Mùa nồm ẩm, nhiều người bội nhiễm vì ngứa ngáy
Bệnh viện Da liễu Trung ương ghi nhận số bệnh nhân nhiễm khuẩn, dị ứng… gia tăng gấp rưỡi trong thời tiết nồm ẩm. Đáng lưu ý, nhiều ca bội nhiễm do tự ý dùng thuốc hoặc chăm sóc da sai cách.
Tăng bệnh nhân da liễu mùa nồm ẩm
Bé trai N.T.P (5 tuổi) được mẹ đưa tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với các vết xước xát, nổi mẩn, gỉ dịch ở vùng cánh tay và nếp gấp nách do trẻ gãi vì rất ngứa ngáy.
Chị H.L (mẹ bé P) cho biết: Con vốn viêm da cơ địa, thường hay nổi mẩn, ngứa vào mùa hanh khô, nhưng năm nay mùa nồm ẩm lại thấy xuất hiện. Dù mẹ đã giữ gìn, tắm giặt sạch sẽ nhưng thời tiết nồm ẩm, con hiếu động hay ra mồ hôi nên lúc nào cũng thấy ngứa, muốn gãi".
Theo BS Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trường hợp như trên thường gặp ở phòng khám, trẻ bị viêm da cơ địa nặng lên hoặc lang ben do nhiều mồ hôi. Trẻ không ý thức được việc cào gãi, nên càng chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi càng gây ngứa và cào gãi, việc này khiến tình trạng bệnh không cải thiện và bội nhiễm thêm.
BS Vinh cho biết thêm, gần đây, bệnh viện ghi nhận gia tăng bệnh nhân nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben…. Ngoài ra, còn các bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng theo thời tiết nồm ẩm. Ước lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường.
So với các mùa khác, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, virus, cùng với các tác nhân trong không khí khiến các mặt bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng, trứng cá tăng rõ rệt.
BS Vinh lưu ý, với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác.
Cũng có không ít người bệnh bị bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… khiến tình trạng nặng lên. Nấm da cũng hay gặp ở người ra nhiều mồ hôi, quần áo ẩm ướt.
Những sai lầm trong chăm sóc da cho trẻ
Qua thăm khám nhiều ca bội nhiễm, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu nhận thấy, nhiều bố mẹ cũng chưa có cách chăm sóc đúng, thường tìm tới các biện pháp dân gian như tắm nước muối, nước lá hoặc nước bị nóng quá... làm ảnh hưởng tới da của trẻ nhỏ.
"Bố mẹ cũng có xu hướng mua thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh không khỏi, có xu hướng nặng lên. Khi bố mẹ đưa con đến bác sĩ thì không còn là bệnh chẩn đoán ban đầu nữa, mà có thể là 1, 2 tình trạng bệnh khác nữa", bác sĩ Vinh nói.
Bác sĩ Vinh dẫn chứng, một số cha mẹ khi thấy con bị mày đay sẽ cho tắm lá khế, viêm da khô đỏ, tắm lá bạch đàn, xà cừ, sài đất… Các loại lá này không có tác dụng với bệnh vì cơ chế bệnh sinh không liên quan đến việc điều trị bằng lá cây. Lá cây có thể có chất sát khuẩn, nhưng nếu sử dụng nhiều quá có thể làm cho da khô, mất lớp lipit bảo vệ da. Bên cạnh đó, các loại lá cây, nước muối có một số thành phần không đúng khiến tình trạng da thêm nặng…
Một sai lầm thường gặp nữa là bố mẹ mua các loại thuốc lá, kem bôi không rõ thành phần, có thể có corticoid… không phù hợp trong điều trị. Với thuốc nam, thuốc lá cũng tương tự dễ làm cho viêm da cơ địa chảy dịch nhiều hơn, đóng vảy tiết dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da vốn đã bị tổn thương
"Chúng tôi đã gặp trường hợp viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác, tình trạng nặng, điều trị lâu dài…", BS Vinh chia sẻ.
Cũng theo BS Vinh, với viêm da cơ địa không biến chứng, nếu được thăm khám kịp thời, bệnh nhân sẽ được kê đơn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh trở nặng bội nhiễm, bệnh nhân phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh hoặc bố mẹ bệnh nhân nhỏ tuổi cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.