mươi tuổi đời rồi, đi cai thì lấy ai nuôi mày, mày có hiểu không?". Mụ ném cuống rau muống già vào đầu thằng bé, nó lại nhặt lên ném ra ngoài sân. "Tao nói mày phải động não vào. Người ta có hỏi bố mày thì mày đừng có mà trả lời. Tao lạ gì bọn họ, cứ đi qua đi lại không rình mò thì làm cái gì". Mụ Hảo vừa nói, vừa thở, cứ nói cho đã cơn, rồi ngừng vài giây để thở, rồi lại tiếp tục. "Dặn dò à, thăm nom à, chống dịch à? Vớ vẩn! Chẳng ai thương mày đâu, giả tạo tất! Rồi thì lao vào bắt bố mày phải tù tội, rồi mày sẽ thành thằng oắt con bụi đời chẳng ra gì".

Thằng bé nghe đến đấy thì đứng dậy đi vào buồng. "Bọn họ" mà mụ Hảo nhắc đến là số công an xã về chống dịch. Mấy hôm nay dịch bệnh phức tạp, xã tăng cường nhiều chốt kiểm dịch, công an xã cũng là lực lượng chống dịch chủ chốt của địa phương. Họ xuất hiện nhiều ở vùng này, tuyên truyền về chủ trương chống dịch của Nhà nước, của huyện, của xã, yêu cầu bà con hạn chế ra ngoài, phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, vệ sinh nhà cửa, khai báo y tế... Với người khác thì đó chỉ đơn giản là chống dịch, hỗ trợ bà con trong thời buổi khó khăn, nhưng với mụ Hảo lại khác. Mụ cảm giác như họ đang muốn rình bắt đứa con trai của mụ để tống nó vào tù, hoặc nếu không phải thế thì cũng chỉ để săm soi nhà mụ chứ chẳng phải mục đích tốt đẹp gì. Mụ mặc định rằng, tất cả những gì họ làm đều chỉ là một vở kịch được viết ra buộc thằng con trai của mụ đóng vai chính, chỉ đến khi nào bố thằng Cun bị bắt đi thì vở kịch đó mới kết thúc. Và, khi "vở kịch" trong lòng mụ chưa kết thúc thì nó lại biến thành "vở kịch" tự biên tự diễn hằng ngày buộc thằng Cun vào thế phải nghe, phải thấy.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Cun muốn bà nó thôi nói. Nó nghĩ tới túi đồ an sinh chiều nay cô Lam bên công an xã đưa cho nó ở cổng mà thấy tiếc đến ngẩn ngơ. Cái túi màu đỏ, trong đấy ngoài gạo và ít đồ thiết yếu, nó thoáng thấy có sữa và bánh kẹo. Dù là trẻ con nhưng nó thừa hiểu những thứ lỉnh kỉnh ấy có thể giúp bà cháu nó được cả tháng. Thế mà nỡ lòng nào bà nó đã chạy ra đẩy nó qua một bên, giằng lấy túi đồ ném thẳng ra cổng. Nó thoáng nghĩ, túi đồ ấy hẳn là bọn thằng Tí nhà bà Thìn hàng xóm đã lấy mất, hoặc người ta thấy bà nó vứt đi đã mang về rồi, bởi sau đó nó không còn thấy ở đó nữa. Nghĩ đến đây, nó ức muốn khóc nhưng ghìm lại, cắn chặt răng, mắt hằn lên. Chẳng lẽ, nó phải nói thẳng toẹt ra với bà nội rằng, nó thơ thẩn chơi ở sân để chờ đợi, mong ngóng người ta sẽ mang túi quà ấy trả lại cho nó, rồi thừa cơ bà nội không để ý, nó sẽ nhận rồi đem giấu đi hay sao!

Cun thực sự không hiểu vì sao bà nội cứ tỏ ra như người điên khùng trước mặt mọi người, và chỉ hết cơn điên khi gặp bố nó, cứ như tuồng kịch. Nhưng, bố nó thì thi thoảng lắm mới về. Bố nó lang thang những đâu, làm những gì, trẻ con như nó chẳng thể hình dung được, chỉ biết rằng bố nó luôn là đứa con ngoan cần sự bao bọc và chính mẹ nó lại là nguyên nhân để bố nó trở nên lang bạt, nên bà nội hận mẹ nó, rồi ghét lây cả nó.

