Mua sắm dịp lễ độc thân Trung Quốc dần phổ biến ở Đông Nam Á

Theo CNBC, sự kiện mua sắm dịp lễ độc thân ở Trung Quốc bắt đầu từ 10 năm trước đang được các hãng thương mại điện tử tại Đông Nam Á áp dụng mạnh mẽ.

Hãng thương mại điện tử Đông Nam Á Lazada cho biết đã đạt kỷ lục hơn 3 triệu đơn đặt hàng trong vòng 60 phút đầu tiên của sự kiện mua sắm lễ lộc thân ngày 11/11.

Lazada hoạt động tại 6 thị trường trong khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Alibaba, công ty mẹ của Lazada, báo cáo tổng khối lượng hàng hóa (GMV) đã vượt qua kỷ lục 30,5 tỷ USD vào chiều ngày 11/11. Lazada không tiết lộ khối lượng từng loại hàng hóa riêng.

Công ty thương mại điện tử thuộc sở hữu của Sea Group là Shopee cũng tiết lộ GMV tăng 300% so với năm ngoái trong giờ đầu tiên.

Sự kiện mua sắm khổng lồ dịp lễ độc thân đã bắt đầu ở Trung Quốc từ 10 năm trước nhưng cũng được các nhà bán lẻ Đông Nam Á áp dụng.

Nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á

Thương mại điện tử cùng với xe ôm công nghệ được coi là động lực chính của nền kinh tế dựa vào Internet tại Đông Nam Á. Một báo cáo dự đoán rằng nền kinh tế này sẽ chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo từ Forrester Research cho biết bán lẻ trực tuyến trong khu vực sẽ tăng từ 19 tỷ USD vào năm 2018 lên 53 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 6,5% tổng doanh số bán lẻ. Hầu hết doanh số bán lẻ trực tuyến đến từ phần mềm trên điện thoại di động.

Shopee được hậu thuẫn bởi Sea Group. Ảnh: KrASIA.

Shopee được hậu thuẫn bởi Sea Group. Ảnh: KrASIA.

“Thương mại điện tử đang phát triển nhanh và dần chiếm ưu thế”, chuyên gia phân tích cấp cao Xiaofeng Wang của Forrester Research nói với CNBC.

Marketplace là mô hình kinh doanh thương mại điện tử giữa một công ty xây dựng nền tảng mua bán, người mua và bên bán thứ ba. Mô hình này không giống với các nhà bán lẻ trực tuyến bán hàng trên trang web của mình.

“Chúng tôi nhận thấy các nền tảng thương mại điện tử cũng sẽ hợp nhất. Rất nhiều người chơi nhỏ đã biến mất hoặc sáp nhập, để lại những người chơi lớn và một vài đối thủ nhỏ hơn”, ông nói thêm.

Những công ty thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong khu vực là Lazada, Shopee và hai người chơi Indonesia Tokopedia và Bukalapak. Theo giới chuyên gia, Đông Nam Á là một khu vực sinh lời bởi tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động và internet cao, dân số ngày càng tăng.

Hầu hết việc mua hàng ngày nay vẫn được thực hiện ngoại tuyến, điều này giúp các công ty thương mại điện tử có thể tiếp cận khách hàng mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Đồng thời các nhà bán lẻ ngoại tuyến cũng đang phát triển kỹ thuật số và nắm bắt công nghệ mới.

“Về cơ bản, thương mại điện tử và bán lẻ mới đang diễn ra cùng lúc tại Đông Nam Á”, ông Wang nhận định.

Triển vọng lạc quan

Theo Pierre Poignant, CEO của Lazada, hãng thương mại điện tử đang tập trung phát triển cơ sở khách hàng. Công ty cho biết tính đến ngày 31/8, đã có hơn 50 triệu người dùng hàng năm tại 6 thị trường trong khu vực.

“Sự tăng trưởng của khu vực, môi trường vĩ mô là yếu tố thúc đẩy quá trình số hóa của nền kinh tế. Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, mức đầu tư tăng cao nhất trong khu vực, tất cả những điều này kết hợp với nhau và dẫn đến tăng trưởng nhanh. Chúng tôi rất tự tin vào tương lai”, CEO Lazada lạc quan.

Giám đốc thương mại Junjie Zhou của Shopee cũng thể hiện sự lạc quan đối với thị trường thương mại điện tử trong khu vực.

Lazada tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei.

Lazada tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei.

“Thị trường này vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhanh. Tỷ lệ bán lẻ trực tuyến so với bán lẻ nói chung vẫn còn rất nhỏ. Nhưng bán lẻ trực tuyến tăng trưởng hơn nhiều bán lẻ truyền thống”, ông nhận định.

“Hiện tại, ít nhất là trong tương lai gần, ưu tiên của Shopee là tăng trưởng quy mô và thị phần”, ông Zhou nói thêm.

Lazada và Shopee giành giật miếng bánh

Đối với cả Lazada và Shopee, ưu tiên hàng đầu là tiếp cận nhiều khách hàng hơn khi học kết nối Internet với điện thoại thông minh lần đầu tiên. Cả hai công ty đều có các ứng dụng di động được thiết kế với những tính năng, trò chơi tương tác để giữ chân người dùng.

Chẳng hạn như Lazada cho phép người dùng nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè để mua đồ giá rẻ. Khi mời đủ số lượng bạn bè tham gia, người dùng có thể mua mặt hàng với mức giá chiết khấu.

Shopee cũng giới thiệu một số tính năng như cho phép người dùng “bắt” các vật phẩm trên màn hình để nhận tiền và giải thưởng. Bà Wang cho biết cách tiếp cận này lần đầu được sử dụng bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc Pindoudou.

“Họ đã bắt đầu buôn bán và chia sẻ xã hội. Về sau, những người chơi như Taobao hay T-Mall đều áp dụng chiến thuật này. Nó rất hiệu quả trong việc thu hút khách hàng”, bà nói thêm.

Lễ Độc thân 11.11 bắt đầu từ Trung Quốc được các hãng thương mại điện tử áp dụng tại Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images.

Lễ Độc thân 11.11 bắt đầu từ Trung Quốc được các hãng thương mại điện tử áp dụng tại Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images.

Ông Zhou của Shopee tiết lộ người dùng dành nhiều thời gian ở ứng dụng Shopee hơn so với các ứng dụng mua sắm khác.

“Khách hàng có thể ngắm nghía hoặc tìm kiếm một số đồ dùng nhất định, nhưng họ cũng thích chơi trò chơi hoặc sử dụng một số tính năng tương tác khác mà chúng tôi có”, ông tiết lộ.

Ông Zhou khẳng định rằng sự hiểu biết địa phương trong từng thị trường là lợi thế giúp Shopee nổi bật hơn các đối thủ khác.

“Chúng tôi là một hãng thương mại điện tử khu vực. Vì vậy, khi so với một số người chơi địa phương thuần túy khác, chúng tôi có nhiều tài nguyên và công nghệ hơn”, ông tự tin.

Còn Poignant của Lazada tự tin vào sự hậu thuẫn của Alibaba.

“Chúng tôi có nền tảng công nghệ từ Tập đoàn Alibaba. Đó là một sự khác biệt rất lớn”, ông cho biết.

Theo Wang của Forrester, những người chơi có “ví rộng hơn” cuối cùng sẽ trụ vững.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mua-sam-dip-le-doc-than-trung-quoc-dan-pho-bien-o-dong-nam-a-post1012325.html