Mùa thu nhớ mãi lời Người
Dưới trời thu Ba Đình dịu dàng nắng và thanh bình quá đỗi, những người con xứ Thanh là cán bộ, đảng viên, công dân tiêu biểu trong thực hiện Di chúc và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tề tựu bên Người, nhẹ chân bước và trái tim thổn thức, nghe bình yên từ giấc ngủ của Người. Với niềm xúc động và tự hào, chúng con xin dâng lên Người những hoa trái thành quả của mấy mươi năm gieo hạt phát triển và cùng quyết tâm 'xin nguyện cùng Người vươn tới mãi', cho hiện tại và cho cả tương lai!
Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Dung
Hà Nội sáng chớm thu. Ba Đình lặng gió và nắng xao động trên hàng tre đương độ thanh xuân, biêng biếc và dẻo dai. Nắng từng sợi, từng sợi đan cài nên tấm lưới khổng lồ, phủ lấy không gian một màu vàng nhẹ, ngọt ngào và mơn man như sắc thu phố cổ, như màu thu kinh kỳ mỗi độ xao xác heo may. Hà Nội đẹp nhất khi vào thu, mùa thu kỳ diệu, từng gắn liền với biết mấy chặng lịch sử hào hùng và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mùa thu độc lập đầu tiên 1945, vẻ đẹp thu quyện trong sắc cờ đỏ của đoàn quân chiến thắng và Ba Đình vọng mãi hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng, sâu thẳm nhân văn. Mùa thu 1954, Người trở về Hà Nội, khi trận Điện Biên “chấn động địa cầu” đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân. Cũng trong tiết trời mùa thu cách đây 50 năm - mùa thu 1969 “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, cả dân tộc và bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp năm châu tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thế giới người hiền”.
Người ra đi giữa mùa thu Hà Nội, ngày 2-9-1969, trong giờ phút thiêng liêng tiễn biệt Người, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tuyên đọc năm lời thề bày tỏ quyết tâm đoàn kết một lòng nguyện thực hiện lời Người căn dặn trong Di chúc. 50 năm qua, mỗi chặng đường của dân tộc luôn gắn liền với tư tưởng và cuộc đời cách mạng của Người. Lý tưởng cùng muôn vàn tình thân yêu Người để lại mãi soi đường chỉ lối cho Đảng, cho nhân dân Việt Nam.
Hôm nay, dưới trời thu Ba Đình dịu dàng nắng và thanh bình quá đỗi, những người con xứ Thanh là cán bộ, đảng viên, công dân tiêu biểu trong thực hiện Di chúc và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tề tựu bên Người, nhẹ chân bước và trái tim thổn thức, nghe bình yên từ giấc ngủ của Người. Với niềm xúc động và tự hào, chúng con xin dâng lên Người những hoa trái thành quả của mấy mươi năm gieo hạt phát triển và cùng quyết tâm “xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”, cho hiện tại và cho cả tương lai!
50 năm có thể chỉ là một nốt chấm trên cái không - thời gian đằng đẵng của lịch sử. Nhưng có đôi khi, một nốt chấm hạ xuống vệt thời gian vô tận, lại mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Suốt nửa thế kỷ, mảnh đất xứ Thanh đã cùng đất nước đứng dậy sau chiến tranh, cùng bay lên “xé gió thời gian”, bước qua vô số thăng trầm, để chuyển vị thế cho dân tộc và cho xứ sở này. Với Thanh Hóa, mỗi lời Bác dặn được chắt từ trái tim nóng hổi yêu thương và trách nhiệm, đều là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, rằng “Tỉnh Thanh Hóa dân đông, đất rộng, rừng vàng, biển bạc, có điều kiện trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu”. Hơn 70 năm thực hiện lời dạy của Bác khi lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, xứ Thanh đã và đang ra sức phấn đấu cho mục tiêu “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, mong đáp lại sự tin tưởng và tình cảm sâu nặng Bác dành cho vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
50 năm thực hiện Di chúc và nhất là trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thanh Hóa đã có được vị thế nhất định, trên thang bậc phát triển. Trong đó, nền kinh tế từ những bước chậm chạp, đang nhanh tốc độ và dần trở thành con tuấn mã phi nước đại trên đường đua tăng trưởng, với chỉ số GRDP đạt 15,16% và đứng thứ 3 cả nước trong năm 2018. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2019 là 22,18%, cao nhất cả nước.
