Mùa Tết của những người 'đếm gió, đo mưa'

Trạm Khí tượng Sa Pa (Lào Cai) những chiều cuối năm, sương mù giăng kín, lạnh buốt. Đối lập với đèn hoa tấp nập của thị trấn Sa Pa sầm uất, tại Trạm Khí tượng Sa Pa không gian vắng vẻ, yên ắng, chỉ có tiếng gió vi vút.

 Chị Võ Thị Thu Thủy - Quan trắc viên Trạm thủy văn Chu Lễ - đang tiến hành đo nhiệt độ nước tại nhánh sông Ngàn Sâu. Ảnh: NVCC

Chị Võ Thị Thu Thủy - Quan trắc viên Trạm thủy văn Chu Lễ - đang tiến hành đo nhiệt độ nước tại nhánh sông Ngàn Sâu. Ảnh: NVCC

Những mùa Tết lặng lẽ Sa Pa…

Trạm nằm trên đỉnh dốc, ở độ cao 1.584m so với mực nước biển, xung quanh chỉ lác đác vài nhà dân.

Theo quy định của ngành Khí tượng, một ngày, các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ được gọi là 1 "ốp". Ca trực của quan trắc viên kéo dài trọn 24 giờ: Từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau, với 4 lần đi "ốp", bất kể lễ Tết hay thứ Bảy, Chủ nhật.

"Không được làm sai, không được làm sớm, không được làm chậm, không được bỏ sót", đó là "4 không" mà chị Nguyễn Vân Anh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa và đồng nghiệp phải thuộc nằm lòng trong suốt thời gian gắn bó với nghề "bắt mạch ông trời".

"Chậm một chút thôi là sẽ sai lệch số liệu, dẫn đến dự báo sai. Dự báo sai thì bà con khổ, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, cuộc sống. Vì vậy, mỗi nhân viên ở đây chưa từng dám lơ là. Đây cũng là đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề dự báo khí tượng thủy văn", chị Vân Anh cho hay.

Trạm khí tượng Sa Pa là ngôi nhà xây bằng đá từ thời Pháp, vẻ cũ kỹ, rêu phong càng khiến không gian ở đây trở nên heo hút, lặng lẽ

Trạm khí tượng Sa Pa là ngôi nhà xây bằng đá từ thời Pháp, vẻ cũ kỹ, rêu phong càng khiến không gian ở đây trở nên heo hút, lặng lẽ

Lạnh lẽo, đơn độc là cảm giác trong mỗi dịp Tết mà những quan trắc viên như chị Vân Anh phải trải qua ít nhất một lần trong đời. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, công việc của các quan trắc viên càng vất vả hơn.

Vững tin hơn nhờ tình yêu nghề

Khác với Trạm Khí tượng Sa Pa, nơi chị Võ Thị Thu Thủy, quan trắc viên Trạm Quan trắc thủy văn Chu Lễ (Hương Khê, Hà Tĩnh), làm việc nằm cuối con dốc nhỏ. Phía dưới Trạm là nhánh sông Ngàn Sâu quanh co, uốn lượn.

Ở trên này cao, mùa Tết thường rơi vào những đợt rét. Có những đêm giao thừa nhiệt độ xuống dưới 1 độ, đóng băng, lạnh buốt nhưng đến giờ quan trắc vẫn phải ra vườn thực hiện nhiệm vụ. Mình mặc mấy lớp áo bông, áo giữ nhiệt mà thấy chẳng thấm vào đâu, nhìn quanh bốn bề chỉ thấy màn đêm. Thế nhưng cứ nghĩ, nếu mình làm tốt công việc thì người dân sẽ có được kế hoạch sản xuất tốt hơn, nhiều gia đình sẽ có được những cái tết ấm no hơn, tôi lại thấy hạnh phúc”.

Chị Nguyễn Vân Anh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa (Lào Cai)

Những ngày mưa lũ, nước sông cuồn cuộn chảy, gầm gào. Những quan trắc viên trở nên vô cùng bé nhỏ giữa dòng nước. Mặc dù vô cùng nguy hiểm nhưng những con số với họ thời điểm như vậy đặc biệt quan trọng. Nó chính là chất liệu để cơ quan chức năng đưa ra những quyết sách cấp bách có thể cứu hàng trăm sinh mạng.

Nhân viên Trạm Khí tượng Sa Pa đang tiến hành công việc quan trắc, thu thập dữ liệu thời tiết

Nhân viên Trạm Khí tượng Sa Pa đang tiến hành công việc quan trắc, thu thập dữ liệu thời tiết

Chị Thủy cho biết, trạm chỉ có 2 người nên chị em thay nhau trực. Ngày Tết cũng như vậy. Công việc cứ lặp đi lặp lại, ngày 8 lần đi ốp, ra sông đo mực nước. Với mỗi nhân viên làm công việc quan trắc khí tượng thủy văn, cần phải thật sự yêu nghề.

Bởi vì khi yêu nghề sẽ hiểu được ý nghĩa của việc làm tưởng chừng như tẻ nhạt ấy. "Gia đình chính là hậu phương giúp tôi vững tin hơn với nghề. Những ngày lễ, Tết tôi không có ở nhà, chồng và bố mẹ chồng là người chăm lo chu toàn việc nhà.

Có những đợt mưa lũ, chồng tôi lo cho sự an toàn của vợ nên ra trạm trực cùng. Vì đặc thù công việc, 2 năm nay tôi chưa về ăn Tết cùng bố mẹ đẻ ở quê. Mọi năm thì cũng phải ra ngoài Tết, tầm mùng 5 Tết, tôi mới về được.

Tôi không còn nhớ lần đón giao thừa gần nhất cùng bố mẹ cách đây bao lâu nữa. Xa nhà lâu quá, nhiều khi nhớ muốn khóc, cũng tủi thân nhưng yêu nghề nên tự động viên mình cố gắng", chị Thủy chia sẻ.

Dù ở trên đỉnh núi cao hay ven sông sâu, thì cũng khó có thể nói hết những gì được nghe, được thấy về công việc, cuộc sống của những người làm công tác khí tượng, thủy văn. Họ là những người lặng lẽ từng ngày "đếm gió, đo mưa", góp phần làm đẹp cho đời.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mua-tet-cua-nhung-nguoi-dem-gio-do-mua-20250116160735003.htm