Cả buổi tối, hai bà cháu đối với nhau cứ như cái tivi đang tự phát chương trình đã lên lịch sẵn, không có phản hồi của khán giả. Cun cứ mân mê cái máy tính bảng được cô giáo chủ nhiệm mang đến từ vài hôm trước, cô bảo để qua tuần học trực tuyến. Lúc cô giáo với chú Hòa công an xã đến không có bà nó ở nhà. Cô bảo, đây là món quà của cô giáo và các cô chú công an xã cùng nhau hỗ trợ. Khi bà nó về, nó đã nói dối là của cô giáo và các cô trong trường đến gửi tặng, tuyệt nhiên không dám nói của các cô chú công an xã. Nếu biết bị nó lừa, có khi cái máy tính bảng này cũng bị bà nó ném ra cổng như túi đồ kia.

*

Khuya, lạnh! Cả khu xóm tối tù mù, chỉ có mỗi cái bóng điện ở ngã tư chiếu hắt vào sân nhà mụ Hảo. Mụ nhấc cái cẳng chân gầy guộc qua bậc cửa, ngồi trên thềm nhìn ra đường. Gió thổi mây vần vũ trên bầu trời. Gió cứ rít từng cơn. Lá cây ở đâu bay đổ xuống sân nhà, một chiếc lá rơi ngay bậc thềm. Mụ nhặt nó lên, ngắm nghía, bất chợt buông câu lèm bèm: "Đã hết mùa mưa rồi, qua mùa hạn rồi. Đừng tưởng lừa được ta. Mưa gì tầm này". Mụ cười khẩy, đôi mắt vô hồn cứ ngóng ra ngõ, mụ mong thằng Hán xuất hiện giữa cái sân kia, giữa những gió kia, những lá kia. Đôi vai mụ run bần bật giữa tiếng cười rằn rặt khoái trá, chẳng biết trong đầu mụ đang hình dung ra những gì.

Ấy thế mà Hán xuất hiện thật. Mấy tháng rồi Hán mới lại xuất hiện. Thằng con trai quý tử lừ lừ xuất hiện ở cổng đi vào, cái mũ lưỡi trai sập xuống khuôn mặt được che kín bởi cái khẩu trang tối màu, nhưng mụ vẫn nhận ra. Mụ đứng hẳn dậy, cái cổ lại nghẹo sang một bên rồi rướn hẳn về phía trước, mụ nhìn ngắm thằng con trai đang tiến đến gần, cơ mặt dãn ra, dường như rất đỗi khoái chí khi mụ đoán con trai về thì lập tức con trai về, là thần giao cách cảm cũng được, là giác quan thứ sáu hay thứ bảy cũng được, chỉ cần biết, mụ đúng, cảm giác của mụ đúng. Mụ đưa tay đỡ lấy cái ba lô màu đất hộ Hán để hắn nhanh chân bước vào nhà.

- Tôi không ở nhà lâu được. Về lấy ít đồ rồi tôi phải đi ngay. Bà có tiền không, đưa tôi ít đồng!

- Cái thằng trời đánh này, mày gặp mẹ không nói được câu nào tử tế hơn à, lại tiền với chả bạc - mụ Hảo ném ánh mắt sắc lẹm lườm cậu con trai - Với cả, được mấy đồng bán cà phê tao đưa mày hết rồi còn gì. Dạo này dịch giã, tao chẳng đi bán vé số được, kiếm đâu ra tiền. Mày đi làm ăn mà, sao lại còn xin tao tiền.

Hán ngồi xuống cái ghế gỗ cọc cạch, làm một hơi hết cả cốc nước mẹ đưa, rồi xoay cái cốc trên tay, ngước nhìn chằm chằm mụ Hảo lần nữa:

- Tôi cần tiền, bà xem chỗ nào xoay hộ tôi! Nếu không có tiền thì có gì cho tôi đi bán cũng được, tôi vội lắm.

Không đợi mụ Hảo trả lời, hắn tiếp: "Tôi gặp xui rủi rồi, bà phải giúp tôi", Hán nhìn quanh, hạ giọng thì thầm: "Tôi lỡ tay đâm trúng người ta, có khi chết, tôi phải đi ngay, tôi không muốn ăn cơm tù!".

Mụ Hảo há hốc mồm, xương hàm như cứng lại, mụ thở hắt ra, ngồi phịch xuống nền nhà lạnh lẽo. Mụ khẽ liếc sang phía cửa buồng, sợ thằng cháu nội thức giấc sẽ nghe thấy điều gì. Cậu con trai ghì chặt vai mẹ, thở gấp gáp: "Bà có tiền không? Không còn thời gian. Tôi không cố tình, chỉ là tai nạn". Hán cố bình tĩnh và nói thật chậm để mụ Hảo nghe cho rõ, nhưng giọng hắn vẫn lạc đi, run rẩy.

