Mưa to, dông lốc gây nhiều thiệt hại tại Kiên Giang

Trong 2 ngày 10-11/7/2022, do ảnh hưởng của vùng áp thấp ở Biển Đông, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân, ước tính tổng thiệt hại về vật chất ban đầu là hơn 1,5 tỷ đồng.

Người dân ấp Hòa An, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) dọn dẹp nhà ở bị đổ sập sau khi bị một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn 3 ấp, ngày 22/7/2021 (ảnh tư liệu).

Người dân ấp Hòa An, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) dọn dẹp nhà ở bị đổ sập sau khi bị một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn 3 ấp, ngày 22/7/2021 (ảnh tư liệu).

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, mưa to, dông lốc làm một người ở huyện An Minh bị thương; đổ sập 12 căn nhà, tốc mái 36 căn tại các huyện Gò Quao, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất và hai thành phố Phú Quốc, Rạch Giá.

Mưa to, dông lốc làm đổ ngã khoảng 30 ha lúa Hè Thu ở huyện U Minh Thượng, làm giảm năng suất, chất lượng lúa; sóng to, gió lớn đánh chìm một xuồng câu mực và hư hỏng một bè nuôi cá trên biển của ngư dân tại huyện Kiên Lương. Ngoài ra, dông lốc còn làm đổ sập giàn đèn chiếu sáng trên cầu Vĩnh Thuận ở huyện Vĩnh Thuận và gây đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn một số huyện, thành phố trong tỉnh.

Các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân dọn dẹp, sắp xếp lại nhà ở, bố trí nơi ở tạm, khắc phục hậu quả thiên tai. Các huyện đã tạm ứng ngân sách để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên hộ dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngành chức năng rà soát, thống kê mức độ thiệt hại của hộ dân, tiến hành các thủ tục trình UBND tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ven biển, đảo theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra trên biển. Các địa phương vận động người dân và tổ chức lực lượng xung kích hỗ trợ chằng chống nhà cửa, thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương thông báo cho chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo cung cấp cho cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân biết chủ động phòng tránh cũng như phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mua-to-dong-loc-gay-nhieu-thiet-hai-tai-kien-giang-20220711190530745.htm