Mưa ngập khắp nơi ở Quảng Ninh, trong nhà cũng bì bõm ngang thân người
Mưa lớn kéo dài làm nhiều khu vực tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) ngập sâu, người dân không kịp trở tay khiến nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng.
Từ rạng sáng ngày 9/6, tại Quảng Ninh có cơn mưa lớn kéo dài đến tận trưa khiến nhiều địa phương như TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ bị ngập diện rộng. TP Uông Bí là địa phương chịu thiệt hại nhất khi có nơi nước ngập ngang thân người.
Tại khu 2, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), nơi được coi là có địa hình thấp nhất, hiện vẫn trong tình trạng ngập sâu. Hầu như mọi nhà dân tại đây đều bị nước tràn vào. Do mưa lớn trong đêm nên người dân không kịp kê cao đồ đạc dẫn đến bị hỏng, thiệt hại. Người dân nơi đây cho biết, đây là trận mưa lớn nhất từng thấy, mức độ ngập sâu hơn mọi lần rất nhiều.
Ông Phạm Văn Sự, Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn cho biết, theo thống kê nhanh, hiện có khoảng vài trăm hộ dân bị ảnh hưởng do cơn mưa kéo dài.
Cũng theo ông Sự, lực lượng chức năng đã có mặt để hỗ trợ người dân tại các khu vực nguy hiểm, ngập sâu. Đồng thời hỗ trợ di chuyển đồ đạc nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Còn tại phường Quang Trung (TP Uông Bí), do địa hình cao hơn nên nước đã rút. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà, ngập sâu, đều bị hư hỏng đồ đạc. Sau khi nước rút, người dân lại tất bật thu dọn bùn đất trong nhà và ngoài đường.
"Nước lên khiến đồ đạc nổi lềnh phềnh, xe máy trong nhà chìm trong nước cũng đã hỏng rồi. Giờ hết ngập, mọi thứ ngổn ngang, bùn đất ngập ngụa", ông Phạm Văn Thịnh (trú khu 5B, phường Quang Trung) cho biết.
Theo thống kê, lượng mưa đo được trên địa bàn TP Uông Bí là 177,2mm, dẫn tới xảy ra ngập lụt tại nhiều điểm. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp có mặt tại các điểm có nguy cơ cao về mất an toàn để chỉ đạo khắc phục.
Các địa phương cũng đã cắt cử lực lượng hỗ trợ sơ tán đồ đạc, vật dụng và người đến nơi an toàn; bố trí người canh gác các điểm nước cuốn, điểm sạt trượt, đập tràn...; chủ động phá 1 số cống, dải phân cách để tiêu thoát nước.