Mùa tép nhảy trên biển Trà Cổ
Cứ mỗi độ thu về, người dân Trà Cổ, TP Móng Cái (Quảng Ninh) lại háo hức với nghề xúc tép biển. Vào những hôm trời yên biển lặng, hàng chục người đổ xô ra bãi xuống te, xúc tép. Người xúc giỏi thì dùng cà kheo đi ra khoảng 2-3m nước. Có những mẻ xúc được vài gánh tép mang về.
Dò tép bằng mũi
Nức tiếng với những món ăn được chế biến từ tép biển, khu Trà Cổ, TP Móng Cái được mệnh danh là vựa tép của vùng Đông Bắc. Bao đời nay nhiều người dân Trà Cổ vẫn coi bắt tép biển là một nghề chính trong gia đình. Mặc dù mùa tép nhảy chỉ diễn ra vỏn vẹn có hơn 3 tháng nhưng khi đến Trà Cổ vào mùa nào trong năm, thực khách vẫn được thưởng thức những món ăn từ tép.
“Trước kia, kể cả khi tép nổi thành đàn lớn, người xúc tép vẫn tuân thủ theo quy định của hợp tác xã khi đó là phải xúc tép theo giờ, trong một khoảng thời gian nhất định. Còn hiện nay, bãi biển Trà Cổ xuất hiện nhiều tàu khai thác thủy sản bằng xung điện, khiến cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nhất là đối với con tép, nên nghề xúc tép đã ít nhiều bị mai một. Nhiều người dân không còn mặn mà với nghề này”.Lão ngư Bùi Xuân Lộc ở khu Tràng Lộ, Trà Cổ, Móng Cái
Đến với Trà Cổ vào những ngày cuối tháng 9, khi hỏi đường đến nhà của lão ngư Bùi Xuân Lộc ở khu Tràng Lộ, ai cũng cười và hỏi lại: Đến mua tép hay mua mắm tép? Mua mắm tép thì nhà chúng tôi cũng có, còn mua tép tươi thì đi qua 2 ngõ nữa mới đến nhà ông Lộc.
Khu Tràng Lộ từ xa xưa đã nức tiếng với các sản phẩm làm từ tép. Không biết trải qua bao nhiêu đời nhưng nghề làm mắm tép ở đây luôn có những công đoạn đặc biệt. Mắm được làm từ tép tươi vớt ở biển lên, pha trộn cùng liều lượng muối vừa đủ cùng thời lượng phơi nắng hay ủ mắm được tính bằng phút để tạo nên một loại mắm tép thơm ngon khó quên.
Tay đang đảo lại hũ mắm ở sân nhà, ông Lộc mỉm cười vẫy tay khi thấy nhà có khách. Vừa bước vào sân, một mùi nồng, mặn xộc vào mũi. Thấy tôi hơi nhăn mặt, ông Lộc liền giải thích: “Tưởng chú chưa đến nên tranh thủ đảo lại hũ mắm cho đủ nắng. Mới làm được mấy hôm nên mùi nó hơi nặng, chỉ vài hôm nữa là thơm nức ngay”.
Vào trong nhà, 4 bề tường xếp đầy hũ lớn, hũ bé chồng lên nhau. Bên trong khu bếp có một nhóm phụ nữ đang phân loại tép khô để đóng vào bao và các hộp nhựa. Nhưng khác xa với mùi mắm ở ngoài sân, trong gian nhà của ông Lộc có mùi rất lạ, vừa thơm vừa kích thích vị giác, nước dãi cứ chực trào trong khoang miệng.
Thấy tôi thắc mắc về mùi thơm, ông Lộc tiết lộ đang chưng mắm tép với thịt băm để thiết đãi khách bữa tối vì để bắt được tép nhảy phải đợi đến sáng sớm hôm sau khi mặt trời chưa ló rạng.
“Nói là mùa nhưng không phải ngày nào cũng có tép nhảy, còn tùy vào con nước và gió. Nhưng tép ở Trà Cổ chỉ xuất hiện từ sáng sớm và đi theo từng đàn dọc bờ biển. Lúc nãy tôi có đi một vòng, biển hôm nay hơi động nên sáng mai chưa chắc đã có tép cho chú xem”, ông Lộc nói.
Sau bữa cơm tối với món mắm tép chưng thịt thơm ngon, tôi được vợ chồng ông Lộc xếp cho ngủ ở phòng khách để đợi gần sáng cùng ông đi bắt tép. Trước khi khép cánh cửa chính ông cũng không quên dặn tôi phải ngủ sớm để sáng ra còn có sức đi bộ trên cát và khiêng tép về.
