'Mua sắm tập trung hạn chế tham nhũng tiêu cực trong đấu thầu'
Đó là ý kiến đưa ra nhận được sự đồng thuận tại hội thảo 'Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam', do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 8/12.
Đấu thầu tập trung chưa được phổ biến
Tại Hội thảo “Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” do Viện trưởng viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính Phủ) tổ chức ngày 8/12, đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu về việc hoàn thiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC).
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quỳnh Hoa – Trưởng khoa dược Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ trăn trở về việc, hiện nay những gói đấu thầu tập trung (ĐTTT) chưa được triển khai rộng rãi. Bởi, theo bà đây cũng là biện pháp giảm tham nhũng tiêu cực trong ngành y tế và áp lực đối với các bệnh viện.
Theo quy định, vấn đề này đã được đề cập trong Luật đấu thầu 2013, trong đó cũng nêu rõ việc ĐTTT ở cấp độ quốc gia hay địa phương sẽ mang lại nhiều ưu điểm như: tăng tính chuyên nghiệp; rút ngắn thời gian, chi phí tổ chức mua sắm; từ đó nâng cao hiệu quả, nhưng thực tế triển khai công tác này còn rất ít.
"Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất cả nước còn vấp phải nhiều vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, thì các bệnh viện khác sẽ còn khó khăn hơn. Việc không phải đứng ra tổ chức đấu thầu giúp giảm bớt thủ tục hành chính tại các bệnh viện, khi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tập trung vào chuyên môn nhiều hơn", bà Hoa đánh giá.
Theo bà Hoa, dưới góc độ PCTN, có thể thấy khi đấu thầu tại 1.000 bệnh viện thì tỷ lệ phát sinh tham nhũng sẽ cao hơn hơn việc chỉ tổ chức ở một nơi. Hơn nữa, đơn vị mua sắm tập trung là đơn vị chuyên nghiệp, thay vì những y bác sĩ không có chuyên môn về công tác đấu thầu.
Nữ PGS.TS tiếp tục viện dẫn, việc Nhật Bản đã triển khai đấu thầu tập trung nên các bệnh viện không cần bận tâm đến mua sắm, chỉ cần tập trung đúng chuyên môn của người bác sĩ.
Đồng ý với những ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quỳnh Hoa, TS.Nguyễn Văn Thanh – nguyên Phó tổng TTCP cho biết thêm, vấn đề mua sắm công tập trung lần đầu được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 3 (năm 2006). Thời điểm làm luật PCTN 2005 chúng tôi không biết cơ chế đó. Sau khi có nghị quyết TW, Chính phủ có chương trình hành động nghị quyết thì có đề cập đến vấn đó nhưng vẫn là thí điểm. Đến nay mới có cơ sở đầy đủ để thực hiện.
“Mua sắm công tại Việt Nam còn rất lớn nhưng mua sắm tập trung lại rất ít. Ví dụ là mua ô tô công, xe công, hiện có khoảng 1.000 đơn vị có thẩm quyền mua, nếu bây giờ bộ Tài chính kiểm tra thì cùng 1 loại xe nhưng mỗi nơi một giá. Ví dụ nhỏ cũng cho thấy sự cần thiết tổ chức ĐTTT”, TS. Thanh nêu.
Ông Thanh đánh giá thêm, nhìn vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Thủ Đức...haycác trường đại học cũng mua sắm công rất nhiều, không xét ở khía cạnh tiêu cực cá nhân, chỉ xét về đấu thầu thì họ là những người nghiệp dư.
Họ hoàn toàn không được đào tạo về đấu thầu nhưng vẫn phải thực hiện. “Bởi vậy, nếu ta phát triển công tác ĐTTT, họ sẽ tập trung triển chuyên môn, giúp được nhiều người bệnh được chữa trị tốt hơn”, một lần nữa ông Thanh nhấn mạnh.
Làm cho cán bộ “không cần tham nhũng”
Việc tổ chức đấu thầu tập trung theo các chuyên gia là cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cả về mặt con người và cơ chế. PGS.TS. Nguyễn Quỳnh hoa cho rằng, với số lượng hàng hóa, vật tư lớn đòi hỏi đội ngũ nhân lực cũng phải lớn, trong khi quy định về tổ chức ĐTTT hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Bên cạnh đó, hiện các bệnh viện vẫn loay hoay cho công tác đấu thầu vì không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này rất dễ xảy ra sai sót.
“Để thống kê sẽ cho ra hàng trăm bước để thực hiện 1 gói thầu tập tập trung. Trong khi đó, để công tác này được hiệu quả cũng đòi hỏi nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nhưng theo đánh giá của tôi, hiện chúng ta chưa đáp ứng được” – bà Hoa nêu.
Việc thay đổi chính sách, siết chặt các quy định là cần thiết, nhưng theo các chuyên gia, đại biểu thì cần xây dựng những biện pháp đồng bộ và tập trung vào yếu tố con người là quan trọng nhất.
Làm sao để tạo ra cơ chế để mỗi cán bộ “không thể tham nhũng" – tức tạo cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả và “không dám tham nhũng” - tạo ra cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để dẫn đến kết quả “không cần, không muốn tham nhũng".