Mùa vải sớm ở Tây Nguyên
Nhiều năm nay giống vải chín sớm đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều nông dân Đắk Lắk có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo. Hiện bà con nông dân nơi đây đang vào vụ thu hoạch trong niềm vui được mùa, được giá.
Hơn 10 năm trước, qua tham quan học hỏi mô mình trồng vải chín sớm, gia đình anh Lương Đình Hùng (ở xã Ea ô, huyện Ea Kar) đã quyết định chuyển đổi 2ha diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng vải. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, vườn vải của gia đình anh luôn đạt năng suất, cho trái to đều, mọng nước. Tới vụ, thương lái đến tận vườn để thu mua.
Mùa vải năm nay, gia đình anh Hùng dự kiến thu trên 30 tấn, với giá bán trung bình tại vườn từ 30.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí thu về gần một tỷ đồng.
Không chỉ riêng gia đình anh Hùng, từ việc chuyển đổi sang trồng vải nhiều nông hộ khác ở xã Ea Ô có thu nhập cao. Đặc biệt, để cây vải phát triển ổn định, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk định hướng người dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương kêu gọi doanh nghiệp cùng với nông dân, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã vùng trồng, truy suất nguồn gốc để tiến tới xuất khẩu.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 2.600ha vải, tập trung tại các huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Pắc, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 1.400 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 14 ngàn tấn. Với đặc trưng chín sớm hơn vải miền Bắc từ 1 - 1,5 tháng nên quả vải Đắk Lắk luôn được thu mua với giá cao mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Djuang Niê – Đức Hưng
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/mua-vai-som-o-tay-nguyen