Mùa sen hồng quê Bác

Cựu binh già Đinh Văn Sang đã thỏa nguyện ước khi đất nước sạch bóng quân thù, được về thăm làng Sen quê Bác.

Người đàn ông ấy là Đinh Văn Sang vốn là cựu chiến binh từng tham gia chiến trường miền Nam những năm tháng ác liệt nhất. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đi nhiều nơi, đóng quân ở nhiều vùng, nhưng ông chưa được tới Nghệ An, quê hương của Bác Hồ.

Chiến tranh gian khổ, ác liệt song ông luôn nuôi khát khao cháy bỏng, đó là khi đất nước sạch bóng quân thù, ông sẽ về thăm quê Bác dù chỉ một lần để thắp nén nhang trước mái nhà tranh đơn sơ, nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Ước mơ giản dị ấy theo ông suốt cuộc trường chinh và phải tới sau ngày giải phóng, sau những năm tháng điều dưỡng thương binh dài hạn ông mới thực hiện được.

Xe dừng ở thị trấn Nam Đàn. Ông Sang chống gậy bước xuống, bối rối trước nhịp sống rộn ràng ở nơi đây. Người dân xứ Nghệ đón ông bằng những nụ cười ấm áp, ánh mắt trong như nước giếng làng.

Một cô gái trẻ mặc áo dài màu xanh ngọc, biết ông là cựu chiến binh, liền lễ phép chào hỏi:

- Ông vô thăm quê Bác ạ?

Ông gật đầu, nước mắt bỗng rưng rưng.

- Dạ, vậy để cháu đưa ông vô làng Sen nhé. Ông đi một mình, lại ngồi xe đường dài cũng vất vả rồi, cô gái nói.

Ông mỉm cười, cảm động. Ở tuổi này, ít ai còn lặn lội đi xa chỉ để thăm một mái nhà tranh. Nhưng với ông, đó không chỉ là chuyến thăm, đó là một cuộc hành hương, là hành trình tìm lại những điều sâu kín nhất trong cuộc đời.

Đường vào làng Sen to đẹp, quanh co dưới bóng tre xanh miên man. Gió thổi qua những cánh đồng lúa, mang theo hương sen ngan ngát từ những ao ven đường.

Ông Sang chậm rãi bước từng bước, lòng bồi hồi. Những năm tháng chiến tranh hiện về, những ngày hành quân nắng cháy lưng, những đêm mưa xối xả khắp rừng già, những đồng đội đã ngã xuống, những lá thư nhuốm máu chưa kịp gửi về quê nhà... Họ, cũng như ông, đều mang trong tim hình ảnh của Bác Hồ - vị cha già của dân tộc. Có những đêm đói lả, chỉ cần nhắc tới Bác, cả đơn vị như được tiếp thêm sức mạnh. Có những lần chạm trán kẻ thù, nhớ lời Người dặn "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", họ xiết chặt tay súng, tiến lên.

Làng Sen hiện ra trước mắt, bình dị, mộc mạc, như trong giấc mơ. Mái nhà tranh nhỏ bé nằm nép mình bên hàng rào dâm bụt. Ao sen trước nhà đã vào mùa nở rộ, từng bông sen hồng thắm vươn cao trong nắng, tỏa mùi hương dìu dịu, thanh tao. Bằng chất giọng trầm, ấm của người xứ Nghệ, cô gái trẻ nhẹ nhàng giới thiệu:

- Thưa ông, đây chính là nơi Bác Hồ đã chào đời...

Cổ họng ông Sang nghèn nghẹn. Ông chống gậy bước chậm theo cô gái vào sân, tay run run chạm vào cánh cổng tre. Dường như từng nhành cây, từng viên gạch nơi đây đều thấp thoáng bóng dáng của Người, giản dị mà nhân hậu, vĩ đại mà gần gũi. Ông ngồi xuống bậc thềm nhà, cúi đầu nín lặng, hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy. Cả một đời ông cầm súng, chịu bao mất mát, hy sinh vì một ước mơ giản dị mà Bác đã dành cả đời mình vun đắp: Độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân…

Thấy ông Sang xúc động khá lâu, người đàn ông trung niên đang tỉa lại hàng dâm bụt gần đó liền tiến tới vỗ nhẹ vai lên vai ông:

- Chắc ông ở xa và lần đầu vô thăm quê Bác phải không? Mời ông về nhà em uống chén nước, nghỉ chút cho lại sức.

Ông Sang ngẩng lên, nước mắt lưng tròng, khẽ gật đầu. Nhà người đàn ông cách đó không xa, cũng là một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, lợp ngói đỏ. Cả gia đình đon đả tiếp đón ông như đón người thân từ xa lâu ngày trở về. Bà cụ già - mẹ của người đàn ông, vừa rót trà, vừa hỏi:

- Bác đi bộ đội từ năm mô?

