Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024: Tiêu chí hỗ trợ tối đa cho thí sinh được chú trọng
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn hết năm 2024, là chu kỳ 10 năm, trong đó có nhiều điểm mới được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Trong đó, nổi bật là công tác tuyển sinh ngày càng thuận tiện, đánh giá được năng lực học tập của học sinh.
Tuyển sinh không chỉ cho đủ
Vừa qua, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 họp phiên đầu tiên. Về công tác tuyển sinh năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi. Hệ thống ổn định. Các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời. Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh. Đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.
Đặc biệt khi đưa vào hệ thống Hemis - cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, sự kết nối của cơ sở dữ liệu này đã giúp các trường đại học, các cơ quan quản lý tiếp cận dữ liệu nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn.
Nhấn mạnh việc tuyển sinh phải thực chất chứ không phải tuyển sinh cho đủ và điểm cao, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, năm nay là năm thứ ba Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành thực hiện “theo vết” sinh viên, theo dõi kết quả học tập ngay từ khi xét tuyển đầu vào cho đến đầu ra. Điều này giúp đánh giá được việc lựa chọn hình thức xét tuyển nào sẽ là phù hợp nhất. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường đại học báo cáo kết quả giữa lựa chọn phương thức xét tuyển và kết quả học tập của thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, năm nay, công tác tuyển sinh giảm áp lực hơn so với năm ngoái. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các thí sinh không cần lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần chọn ngành và trường mà mình mong muốn. Đây là bước tiến rất táo bạo, gây áp lực cho phần mềm xét tuyển, nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi vô cùng lớn cho thí sinh.
Nỗ lực xử lý sự cố, sai sót nếu có
Ở góc độ hiệu quả của việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, là đơn vị đặc thù, TS Nguyễn Văn Oanh - Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết, đặc điểm tuyển sinh quân sự là tuyển sinh chất lượng cao, vì đối tượng thí sinh tuyển sinh vào quân đội còn phải kèm theo rất nhiều điều kiện khác như về sức khỏe, phẩm chất chính trị nên số lượng thí sinh đủ điều kiện càng ngày càng bị thu hẹp.
Một trong những giải pháp đột phá được Bộ Quốc phòng thực hiện trong năm nay là công tác tuyên truyền hướng nghiệp và đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh. Nhờ đó, lượng thí sinh năm nay tăng 60% so với năm 2021, thể hiện sự hiệu quả trong công tác tuyển sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh ngày càng thuận tiện, đánh giá được năng lực học tập của học sinh. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào tuyển sinh đã giảm phiền hà cho thí sinh và cơ sở đào tạo; tạo công bằng, minh bạch với xã hội. Sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học đã góp phần tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh, có nhiều thay đổi tích cực.
“Năm nay là năm kết thúc giai đoạn 10 năm đổi mới, chúng ta cần nhìn lại, kế thừa những điều tốt đẹp, cải tiến những khó khăn, bất cập, để thực hiện ngày càng hiệu quả, thực chất hơn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu mỗi đơn vị cùng nhìn nhận rõ vấn đề, thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu. Đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.
“Chúng ta cũng cần suy nghĩ thấu đáo về cách thức, phương thức tuyển sinh hiện nay, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm, muốn có nhiều phương thức. Từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và đánh giá kết quả THPT, bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống”, Thứ trưởng yêu cầu.