Mùa nước nổi đến An Giang thưởng thức đặc sản cá linh non

Cứ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về tỉnh An Giang tạo thành biển nước mênh mông, với nét đặc trưng mùa nước nổi.

Từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về tỉnh An Giang thành biển nước mênh mông, tạo nên nét đặc trưng mùa nước nổi - Ảnh: A.D

Từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về tỉnh An Giang thành biển nước mênh mông, tạo nên nét đặc trưng mùa nước nổi - Ảnh: A.D

Mùa nước nổi, nhiều người dân An Giang có thu nhập khá nhờ bắt cá linh non - Clip: A.D

Nước tràn đồng mang theo nhiều sản vật. Trong đó, phải kể đến con cá linh. Cái tên cá linh đã tạo nên đặc sản của mùa nước nổi. Từ thượng nguồn sông Mê Kông, cá linh theo dòng phù sa đến với miền Tây. Trên thủy trình trôi dạt từ thượng nguồn, cá linh vừa di cư, vừa lớn.

Cá linh non kho lạt với trái bứa ăn kèm bông súng ma và bông điên điển, cù nèo - Ảnh: A.D

Cá linh non kho lạt với trái bứa ăn kèm bông súng ma và bông điên điển, cù nèo - Ảnh: A.D

Đầu mùa nước, cá linh bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cá linh non đầu mùa đem kho lạt với nước dừa thì ngon tuyệt.

Vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của nước dừa khiến món ăn trở nên khác biệt. Cá linh non kho tiêu, ăn với cơm trắng, đơn giản mà đậm đà như tình người miền Tây hiếu khách.

Con to bằng ngón tay thì chiên bột chấm mắm me hay kho mắm. Món cá linh nhúng giấm bông điên điển cũng rất đáng thưởng thức. Cá không cần đánh vảy, chỉ cần bỏ vào cái rổ tre chà nhẹ là được, sau đó móc ruột ra, ướp gia vị gồm chút muối, đường, bột ngọt, tiêu và tỏi băm. Giấm phải là giấm nhà nuôi mới ngon, mới có vị chua thanh.

Ngoài điên điển, món này phải ăn kèm với bông súng đồng (mọc dại chỉ dài khoảng 1m) mới tăng hương vị cho món ăn. Cá linh cho vào nồi nước đang sôi, cho các loại rau vào, chỉ vừa chín tới mới giữ được độ ngọt. Vị ngọt của cá, vị giòn của bông điên điển, bông súng, chất chua thanh của giấm, cay cay của ớt, tiêu hợp thành một mùi hương khó quên.

Đánh bắt cá linh non mùa nước nổi - Ảnh: A.D

Đánh bắt cá linh non mùa nước nổi - Ảnh: A.D

Ngư dân, nông dân ven các bờ sông rạch, cánh đồng nước... đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như vó, dớn, lú, lưới thả, lưới giăng... Trước đây, do lượng cá linh rất nhiều, người ta đong cá bằng giạ đong lúa.

Phần lớn cá linh dùng để ủ làm mắm hoặc nước mắm tại chỗ. Muốn đem cá linh đi xa phải di chuyển bằng ghe có lưới bên hông để rộng cá như trong môi trường tự nhiên. Cá linh ủ càng lâu, mắm càng ngon. Nước mắm cá linh đặc biệt thơm ngon nhờ ủ cá tươi sống. Người dân ở các vùng Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú (An Giang) có nghề làm nước mắm cá linh và các loại cá đồng rất nổi tiếng.

Vốn là đặc sản nên cá linh luôn có giá bán lẻ tại các chợ ở mức cao. Dù vậy cá linh non vẫn là món ngon rất được săn đón.

Mùa nước nổi ở An Giang vẫn cứ lặp lại hằng năm, trở thành nét đặc sắc thu hút du khách gần xa chờ mong. Để thưởng thức đặc sản cá linh non mùa nước nổi theo đúng điệu người miền Tây, du khách cần ngồi bờ ruộng, nhà tranh vách lá hoặc dưới tán cây xanh nghe gió thổi vi vút, thêm vài câu vọng cổ ngân lên da diết mới đúng chất miền Tây sông nước.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-nuoc-noi-den-an-giang-thuong-thuc-dac-san-ca-linh-non-223261.html