Mùa Thu Độc lập: Lòng dân hướng về Người

Đã 79 năm kể từ ngày 2/9/1945 - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến nay, mùa Thu độc lập luôn là một phần ký ức thiêng liêng của những người con đất Việt.

Trong bầu không khí kỷ niệm ngày Tết Độc lập (2/9), người dân cả nước nô nức tận hưởng những ngày nghỉ lễ, vui chơi, sum vầy bên gia đình. Dịp này, một trong những điểm tham quan được nhiều người ghé thăm tại Thủ đô Hà Nội là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình

Sự hy sinh vĩ đại của cả một dân tộc

Cầm lá cờ đỏ sao vàng trên tay, vợ chồng ông Vũ Văn Thức và bà Nguyễn Thị Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thong thả đi dạo trên Quảng trường Ba Đình và hòa mình vào bầu không khí hân hoan của mùa Thu Độc lập.

Đến nay, đã hơn 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Dung vẫn vô cùng xúc động mỗi dịp đất nước kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Bà Dung cho biết, hình ảnh lịch sử Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập được báo, đài phát lại rất đậm nét trong dịp này. Xem lại tư liệu, hình ảnh đó, bà Dung biết rằng người dân cả nước sẽ đều hướng về Quảng trường Ba Đình, đều gửi lòng biết ơn, sự kính yêu tới Bác.

"Trong dịp nghỉ lễ, vợ chồng tôi đã dành một ngày dậy từ sớm để lên lăng Bác, để hướng về nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hòa chung không khí hân hoan, tươi vui của đất nước trong ngày Tết Độc lập. Chúng tôi rất vui khi ngắm nhìn những bạn trẻ và cả những em bé rất nhỏ được bố mẹ đưa tới Quảng trường Ba Đình dịp này, cho thấy thế hệ trẻ luôn hướng tới ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng độc lập cho đất nước, để thế hệ trẻ ngày nay được sống trong ấm no, hòa bình, hạnh phúc. Những người lớn tuổi như chúng tôi khi hòa bình vào bầu không khí này cũng được lan tỏa sự tích cực từ các bạn trẻ, để sống vui, sống khỏe", bà Dung cho biết.

Nói về lá cờ nhỏ cầm trên tay, ông Vũ Văn Thức xúc động chia sẻ, dù là nhỏ, nhưng để lá cờ tung bay trên bầu trời độc lập, hòa bình thì đã có hàng triệu người con Việt Nam đã chiến đấu dòng dã, hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho đất nước. Đây là điều thật sự vĩ đại, không gì so sánh được với độc lập, tự do cho người dân Việt Nam. Qua hàng chục năm đấu tranh, chiến đấu giành độc lập, Việt Nam là một dân tộc bình thường mà vĩ đại.

Vợ chồng ông Vũ Văn Thức và bà Nguyễn Thị Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Vợ chồng ông Vũ Văn Thức và bà Nguyễn Thị Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Lòng kính yêu với Bác lớn lên theo thời gian

Những ngày mùa Thu lịch sử, trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn tràn ngập niềm tự hào về những thành quả đất nước đã đạt được qua bao gian nan thử thách. Trong đó có lòng kính yêu với Bác Hồ, vị cha già của dân tộc. Người đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Bác Hồ mất năm 1969, khi đó vợ chồng bà Dung, ông Thức vẫn là những cô cậu học sinh cấp 3, nhưng đến nay dù đã qua 55 năm, hai ông bà vẫn không thể quên thời điểm nghe tin Bác mất.

"Năm Bác Hồ mất, tôi đang học cấp 3 ở vùng sơ tán Lục Bình, Hà Nam. Sáng hôm đó, chúng tôi không ai biết tin Bác mất cho đến sau đó có bạn nghe Đài và thông báo lại 'Bác Hồ mất rồi', thì tất cả chúng tôi đều không nói nên lời, đều rất xúc động ôm nhau khóc. Tất cả mọi người, từ già đến trẻ, người dân làng cùng các học sinh không ai kìm được nước mắt. Sau đó, nhà trường đã tập trung học sinh vào sân trường để thông báo chính thức tin Bác Hồ mất. Chúng tôi lúc đó tiếp tục òa khóc trước mất mát to lớn đối với dân tộc", bà Dung nhớ lại.

"Khi đó, tôi đang là một cậu sinh cấp 3. Tôi nhớ rằng, những ngày đó trời mưa rất to, chúng tôi tập trung lại để nghe bản tin 6h của Đài TNVN thông báo tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay khi có chung một tờ báo, tất cả mọi người đều chen chúc nhau để đọc... đó là những ký ức mà tôi sẽ không bao giờ quên được", ông Thức chia sẻ.

Thời điểm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra rất căng thẳng, nên sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc là mất mát vô cùng lớn lao, không có gì bù đắp được.

Không chỉ với người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được bạn bè, nhân dân quốc tế ghi nhớ là Anh hùng giải phóng dân tộc, là Danh nhân văn hóa thế giới.

Như bất cứ người dân Việt Nam nào, vợ chồng bà Dung, ông Thức luôn trân trọng tình cảm và sự kính yêu với Bác Hồ. Khi càng lớn tuổi, bà Dung nhận thấy tình cảm này ngày càng lớn lên theo năm tháng và từ đó bà trân trọng hơn cuộc sống mình đang có.

Mỗi lần vào lăng viếng Bác, bà Dung đều có cảm giác xúc động: "Vào đến cửa lăng, tôi vô cùng xúc động. Đó là cảm giác không thể nói nên lời, đó là tình cảm đọng lại, chắt chiu lại không chỉ đối với riêng tôi mà với mọi người con đất Việt. Khi đi vòng quanh di hài của Bác, tôi dừng lại không muốn bước tiếp, khiến đồng chí cảnh vệ phải nhắc, lúc đó mình mới sực tỉnh để bước tiếp".

Với ông Thức, ông luôn tâm niệm: "Để đất nước được như ngày hôm nay, chúng ta luôn nhớ ơn Bác Hồ, nhớ ơn những Anh hùng liệt sĩ, những thế hệ lãnh đạo cuộc kháng chiến. Không có Đảng, không có Bác, không có những chiến sĩ, sẽ không có chúng ta ngày hôm nay".

Lê Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/mua-thu-doc-lap-long-dan-huong-ve-nguoi-post1118242.vov