Mua sắm điên cuồng như thể ngày mai là tận thế
Sau khi đại dịch kết thúc, nhiều người vẫn còn vật lộn tìm cách thoát khỏi cơn nghiện mua sắm để 'bù đắp khoảng thời gian đã mất' dù phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng.
Lauren Larson, cây viết của New York Times, đã chi tiêu rất ít trong những ngày đại dịch Covid-19 mới bắt đầu. Khi các quán bar và nhà hàng đóng cửa, không còn động lực để mua giày dép hay quần áo, niềm đam mê mua sắm của cô dường như bị dập tắt.
"Tôi đã trả hết số dư thẻ tín dụng của mình và lần đầu tiên bắt đầu tiết kiệm một cách nghiêm túc sau nhiều năm", Larson bày tỏ trong bài viết của mình.
Nhưng thói quen ấy chấm dứt vào nửa cuối năm 2020. Larson bắt đầu chăm chút cho "tổ ấm", mua nến thơm và đồ trang trí như một liệu pháp giải tỏa khỏi cảm giác cũ kỹ khi bị nhốt trong nhà.
Mùa xuân năm 2021, khi đã được tiêm phòng và có thể ra ngoài, Larson bắt đầu chi tiền mua quần áo, giày thể thao và quần đùi để đạp xe. Cô cũng trở lại với các quán bar và nhà hàng khi chúng mở cửa.
"Tôi không thể ngừng lại. Số tiền tôi kiếm được cứ thế chảy ra khỏi túi, qua nến thơm và những ly cocktail. Tôi tin rằng ham muốn mua sắm đồ mới của mình chỉ là tạm thời: thói quen tiêu tiền của tôi như sợi dây chun, có thể co giãn và sẽ trở về mức như trước đại dịch", cô nói.
Nhưng Larson nhận ra việc "chi tiêu trả thù" kéo dài lâu hơn cô nghĩ.
Tiêu tiền để bù đắp thời gian đã mất
Ola Majekodunmi, người sáng lập All Things Money, một trang web tài chính dành cho thanh niên, giải thích chi tiêu trả thù là khoản chi nhằm bù đắp “thời gian đã mất” sau một sự kiện như đại dịch.
Bà Majekodunmi khuyên bạn sử dụng chia ngân sách cho thu nhập của mình thành 3 loại: 50% áp dụng cho nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như tiền thuê nhà; 30% dành cho sở thích cá nhân; và 20% dành để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Trong những tháng sau khi trở lại "bình thường mới", Larson dành 100% thu nhập để tiêu cho nhu cầu và sở thích cá nhân, không một xu nào dùng để tiết kiệm và đầu tư.
Mãi cho đến tháng 11/2022, 20 tháng sau khi được tiêm liều vaccine thứ hai, "sợi dây chun" tài chính của cô đã sắp đứt vì mua sắm trả thù quá mức.
Mùa hè năm 2021, cô đã bỏ công việc toàn thời gian tại một tạp chí để trở thành freelancer. Mọi việc vẫn ổn, cho đến khi cô nhận thức rằng đang đối mặt với một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Thói chi tiêu thiếu kế hoạch không còn là thứ mà Larson có thể phớt lờ.
Cô đã kỳ vọng sẽ thoát ra khỏi sự không chắc chắn của đại dịch theo cách mà Thế hệ Im lặng (Silent Generation) đã vượt qua Đại suy thoái: khắc kỷ và tiết kiệm.
Larson học theo Joanna Fowler (31 tuổi, ở Richmond), người nói rằng bản thân luôn chi tiêu cẩn thận, nhưng càng kỹ tính hơn khi lập ngân sách trong đại dịch.
Niềm vui không bền vững
Larson cũng liên hệ với Chiraag Mittal, phó giáo sư thương mại tại Đại học Virginia, để hỏi xem mình đã sai ở đâu.
"Tôi đã hỏi, tại sao rất nhiều người Mỹ còn giữ được công việc sau đại dịch, thậm chí cả một số người trong chúng ta đã bỏ việc hoặc bị sa thải, lại sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn?", Larson chia sẻ.