Tờ mờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló rạng, ăn vội bát cháo khoai, ông Lộc vơ một túi nhỏ bên trong đựng sẵn một mảnh lưới, vội vã gọi tôi ra cồn Mang. Đứng trên bờ, ông hít hà một lúc rồi tiến dần ra biển. Khi nước lên đến gần thắt lưng ông vội vã quay vào và khẳng định ông đã “ngửi” thấy mùi đàn tép.
Tay mở vội mảnh lưới để ráp vào khung chiếc te (ngư cụ có hình chữ Y, làm bằng tre được gắn lưới vào hai càng), ông Lộc dặn tôi chuẩn bị sẵn đồ nghề để đựng tép. Vừa gắn te, ông chỉ tay ra phía biển: “Ở đó đang có một đàn tép nổi màu hồng nhạt, ước chừng hàng trăm cân”.
Vớt lộc trời
Nhanh chân bước xuống nước, tay cầm chiếc te nâng lên quá mặt nước nhẹ nhàng lách qua những con sóng nhỏ, khi đến được vị trí, ông Lộc từ từ hạ te xuống và đẩy dần về phía trước. Tất cả những hành động của ông rất mau lẹ và dứt khoát thể hiện sự chuyên nghiệp của lão ngư có kinh nghiệm hơn 40 năm bám biển.
“Người Trà Cổ rất nhiều kinh nghiệm vớt lộc trời. Khi nào cần xúc tép ngược và khi nào thì chỉ việc đứng mà hứng tép vào te. Như hôm nay chẳng hạn, gió đông, sóng khá, phải nhẹ nhàng đón hướng ngược với hướng bơi của đàn tép, tránh không để tép cuộn mất hay nhảy khỏi gọng te”, ông Lộc chia sẻ.
Sau khoảng 15-20 phút, ông Lộc ra hiệu cho tôi rằng tép đã vào te. Những con tép nhỏ, lách tách nhảy trên mặt nước, lấp lánh trong ánh hừng đông. Với những thao tác nhanh gọn, nách cắp vào cán te, nhấc nổi 2 càng te lên khỏi mặt nước, ông dùng 2 tay rũ nhè nhẹ mành lưới để cho đàn tép chui dần vào túi lưới kéo dài phía sau càng te.
Sau những thao tác của người thạo nghề, túi lưới đã quận vào vài cân tép màu hồng nhạt. Theo hướng dẫn của ông Lộc, tôi nhanh chóng hứng chiếc rổ nhựa vào miệng túi. Nút túi mở, cơ man nào là tép tràn chiếc rổ nhựa. Trong khi chúng tôi vô cùng háo hức, thích thú với mẻ tép đầu tay thì ông Lộc nói rằng: Như mẻ này chỉ được gọi là có tép, chứ không nhiều.
“Thời tiết như hôm nay xúc được tép đã là may mắn rồi. Vào những hôm trời yên biển lặng, khi xuất hiện những đàn tép nổi, một người đi xúc tép chí ít cũng phải có 2 người mang quang gánh đi theo phục vụ. Một buổi xúc tép, có người xúc được vài tạ tép là chuyện bình thường”, ông Lộc kể.
Cần mẫn, nhẹ nhàng đẩy chiếc te theo hướng dẫn của ông Lộc, trên mặt nước chỉ thấy lăn tăn sóng nhưng khi đụng đến đàn, hàng loạt con tép nhảy lên như ong vỡ tổ. Những lúc đấy ông chỉ bảo cầm chắc te không được đi lệch hướng hay để sóng đánh quay te. Theo kinh nghiệm của dân Trà Cổ, chiếc te đã được họ thiết kế một cách tối ưu nhất cho việc bắt tép, dù tép có nhảy hay không, chiếc te đều gom được vào lưới.
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ đẩy te, khi ánh nắng gay gắt, chúng tôi bắt đầu thu lưới, gác te. “Chiến lợi phẩm” chúng tôi thu về ước chừng vài chục ki-lô-gam tép. Tép xúc về nhanh chóng được rửa sạch, ướp với muối trắng để làm mắm tép. Ông Lộc để lại một nửa để vợ mang ra chợ bán, phần còn lại ông làm món khế chua xào tép để hai ông con tự thưởng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-tep-nhay-tren-bien-tra-co-post1474551.tpo