Mụ Hảo hất tay cậu con trai, khóe mắt ngân ngấn nước. Nhưng, mụ không khóc. Mụ bình tĩnh đến lạ. Mụ đứng dậy đẩy cậu con trai ra cửa: "Mày đi ngay đi, mày ở lại đây lát nữa công an đến bắt mày đấy. Đi ngay đi!". Hán còn nhì nhằng chưa muốn đi, mẹ hắn đã dứt khoát: "Tao không còn tiền, cũng chẳng còn gì. Còn người còn của, mày không đi ngay là không còn cơ hội đâu. Đi đi!". Nói rồi mụ đóng sầm cửa lại. Cậu con trai đập cửa gọi mẹ. Tai mụ ù đi, mụ chỉ nghe nó gọi tên mẹ để hỏi tiền, tiếng gọi cũng tắt hẳn. Mụ lấy tay ôm ngực, nước mắt rớt xuống cái gò má hom hem cằn cỗi. Vai mụ run lên bần bật, nhưng không có tiếng khóc. Mụ sợ tiếng khóc sẽ đánh thức thằng Cun, sợ nó nhận ra đằng sau sự khắt khe đến cay nghiệt lại là một bà nội hèn yếu, ủy mị. Mụ còn sợ hình tượng tốt đẹp cuối cùng về bố thằng bé sẽ vỡ vụn, bởi lâu nay bố nó là người tử tế nhất, tốt đẹp nhất mà mụ đã cố nhào nặn, xây đắp trong tâm tưởng nó.

Sau lưng mụ Hảo, sau bức vách, Cun ngồi đấy và nghe hết thảy. Nó ôm chặt cái máy tính bảng vào lòng. Thằng bé ngồi co ro, im lặng. Nó nghe thấy tiếng giọt mưa trên mái tôn. Tiếng lộp độp, lộp độp từng giọt rồi ào ào hòa làm một. Có vẻ mưa rất to. Nó nghe trong tiếng mưa có tiếng khóc của bà nó. Bà nó khóc rất lâu. Nó nhắm mắt lại, tự nhiên nước mắt cũng túa ra. Mưa dường như lâu lắm. Nó lơ mơ ngủ thì nghe thấy ông trưởng thôn đến gọi cửa tìm bà nó. Trong tiếng mưa, ông trưởng thôn gọi thất thanh rồi cứ thế kể liến thoắng, nó nghe tiếng được tiếng mất.

- Thằng Hán gặp anh em công an xã đi tuần thì bỏ chạy, rồi chẳng hiểu ma xui quỷ khiến kiểu gì mà nhảy xuống suối, định bơi qua bờ bên kia nhưng nước về to quá nên bị cuốn trôi rồi. Bà ra bờ suối với tôi!

Tiếng bà nội nó thét lên, kêu trời kêu đất với ông trưởng thôn khiến nó giật mình, tỉnh ngủ hẳn. Nó chạy ra thì bà nội đã khoác vội áo mưa đi theo xe ông trưởng thôn. Nó gọi bà rồi chạy theo mà không kịp. Mưa vẫn như trút. Nó nấp vội vào hiên, người ướt sũng. Trước sân là khoảng tối om, cái bóng điện từ ngã tư hắt vào không đủ để nó nhìn rõ được khoảng đen trước ngõ. Là mưa thật đấy, là đêm tối thật đấy, chẳng phải là hoài nghi, cũng chẳng phải giấc mơ. Nó lấy tay cấu vào má mình, đau điếng.

Nó nghĩ tới câu nói của ông trưởng thôn và mường tượng đến dòng suối dưới chân đồi, nơi mực nước quanh năm lúc nào cũng sâu và chảy xiết, chẳng kể mùa mưa hay mùa khô. Ngoài mấy anh thanh niên thi thoảng rủ nhau ra câu cá lớn, bọn trẻ con bị bố mẹ cấm tiệt không cho phép bén mảng đến con suối. Lâu lâu lại rộ tin có người chết đuối, chắc vì thế mà đoạn suối đó hằn sâu trong trí óc nó và bọn trẻ con trong làng với những chuyện thần bí, ma mị về một cái bóng đen bí ẩn dưới lòng suối thỉnh thoảng vẫn thò cái tay đen ngòm lên mặt nước sờ soạng, nếu chạm phải bất kì cái chân nào, nhất là chân trẻ con thì sẽ bất thình lình lôi tuột xuống nước mất tăm mất tích.

Nó rùng mình, có lẽ vì sợ hoặc vì lạnh. Quần áo nó ướt sũng. Xung quanh nó là bóng tối, mưa tạt thẳng vào mặt rát buốt. Sấm đì đùng và chớp sáng cả vùng trời khiến nó chạy thẳng vào nhà đóng sập cửa lại, dựa lưng vào cửa. Nó cắn chặt môi, không dám bật tiếng gọi bố, gọi bà. Nó nhắm mắt lại định cầu nguyện mà chẳng biết cầu nguyện điều gì, cầu xin đấng nào. Mưa như trút át đi tiếng khóc của nó.