Đặc biệt, Thanh Hóa đã tạo dựng nên trục phát triển “tứ sơn” vững chãi, đầy tiềm lực và năng động. Trong đó, Sầm Sơn đang là đầu tàu của ngành “công nghiệp không khói” du lịch; Lam Sơn đang hướng đến nền nông nghiệp xanh bền vững; Bỉm Sơn luôn là cửa ngõ phát triển, nối Thanh Hóa với cả khu vực Bắc bộ rộng lớn và Nghi Sơn rồi đây sẽ trở thành “người khổng lồ” công nghiệp của khu vực Nam Thanh – Bắc Nghệ nói riêng, cả nước nói chung. Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - “công trình thế kỷ” lớn đầu tiên và là “trái tim” của cả Nghi Sơn. Công trình của tình hữu nghị này, ví như một minh chứng về điều mà thế giới đang cần cho hòa bình và phát triển. Đó là tinh thần hữu hảo, hợp tác, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Để có được thành quả ấy, Thanh Hóa đã phải làm một cuộc “dời non lấp biển”, song song với “cuộc vận động lòng dân” hiệu quả.
“Thanh Hóa là một tỉnh “có vị trí địa - chính trị quan trọng của đất nước và là một cái nôi của văn hóa Việt Nam, có truyền thống cách mạng kiên cường, cũng là nơi sản sinh cho dân tộc nhiều anh hùng, danh nhân kiệt xuất”. Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong buổi gặp mặt thân mật với Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa, nhân chuyến báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, những thành tựu phát triển đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc chính là điểm tựa để Thanh Hóa “phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước”. Đó là sự gửi gắm và tin tưởng của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dành cho Thanh Hóa. Đồng thời, cũng là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực hướng đến.
Một dân tộc muốn phát triển, phải có ý chí phát triển. Và trách nhiệm của thế hệ hôm nay được lịch sử giao phó là biết chấp nhận gian khổ, sẵn sàng đối diện với cuộc chiến mới, đầy cam go và khắc nghiệt: Mặt trận phát triển kinh tế. Bởi, chỉ có phát triển kinh tế mới tạo nền tảng bền vững cho tương lai cường thịnh lâu dài. Để làm được điều đó, không ai có quyền được đứng ngoài cuộc. Cả hệ thống chính trị đều phải chuyển động và tạo điều kiện cho tư duy sáng tạo nảy nở, cho cơ hội thăng tiến đồng đều, cho hiền tài xuất hiện, cho đạo đức và văn hóa được bảo vệ, phát huy. Trong quá khứ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên điều kỳ diệu; thì với hiện tại, đoàn kết cũng sẽ mở ra cơ hội cho sự cường thịnh. Khi cả ý chí và mục tiêu đều thống nhất, thì khi ấy mỗi người sẽ nhận thức được rằng, hòa bình cho đất nước, chủ quyền cho quốc gia và cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân phải được bảo vệ bằng chính sức mạnh của dân tộc và trong mỗi người dân của dân tộc ấy.
Với xứ Thanh, vận hội và thời cơ mới đã đến. Đương nhiên, cơ hội cho một sự chuyển hóa mới sẽ đầy thách thức. Thành công sẽ chỉ đến khi mỗi người xứ Thanh phải luôn biết khát vọng, nỗ lực, đồng sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc/mua-thu-nho-mai-loi-nguoi/106970.htm