Mùa thu thay áo mới
Cách đây 78 năm, ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Văng vẳng đâu đây là lời nói điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng của Bác, từng câu, từng tiếng đi vào lòng người. “Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi: - Tôi nói, đồng bào nghe rõ không? Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm: Co.o.ó! Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một” (Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2007).
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...
(Sáng tháng Năm, Tố Hữu).
Tiếng ngày xưa ấy, đến nay vẫn còn vọng vang. Bởi mùa thu năm 1945 là mùa thu đẹp nhất. Sau những tháng năm đau thương dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến dân tình lầm than, chết đói nhiều vô kể. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Mặt trận Việt Minh, Nhân dân đã đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân phong kiến. Và ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Cũng từ ngày đó, hằng năm, đồng bào các dân tộc trong cả nước đều hân hoan đón ngày Tết Độc lập, tết đoàn viên. Đặc biệt với đồng bào Mông, đây là cái tết quan trọng để tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ơn Chính phủ đã đem lại cuộc sống mới. Ông Lâu Văn Đua, Bí thư kiêm Trưởng bản Pha Đén, xã Pù Nhi (Mường Lát) nói với chúng tôi: Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ 29-8 đến ngày 2-9 nhưng đông vui nhất là ngày 1-9. Để vui hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn; gái thì rực rỡ áo váy, xúng xính xuống thị trấn vui chơi, thổi khèn, múa hát với nhau.
Từ mùa thu ấy, lịch sử dân tộc đã sang trang mới. Dù nhiều năm dài sau đó, Nhân dân ta còn phải tiếp tục đấu tranh với ngoại xâm để gìn giữ độc lập, nhưng mùa thu 1945 đã là mùa thu lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau đó, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường năm 1945. “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
Mùa thu đẹp hơn khi các em học sinh nô nức tựu trường, khai giảng. Nếu các em nhỏ, lần đầu tiên khoác lên người bộ quần áo đồng phục, được bố mẹ dắt tay đến trường, đôi mắt to tròn, háo hức nhìn trường mới, thầy cô mới và bạn mới; thì những học sinh bước vào năm cuối cấp bên cạnh niềm vui được gặp lại bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè là ánh mắt lo âu về những kỳ thi sắp tới để bước vào cánh cửa mới.
Năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục với gần 29.500 lớp, gần 900 nghìn học sinh các cấp. Bên cạnh những háo hức, nô nức của các em học sinh thì ngành giáo dục đang gặp khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và ở tất cả các cấp học. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên khối mầm non và tiểu học, đặc biệt ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung hơn 16.600 biên chế cho ngành giáo dục. Để khắc phục, các địa phương, cơ sở giáo dục ở Thanh Hóa đã chủ động rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học, xóa bỏ nhiều điểm trường lẻ; sắp xếp lại đội ngũ giáo viên phù hợp hơn.
Thực hiện lời dặn dò của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, những câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”... chính là động lực để các em xây ước mơ, dệt khát vọng để có một tương lai tươi sáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Sau 78 mùa thu, đất nước ta đã trải qua biết bao thử thách; Đảng, Chính phủ và Nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng để phát huy những thành quả cách mạng, từ đó dựng xây quê hương, đất nước phát triển.
Trước đây, mỗi khi nhắc về Thanh Hóa, nhiều người thường nghĩ đây là một địa phương có nền kinh tế còn khó khăn, người dân còn nhiều lam lũ, vất vả. Trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi, ưu thế cũng còn rất nhiều những khó khăn, thách thức. Thế nhưng, Thanh Hóa luôn khẳng định tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt khó, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành động lực.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,93%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước; quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 282.735 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020; đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.160 USD/người, gấp 1,42 lần năm 2020; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% kế hoạch cả giai đoạn (750 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) còn 4,99%, giảm 1,78% so với năm 2021.
Những con số thay lời muốn nói ấy là minh chứng cho những đổi thay vượt bậc để Thanh Hóa hướng đến hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, trở thành một cực tăng trưởng mới, một tỉnh “kiểu mẫu” trong thời đại mới.
“Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha!”. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành cách đây 68 năm nhưng hôm nay đọc lại ta vẫn thấy mùa thu thật đẹp. Mùa thu, mùa thay áo mới để chúng ta hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mua-thu-thay-ao-moi/28518.htm