Mưa sao băng Lyrids đạt cực điểm ở Việt Nam vào đêm nay
Theo lịch sự kiện thiên văn đáng chú ý năm 2021, vào đêm 22-4, rạng sáng 23-4 sẽ xuất hiện cực điểm mưa sao băng Lyrids.
Mưa sao băng Lyrids đến, chấm dứt thời kỳ “hạn hán sao băng”. Bởi hằng năm, từ tháng 1 đến tháng 4 sẽ là giai đoạn mà không có bất kỳ trận mưa sao băng đáng kể nào.
Lyrids là tên gọi xuất phát từ tên chòm sao Lyra. Đây là một mưa sao băng trung bình, thường đạt khoảng 20 sao băng một giờ tại thời gian cực điểm. Trận mưa sao băng này hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861.
Mưa sao băng Lyrids này thường xuất hiện từ ngày 16 đến ngày 25-4 hằng năm. Năm 2021, cực điểm của mưa sao băng Lyrids sẽ rơi vào đêm 22-4, rạng sáng 23-4.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội HAS, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, thời gian quan sát tốt nhất thông thường sẽ là sau nửa đêm và rạng sáng. Năm nay, trăng mới xuất hiện vào ngày 12-4. Điều này nghĩa là trong suốt tuần diễn ra mưa sao băng Lyrids, thời gian quan sát tốt nhất sẽ là khoảng giữa lúc trăng lặn và rạng sáng. Vào ngày 19-4, mặt trăng khá sáng sẽ quay trở lại sau hoàng hôn, tuy nhiên nó sẽ lặn trước giờ cực điểm lúc rạng sáng.
Điểm phát của mưa sao băng này là từ chòm sao Lyra (Thiên Cầm), cạnh ngôi sao sáng Vega (Chức Nữ). Trong suốt những ngày cực đại, Lyra sẽ mọc trong khoảng 21-22h ở bán cầu Bắc. Nó sẽ lên cao dần sau nửa đêm và đạt vị trí cao nhất trước bình minh.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay: "Chính vì tính chất là mưa sao băng trung bình nên Lyrids chỉ có thể quan sát được ở những nơi khí quyển không bị ô nhiễm, khói bụi, điều kiện thời tiết tốt, còn ở những đô thị lớn thì khả năng quan sát được rất thấp".
Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một địa điểm tối. Sao băng có xu hướng tỏa ra từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trên bầu trời.
"Thời gian quan sát mưa sao băng tốt nhất là sau 1h ngày 23-4. Mọi người nên chọn nơi nào có điều kiện thời tiết tốt, góc nhìn rộng, không đứng dưới đèn đường và nơi có ánh sáng nhân tạo vì lóa mắt. Trên thực tế, khu vực quan sát tốt là xa các đô thị lớn như ở núi cao, bờ biển. Ở các đô thị như Hà Nội thì nên tìm những nơi gần ngoại thành, tòa nhà cao tầng để điểm nhìn trên cao không có vật thể và ánh sáng che tầm mắt", ông Sơn phân tích.
Vào ngày 27-4 tới đây sẽ xuất hiện trăng tròn, siêu trăng. Lúc này, mặt trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện với mặt trời so với trái đất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Pha này diễn ra vào 10h33. Những bộ lạc thổ dân châu Mỹ thời xưa gọi pha trăng tròn này là Trăng Hồng bởi nó đánh dấu sự xuất hiện của loại rêu hồng, hay còn gọi là giáp trúc đào đất dại, là một trong những loài hoa nở đầu tiên vào mùa xuân.