Không biết cái tên Rú Chá được bắt đầu từ khi nào, nhưng theo người dân địa phương ở đây giải thích một cách đơn giản thì đó là một khu rừng (còn gọi là rú) trồng toàn cây chá.
Từ trung tâm thành phố Huế theo QL49 đi về hướng biển Thuận An tầm 9 km sẽ có bảng chỉ dẫn: đi thẳng là về biển Thuận An, rẽ trái là qua cầu Tam Giang. các cầu Tam Giang khoảng 4 km.
Trước đây, muốn vào Rú Chá phải để xe ở ngoài bìa, rồi đi bộ, có khi phải lội nước, đi đò, đường đất thì nhão nhoẹt, có khi chân tay lấm bùn như đi cày ruộng vậy. Nhưng mấy năm trở lại đây, đường vào Rú Chá đã được đổ bê tông, rất thuận tiện.
Cây chá ở hai bên đan xen, quyện vào nhau tạo thành con đường thơ mộng. Màu vàng của hoa, của lá báo hiệu mùa thu đang hiện diện trên đất Huế.
Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm, nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - đầm nước lợ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Khác với các nhà nghiên cứu đi tìm hiểu về rừng ngập mặn nguyên sinh được bảo tồn duy nhất còn lại ở Huế, thì phần lớn du khách đến đây để "săn" cho mình những bức ảnh mùa thu đẹp nhất trong năm.
Tìm về Rú Chá ngắm mây trời sông nước để thư giãn. Nhìn từ góc nào, Rú Chá cũng đẹp.
Nơi đây có hoa, có cây, có non nước...
Năm 2021, giải cao nhất của hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021 đã gọi tên tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung chụp vào mùa đông tại Rú Chá.
Trong khung cảnh rừng chá rụng lá, trơ trọi màu trắng của thân cây, hình ảnh người đánh cá làm trung tâm với độ sáng hài hòa tạo bố cục thật tinh tế.
Lạc vào chốn thiên nhiên hoang sơ.
Không chỉ mùa thu mà đến Rú Chá mỗi mùa đều có những vẻ đẹp riêng với những màu sắc khác nhau, nhưng lúc nào cũng yên bình, đẹp như thơ.
Minh Hải - Tuấn Anh