Mùa Tết hiu hắt ở những làng nghề truyền thống
Sài thành có những làng nghề truyền thống như làng nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng lư đồng An Hội (quận Gò Vấp)… đã trở thành thương hiệu nổi tiếng một thời. Người mua kẻ bán đông vui, tấp nập nhất vào dịp lễ Tết. Nhưng hiện nay, thời vàng son ấy đã trở thành dĩ vãng.
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến làng lư đồng An Hội (đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp). Làng nghề này có tuổi đời hơn trăm năm, nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công nhưng cực kỳ tinh xảo, chất lượng… Trong những ngày giáp Tết, không khí làng nghề vẫn diễn ra như nhịp điệu của ngày thường chứ không quá tấp nập, bộn bề.
Bà Phạm Thị Liên, chủ cơ sở đúc lư đồng Ba Cồ cười hiền lành: “Lò vẫn đỏ lửa, nghệ nhân vẫn tâm huyết nhưng sức mua giảm sâu, khiến những cơ sở làm nghề đúc lư đồng truyền thống ngày càng teo tóp”. Nói rồi bà Liên đưa chúng tôi vào xưởng đúc lư đồng nằm phía sau nhà. Khoảng 5 người thợ phụ trách từng công đoạn, cần mẫn cân chỉnh từng chi tiết nhỏ từ đắp khuôn, đổ đồng, chạm khắc hoa văn, đánh bóng…
Bà Liên cho biết, có hơn chục công đoạn để hoàn thành sản phẩm. Tất cả đều được làm thủ công (bằng tay) nên sản phẩm luôn “độc nhất vô nhị”. Do đó, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, kiên trì và khéo léo. “Chính sự chỉn chu trong từng công đoạn, kỹ lưỡng trong từng sản phẩm là điểm khác biệt của lư đồng An Hội so với lư đồng công nghiệp được làm bằng máy” - bà Liên nhấn mạnh.
Bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian trước đây khoảng chục năm có lẻ, bà Liên kể, tháng cận Tết, những ai đến làng lư đều thấy không khí rất xôm tụ. Thương lái đặt làm không kịp, sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn sang tận Lào, Campuchia. Còn giờ, từ một làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc, nay chỉ còn 4 hộ bám trụ. “Năm nay buôn bán khó khăn quá, khách sỉ giảm hơn 50%. Thời điểm này trước dịch, có ngày tôi bán tới 50 bộ lư, nhưng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay… Các cơ sở khác cũng chung cảnh ngộ” - bà Liên nén tiếng thở dài.
Cách thành phố tầm 50km, làng nhang (hương) gần 100 tuổi tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) - một trong những nơi cung ứng nhang lớn nhất khu vực phía Nam cũng không còn cảnh xe cộ ngược xuôi nhận hàng, giao hàng. Thay vào đó là khung cảnh vắng vẻ, chỉ còn tiếng máy chạy rè rè, những người phụ nữ lặng lẽ phơi nhang trước sân nhà cho kịp con nắng.
Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy, chủ xưởng nhang Minh Phước có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề thừa nhận, chưa năm nào đơn hàng giảm như năm nay. Thông thường, tháng 10 đã chốt đơn đặt hàng; tháng 11 giao hàng; tháng 12 đóng gói đưa ra thị trường… “Nhang làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Chúng tôi sản xuất nhang sạch, không hóa chất độc hại, thân thiện môi trường nên khách hàng tin tưởng. Nhang chủ yếu bỏ sỉ cho các khách hàng tại TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây. Ngay cả thời điểm dịch bệnh, sản phẩm vẫn bán chạy như tôm tươi. Vậy mà Tết năm nay, hầu như không ai dự trữ hàng. Khi nào cần thì họ tới mua trực tiếp, số lượng cũng không nhiều” - chị Thúy nói.
Ông Nguyễn Thành Phương (62 tuổi) gắn bó với nghề làm nhang hơn 40 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui với nghề, ông Phương nhận định: “Năm nay hàng đi chậm. Nguyên vật liệu như bột nhang, tăm nhang... có tăng nhưng giá bán không tăng. Chưa kể, số lượng nhang giao mối sỉ giảm gần 40% so với năm ngoái”. Với 2 máy se nhang, ông Phương cùng 2 người trong gia đình bắt đầu ngày mới bằng việc trộn bột, se nhang, phơi nhang... làm ra được gần 100 thiên nhang/ngày (mỗi thiên tầm 1.000 cây, nặng khoảng 1,5 kg).
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 28/1, đại diện UBND phường 12, quận Gò Vấp cho biết: “Trước những chuyển biến thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến làng nghề lư đồng nổi tiếng một thời đang dần mai một. Nghề đúc lư chủ yếu làm thủ công, do đó tiềm ẩn các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Địa phương vẫn đang tính toán phương án. Đó là duy trì làng nghề theo nguyên trạng nhưng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp lọc khói, tránh tác động ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo các tiêu chí về môi trường”.
Không chỉ chủ cơ sở kinh doanh nhang gặp khó, những hộ chuyên gia công mặt hàng này như chị Trần Thị Thanh cũng rất chật vật. “Tết những năm trước, tôi làm khoảng 100 thiên/ngày, còn bây giờ chỉ khoảng 60 thiên. Giá vẫn giữ nguyên ở mức 4.000 đồng/thiên. Hiện tôi còn 2.000 thiên vẫn xếp để đó, chưa có khách mua. Đây là năm khó khăn nhất trong suốt 20 năm tôi làm nghề” - chị Thanh nói và kỳ vọng trong những ngày cuối năm sẽ có những khởi sắc hơn.
Ông Nguyễn Văn Của, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 124 hộ kinh doanh và gia công nhang. Hội kết hợp với UBND xã hỗ trợ vốn cho một số hộ để đầu tư sản xuất, mở rộng làng nhang, duy trì làng nghề truyền thống. “Các đơn hàng trong làng nhang xã Lê Minh Xuân có giảm so với cùng kỳ năm trước do tình hình kinh tế khó khăn chung. Vì vậy, Hội Nông dân cùng Phòng kinh tế huyện cũng đã trưng bày các sản phẩm của làng nhang ở các trung tâm triển lãm để giới thiệu, quảng bá đến khách hàng. Đồng thời, hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ cũng như bán hàng trên trang fanpage của Hội, huyện nhằm tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn” - ông Của nói.