Mùa thiện nguyện
Mùa Xuân, khoảng 1 tháng trước và sau Tết Nguyên đán được xem là mùa thiện nguyện. Có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giàu lòng nhân ái đã thực hiện các hoạt động vì cộng đồng như: chuyến xe nghĩa tình, áo ấm tặng người, trao gửi yêu thương…
Mỗi hành trình là một câu chuyện ý nghĩa, thắm đượm tình người.
* San sẻ yêu thương
Gần 10 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, chị Nguyễn Thị Hoa, làm việc tại một doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Tôi học được cách cho đi không phải vì tôi đã có quá nhiều, mà vì tôi được lớn lên trong một gia đình có truyền thống thiện nguyện. Tôi biết ý nghĩa và cảm giác của việc cho đi”. Trung bình mỗi tháng 2 lần, chị Hoa cùng với các thành viên trong gia đình, nhóm thiện nguyện tổ chức quyên góp tiền, nhu yếu phẩm và đi tặng quà cho người nghèo, các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở nhận nuôi trẻ nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Nhiều người vẫn nói, làm thiện nguyện không đơn thuần là cho đi. Bởi thứ họ nhận về không thể đong đếm bằng vật chất. Đó có thể là những người bạn mới, những vùng đất chưa từng đặt chân đến; là tình cảm, sự quý mến của người dân; là những bài học về nghị lực, tinh thần lạc quan, sự cảm thông và chia sẻ trong cuộc sống.
Không chỉ tích cực tham gia cùng gia đình, bạn bè, 4 năm qua chị Hoa nhiều lần vận động người lao động trong công ty cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện. “Lúc đầu, một số công nhân nghi ngại tôi có tư lợi cá nhân, về sau, họ thấy những việc tôi làm nên ủng hộ. Trung bình mỗi đợt như vậy tôi vận động được khoảng 20 triệu đồng. Khi thì trao tặng cho công nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại doanh nghiệp, khi thì tổ chức Thành đoàn đến các cơ sở bảo trợ xã hội tặng quà cho các cụ già, em nhỏ. Dịp Tết Nguyên đán 2020 tôi vận động 2 đợt, trong đó có một đợt quyên góp quần áo tặng lại cho công nhân” - chị Hoa nói.
Mới 28 tuổi nhưng Nguyễn Việt Thương (TP.Biên Hòa) có 7 năm hoạt động thiện nguyện. Ban đầu, với sự hỗ trợ của mẹ, Thương mua quần áo, bánh, nước đi tặng cho những người vô gia cư ở TP.Biên Hòa. Về sau, Thương kêu gọi các bạn sinh viên trong lớp quyên góp quần áo, sách vở đem bán lấy tiền làm từ thiện. Hiện tại Thương đã thành lập được câu lạc bộ thiện nguyện mang tên Ấm áp Biên Hòa với hơn 40 thành viên. Mỗi tháng câu lạc bộ đi tặng quà trong tỉnh 1 lần, mỗi năm tổ chức 2 chuyến đi xa. Trung bình mỗi chuyến đi xa nhóm tặng khoảng 100 triệu đồng tiền mặt và các loại nhu yếu phẩm.
Theo chị Thương, để các mạnh thường quân tin tưởng, mọi khoản thu chi chị đều công khai trên nhóm. Mỗi lần đi trao quà, chị mời thêm vài mạnh thường quân đi cùng để họ hiểu hơn ý nghĩa việc mình làm. “Những chuyến đi thiện nguyện sẽ mang đến cho người tham gia nhiều điều giá trị, đó không chỉ là những trải nghiệm khi đặt chân đến những vùng đất mới mà nó còn giúp chúng ta cảm nhận được chân thực nhất cuộc sống xung quanh. Từ đó yêu đời và lạc quan trong cuộc sống hơn. Chứng kiến những phận đời còn lắm khó khăn nhưng có nghị lực sống phi thường giúp ta có thêm động lực, biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn” - chị Thương bộc bạch.
* Lan tỏa những hành động đẹp
Nhiều năm trở lại đây, các hoạt động thiện nguyện ngày càng được lan tỏa trong xã hội. Là doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trung bình mỗi năm Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam dành khoảng 4 tỷ đồng trao tặng quà cho người nghèo, xây nhà tình thương, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân. Các hoạt động thiện nguyện này được đẩy mạnh vào khoảng tháng 1-3, khi doanh nghiệp qua cao điểm sản xuất hàng Tết.
Đại diện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam từng chia sẻ, niềm vui của người dân là động lực để doanh nghiệp có thêm nhiều hoạt động vì cộng đồng. Công ty mong muốn lan tỏa việc làm ý nghĩa này đến toàn thể công nhân viên.
3 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, nhóm từ thiện do bà Lai Thị Út (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) làm trưởng nhóm nấu hàng trăm phần cơm phát cho các bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện đa khoa Long Khánh. Tấm lòng thiện nguyện của bà đã giúp nhiều người vơi bớt khó khăn.
Bà Út cho rằng, đa phần những người làm thiện nguyện đều với cái tâm trong sáng. Tuy nhiên, nếu không chạm đến những nhu cầu thiết thực nhất của người cần giúp đỡ thì sẽ làm giảm đi ý nghĩa của hoạt động thiện nguyện. Với suy nghĩ người bệnh ngoài nỗi đau bệnh tật, nỗi lo chi phí điều trị tốn kém còn lo những hộp cơm đắt mà chất lượng kém, bà Út cùng với vài người bạn lập nên Bếp yêu thương.
“Lúc đầu tôi nấu vài chục suất, tăng dần lên 100 suất, 200, rồi 300, đến nay mỗi lần tôi nấu khoảng 500 suất, tương đương 1 ngàn suất/tháng” - bà Út nói và cho biết thêm, để duy trì bếp ăn, bà nhờ con tạo cho mình một tài khoản mạng xã hội. Mỗi lần nấu và phát cơm bà cập nhật thông tin, hình ảnh và cả lời cảm ơn lên trên đó. Nhiều người xem xong tự liên hệ để ủng hộ.
Với mong muốn con cháu sống hướng thiện, bà Út còn nhiều lần vận động các thành viên trong gia đình ủng hộ tiền để xây nhà tình thương cho các hộ đặc biệt khó khăn trong xã. Mới đây, bà cùng với 2 người cháu đã bỏ tiền mua hơn 1 ngàn khẩu trang y tế, nước rửa tay phát cho người dân phòng bệnh Covid-19.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/mua-thien-nguyen-2988286/