Mùa 'vàng' du lịch nội địa, tại sao không?
Với đại dịch Covid-19, trên thế giới và ở Việt Nam 2 ngành du lịch và hàng không đứng đầu bảng về thất thu, thua lỗ. Điều này thật dễ hiểu, bởi đó là hậu quả của 'cách ly xã hội', theo cách nói của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte: 'Mọi con đường dẫn đến thành Rôm đều đóng chặt'.
Đoàn kết khi hoạn nạn, trên dưới đồng lòng đồng sức, biện pháp phòng chống dịch quyết liệt ngay từ đầu, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 25/5, Việt Nam có 267/325 ca được điều trị khỏi, không có ai tử vong bởi virus SARS - CoV - 2, 37 ngày liên tục không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Chiều 23/5, sân vận động Thiên Trường - Nam Định, hơn 10.000 khán giả ngây ngất niềm vui vào sân cổ vũ đội nhà thi đấu với đội bóng phố núi như một ngày hội bóng đá, với thông điệp: “Cộng đồng an toàn, bóng đá trở lại”, cả thế giới bái phục ngưỡng mộ. Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Ngành du lịch, trong đó có du lịch Bình Thuận đang triển khai nhiều chương trình quảng bá, kích cầu, thực hiện “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Tại Tp. Cần Thơ, ngành du lịch tổ chức quảng bá các tour, tuyến du lịch siêu rẻ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 23/5, Tp. Đà Nẵng công bố chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You 2020”, với sự tham gia của 150 doanh nghiệp trên địa bàn, được coi là chương trình kích cầu du lịch “khủng” nhất từ trước đến nay, với mức tiền chưa tới 2,5 triệu đồng, du khách có thể lựa chọn gói dịch vụ 3 ngày 2 đêm nghỉ ở khách sạn 5 sao, bao gồm vé máy bay khứ hồi. Ngày 24/5, với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Ninh “khai hội” du lịch nội địa, khánh thành con đường ven biển đẹp nhất. Thông điệp mà Thủ tướng khẳng định: “Biển xanh, công nghiệp xanh thật tuyệt vời. Đây là thời điểm dồn toàn lực bứt phá du lịch nội địa, giảm giá nhưng an toàn, không giảm chất lượng phục vụ”.
Bình Thuận đã, đang là điểm đến an toàn cho du khách. Trong 4 ngày nghỉ lễ đầu tháng 5, hơn 35.000 lượt khách đã đến Bình Thuận. 2 kịch bản - 2 phương án cho du lịch Bình Thuận hậu Covid-19 được công bố. Phương án 1, tình hình kinh tế rất khó khăn, Covid-19 chưa thuyên giảm ở các quốc gia, người dân cắt giảm chi tiêu, trong đó có du lịch. Phương án 2, kinh tế thuận lợi hơn, cánh cửa du lịch quốc tế có thể được nới lỏng từ quý IV, tổng lượng du khách năm 2020 đến Bình Thuận đạt khoảng 2,9 triệu lượt, giảm cả số lượng du khách và doanh thu hơn 50% so năm 2019. Du lịch Bình Thuận hậu Covid-19 tích cực chuẩn bị cho phương án 2, vượt lên khó khăn, chớp thời cơ giành kết quả cao hơn.
Chủ tịch công ty lữ hành Lửa Việt ở Tp. Hồ Chí Minh đang quảng bá chương trình tour FAMTRIP 2020 Sài Gòn - Phan Thiết 3 ngày 2 đêm, khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh đi Phan Thiết qua cao nguyên Bảo Lộc. Từ Bảo Lộc theo quốc lộ 55 vào thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, lên chùa Quan Âm - Thiên Mai độ cao 864 m, hồ Hàm Thuận đẹp như tranh vẽ, khí hậu ôn hòa. Sau trải nghiệm du thuyền trên hồ, du khách tới Hàm Thuận Nam, phóng canô ra đảo Kê Gà, tham quan ngọn Hải Đăng, cao và xưa nhất xứ Đông Dương. Thủy triều rút, du khách lội bộ trở lại đất liền về Tp. Phan Thiết dự chiêu đãi Fisherman Show “Huyền thoại làng chài” kỳ thú. Ngày cuối, đón bình minh biển bạc và tham quan Bảo tàng nước mắm, tái hiện 300 năm “Đệ nhất nước mắm” xứ Đàng Trong.
Thủ tướng chỉ đạo bên bờ biển Quảng Ninh ngày 24/5: “Khó khăn, càng cần giải pháp đột phá đặc biệt”. Kích cầu là giảm giá nhưng phải chất lượng, sản phẩm độc đáo mới lạ, tour tuyến có tính đặc thù để thu hút khách, đặc biệt là khách nhỏ lẻ, hộ gia đình - xu thế du lịch hậu Covid-19. Thời cơ “vàng”, đã đến lúc rất cần một nhạc trưởng để du lịch Bình Thuận kết nối hiệu quả với du lịch Tp. Hồ Chí Minh, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Đi nhiều mới thấy, cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam đẹp mê hồn. Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đang rất cần quảng bá, kết nối du lịch giữa các địa phương để cùng nói “không” với sự rời rạc, manh mún trong hoạt động du lịch.
Khó khăn một phải cố gắng hai, ba. Biến thách thức thành cơ hội, du lịch nội địa vượt lên chính mình, khi toàn dân, cả xã hội tham gia làm du lịch như đã tham gia phòng chống đại dịch Covid-19. Chỉ có như vậy thì du lịch hậu Covid-19 mới bội thu, du lịch nội địa mới bứt phá.
Mùa “vàng” cho du lịch nội địa hậu Covid-19, tại sao không?