Nó cứ ngồi ở cửa rồi lại thiếp đi với những giấc mơ chập chờn đến sáng. Trong giấc mơ của nó, bố Hán và nó đang câu cá bên dòng suối. Trời bỗng tối sầm lại, trước mắt nó chiếc cần câu tuột ra khỏi tay, chìm nghỉm. Dòng nước đen ngòm cứ xoáy tròn tạo thành một hố đen, hố đen cứ loang to dần. Một bàn tay với những móng vuốt dài ngoẵng gớm ghiếc túm lấy chân bố nó lôi đi. Nó ôm chặt bố nhưng người bố lạnh toát, bàn tay bố nó đang nắm lấy tay nó cũng tuột ra. Bố nó mất tích dưới dòng nước xoáy đó. Xung quanh là khoảng trời tối đen bỗng đỏ rực, nó không còn nhìn thấy bố nữa. Nó cứ chạy dọc bờ suối cất tiếng gọi: "Bố ơi, bố ở đâu?". Nó nghe tiếng đáp lại: "Cun ơi! Cun ơi!". Rõ ràng có tiếng đáp lại nhưng sao nó không nhìn thấy bố. Nó vẫn cố gắng chạy, chạy đến không còn sức nữa. Càng chạy, dường như nó nghe thấy tiếng trả lời gọi tên nó càng to và rõ ràng hơn.

- Cun ơi, mở cửa nào!

Cun choàng tỉnh. Nó nhận ra tiếng của chú Hòa công an xã, người hôm trước đi cùng cô chủ nhiệm đến tặng nó chiếc máy tính bảng. Có lẽ tiếng gọi cửa của chú Hòa khiến nó mơ thấy tiếng trả lời của bố. Nó vội vàng mở cửa. Trời đã mờ sáng. Chú Hòa vẫn mặc chiếc áo mưa màu cỏ úa, đôi bàn tay lạnh buốt khẽ chạm lên má nó. Nó lặng lẽ đứng đan hai tay vào nhau, bối rối. Cảm giác sợ hãi trong giấc mơ còn nguyên vẹn, nó sợ chú Hòa sẽ nói điều gì đó khiến giấc mơ của nó thành hiện thực. Bất chợt, nó ôm chầm lấy chú Hòa, khóc nức nở. Chú Hòa giữ chặt vai nó, nhẹ nhàng:

- Không sao, không cần lo lắng đâu, cậu bé! Bố cháu đã được tìm thấy và cấp cứu ổn rồi, đang ở viện. Bà cháu lát nữa sẽ về. Chú tranh thủ ghé sang để xem cháu có ổn không, vẫn khỏe và an toàn thế này là tốt rồi. Cháu mau thay đồ kẻo lạnh, đừng có ốm đấy nhé!

Chú Hòa xoa đầu nó rồi rời đi sau khi dúi vào tay nó cái bánh bao còn ấm. Nó sững người dường như muốn suy nghĩ để khẳng định lại những gì vừa nghe thấy. Vậy là bố nó không bị bàn tay đen kéo đi, vậy là bố nó an toàn. Nó lấy tay quệt mũi, nhoẻn cười rồi ăn ngấu nghiến chiếc bánh bao trong tay, đó là chiếc bánh ngon hơn tất thảy mọi chiếc bánh nó từng ăn. Mưa cũng tạnh hẳn.

Chú Hòa vừa rời đi thì bà nội nó về. Bà nó ngồi theo xe của ông trưởng thôn, không còn mặc áo mưa như đêm qua, mà khoác một chiếc áo ấm màu xanh da trời khá mới nó chưa thấy bà mặc bao giờ. Nó chạy lại đỡ túi đồ bà cầm trên tay. Nó nhận ra, đó là cái túi đồ an sinh màu đỏ. Không đợi nó hỏi, bà nó vội kể: "Bố mày may mà còn mạng sống. Nếu không có mấy chú công an xã tìm thấy và cứu vớt, chắc mày đã mất bố rồi. Thôi thì...".

Nói đến đây, bà nội nó bất chợt dừng lại, khẽ thở dài. Bà dắt tay nó vào nhà, nó không đoán được bà định nói điều gì, nhưng có vẻ không còn quan trọng nữa. Sau trận mưa muộn đêm qua, cái luống rau còi và những cây cà phê trong sân nhà nó đã trở nên xanh mướt.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/mua-muon-i733575/