Ông Sang chậm rãi thưa: năm 1965, khi mới mười tám tuổi, tôi nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hành quân vào miền Nam, tham gia chiến dịch Mậu Thân, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Nghe tới đó, mắt bà cụ ánh lên niềm kính trọng. Người dân Nghệ An vốn có truyền thống yêu nước. Mảnh đất này đã tiễn đưa biết bao người con anh dũng ra trận, biết bao người nằm lại khắp các chiến trường, trong đó có nhiều người vẫn chưa được trở về với quê hương. Với họ, những cựu chiến binh như ông Sang chính là những nhân chứng sống của những năm tháng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc.

Bữa cơm trưa hôm ấy, dù chỉ có bát canh rau muống, đĩa cá kho, chén cà muối nhưng ông Sang có thấy ngon hơn cả cao lương mĩ vị. Không khí ấm cúng, chân thành, xen lẫn tiếng cười, tiếng kể chuyện rộn ràng.

Tới chiều, ông được mời tham dự một buổi sinh hoạt nhỏ ở nhà văn hóa làng. Khi biết có cựu chiến binh từ phương xa về thăm, dân làng tới khá đông. Những cụ già tóc bạc ngồi lặng nghe ông kể chuyện chiến trường, những đứa trẻ mắt tròn xoe, chăm chú như nuốt lấy từng lời. Ông Sang kể về những đêm vượt sông trong mưa bom, những lần chiến đấu quyết tử với quân thù... Nước mắt ông lại rơi khi nói về hình ảnh Bác Hồ lúc nào cũng hiện diện trong trái tim người lính, như một ngọn đuốc soi đường.

Một cậu bé chừng mười tuổi rụt rè giơ tay hỏi:

- Ông ơi, lúc ra trận, ông có sợ không?

Ông nhìn cậu bé, ánh mắt hiền từ, chân thật:

- Có chứ cháu. Người lính cũng là con người mà. Nhưng khi nghĩ tới quê hương, tới Bác Hồ, tới cha mẹ, anh em ở nhà... thì nỗi sợ tan biến. Lúc đó, chỉ biết phải chiến đấu. Chiến đấu để bảo vệ chính mình, nhân dân, để đất nước mình được tự do, để các cháu được lớn lên trong hòa bình, đi học…

Cả hội trường lặng đi trong giây lát, rồi tiếng vỗ tay vang lên.

Đêm xuống, khi trăng lên khỏi rặng tre, ông Sang ra ngồi trên chiếc chõng tre trước sân, cùng uống nước chè xanh với mọi người. Tâm tư ông như đi ngược lại những ngày cầm súng xa ngái khi xưa. Gió mang theo hương sen thoảng qua. Ông ngước nhìn bầu trời, nơi có những vì sao lấp lánh như mắt của những đồng đội đã khuất.

Ông như nhìn thấy họ, kể cho họ nghe về chuyến hành hương này. "Đồng đội ơi, chúng ta đã không uổng phí đời mình. Đất nước hôm nay bình yên quá đỗi. Tôi đã đến nơi này, làng Sen quê Bác đúng như những gì chúng mình từng ao ước khi xưa. Người làng Sen thân thiện, ấm áp lắm các anh, các bạn ơi”.

Hôm sau, trước lúc rời làng Sen, ông Sang lại quay về mái nhà tranh thêm lần nữa. Sau tuần nhang viếng thân sinh, gia đình, anh em của Người ở khu tưởng niệm, ông ra bờ ao, xin phép ngắt một bông sen, cuốn lại bằng một lá sen già, đặt vào trong túi, bên cạnh cuốn sổ nhỏ cũng chính là cuốn nhật ký chiến trường mà ông còn giữ mãi. Ông sẽ mang bông sen về nhà, phơi khô làm kỷ niệm. Với ông, đó là kỷ vật thiêng liêng, gần gũi nhất. Nó là hiện thân của hương đất sông Lam, tình người xứ Nghệ. Nó chứa đựng cả tình yêu thương, kính trọng, nhớ ơn vô bờ mà ông dành cho Bác, cho Tổ quốc.

Khi xe lăn bánh, ông ngoái nhìn lại. Mái nhà tranh nhỏ bé dần khuất sau hàng cây xanh mướt, nhưng trong tim ông, hình ảnh ấy mãi lưu giữ đến trọn đời. Cho dù sau này mái tóc bạc thêm, đôi chân yếu đi, cái lưng còng xuống thì những kỷ niệm về ngày được tới thăm, thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ, tiếp xúc với bà con làng Sen sẽ còn mãi.

Từ nay, trong những câu chuyện kể của mình, ông Sang có thêm chuyện về một mùa sen nở rộ trong vòng tay yêu thương của những người nông dân quê Bác.

VŨ KIM LIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mua-sen-hong-que-bac-411476.html