Mittal chỉ ra rằng thanh toán bằng séc kích cầu có thể đã làm sai lệch cách một số người tiêu dùng thích nghi với những hạn chế của đại dịch, phản ánh về tài chính và lối sống của họ.
"Cái chết và tỷ lệ tử vong quá nổi bật đến mức tác động lập tức đến nhận thức, người ta có thể nghĩ rằng: 'Tôi có thể chết bất cứ lúc nào", Mittal nói.
Chính tâm lý "chúng ta chỉ sống một lần trên đời" đã thúc đẩy một số người hạn chế chi tiêu để theo đuổi những mục tiêu cả đời mà họ trì hoãn.
Nhưng những người khác, giống như Larson, chọn phó mặc bản thân cho chủ nghĩa "hư vô tài chính".
Tori Mohn (29 tuổi), sống ở Austin, Texas, cho biết: “Tôi sẽ sử dụng thẻ tín dụng, bởi bạn không bao giờ biết khi nào thế giới có thể bị hủy diệt. Tôi sẽ uống rượu ngon, đến những nhà hàng sang trọng, uống cocktail".
Emma Joss (29 tuổi) làm việc tại một công ty sáng tạo ở Los Angeles, cho biết: “Điều tôi mong chờ nhất là nhận được thông báo, kiện hàng. Đó giống như một cú đánh dopamine (thứ được ví là hormone hạnh phúc)".
Giai đoạn đầu đại dịch, Joss đã bắt đầu đặt mua, hàng tạp hóa ở các cửa hàng gần nhà để ủng hộ doanh nghiệp địa phương. Và cô giải thích một số khoản chi tiêu lấy cảm hứng từ TikTok như sắm quần áo và đồ chăm sóc da là đang tiết kiệm tiền bằng cách không đi ra ngoài.
Joss đã nhận ra rằng chi tiêu để tìm cảm giác kích thích của mình là không bền vững.
Mohn, người trước đây không thường xuyên mua sắm trực tuyến, giờ đây cảm thấy khó cưỡng lại nó.
"Số thẻ ngân hàng của tôi hiện được lưu trên mọi thứ, từ máy tính đến điện thoại của tôi", cô nói, đồng thời lưu ý các ứng dụng mua sắm cho phép người dùng mua các mặt hàng từ nhiều thương hiệu và theo dõi việc giao hàng.
"Tôi có thể nhận nó vào ngày mai đúng không? Hoàn hảo, tôi sẽ đặt hàng ngay bây giờ. Tôi cảm thấy nó làm cho mình vui vẻ", Mohn giải thích về cảm xúc dẫn dắt cô mua hàng.
Drazen Prelec, giáo sư khoa học quản lý và kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, giải thích rằng công cụ mà chúng ta sử dụng để chi tiêu có ý nghĩa rất lớn: Chỉ cầm một chiếc thẻ tín dụng trong tay thôi cũng tạo ra kỳ vọng rằng bạn sẽ chi tiêu, chỉ vì bạn đã sử dụng nó để chi trước.
"Trên thực tế, hai thẻ tín dụng khác nhau còn mang đến cho bạn cảm giác thèm mua sắm riêng", Prelec nói thêm.
Trong thời đại các công cụ thanh toán online phát triển rộng rãi, bản thân một chiếc điện thoại di động cũng có thể "thao túng" bạn chi tiền.
"Giờ đây, màn hình chúng ta dùng cho cho công việc, cũng là thứ ta dùng cho giải trí lẫn các giao dịch tài chính. Không còn phân vùng vật lý cho các công cụ khác nhau, tôi cho đó là thách thức thực sự", Prelec bày tỏ.
Tiến sĩ Prelec cũng giới thiệu cho thuật ngữ "nỗi đau khi thanh toán", chỉ việc tính toán trong đầu về tài chính làm suy yếu cảm giác thích thú khi tiêu dùng - có nghĩa là "nhận thức rằng một tài sản đang tan biến khi bạn sử dụng nó".
Larson nhận ra rằng công cụ hữu ích nhất để kiểm soát chi tiêu chính là sự lo lắng của cô, ở hiện tại là nỗi sợ về bóng ma của một cuộc suy thoái.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-sam-dien-cuong-nhu-the-ngay-mai-la-tan-the-post1411006.html