Mùa vàng trên những cánh đồng hoang

Đô thị hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến các huyện ngoại thành, trong đó có Thường Tín. Sản xuất nông nghiệp đối diện rủi ro bởi thời tiết, tưới tiêu, giá trị nông sản không cao... khiến nhiều nông dân nơi đây bỏ ruộng. Quyết không để phí 'bờ xôi, ruộng mật', cùng với hỗ trợ về giống, công nghệ, huyện Thường Tín đã khuyến khích các hộ mượn, thuê ruộng để tạo quy mô sản xuất lớn, để rồi mùa vàng lại về trên những thửa ruộng tưởng như đã rơi vào cảnh hoang hóa.

Mô hình VAC của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú.

Mô hình VAC của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú.

Không để phí “bờ xôi, ruộng mật”

Theo chân cán bộ xã Thư Phú đến thăm mô hình VAC của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú, mới thấy hết sự đổi thay ở nơi đây. Hơn 11,7ha nuôi trồng thủy sản xen kẽ trồng cây ăn quả đã biến cánh đồng vốn hoang hóa của Thư Phú thành những ao nuôi cá, trồng cây cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú Nguyễn Đình Thắng chia sẻ: “Ban đầu, HTX chỉ có 5ha do các thành viên cùng nhau góp đất để sản xuất. Sau đó, thấy nhiều ruộng bên cạnh bỏ hoang, chúng tôi bàn nhau thuê 2ha của các hộ lân cận, còn lại hơn 4ha được HTX thầu quỹ đất II của UBND xã. Hiện nay, doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động là thành viên HTX với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng”.

Không riêng Thư Phú, phong trào mượn, thuê ruộng còn lan đến nhiều xã khác trong huyện. Tới Duyên Thái, chúng tôi được thăm cánh đồng lúa trải dài của HTX Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái. Vốn là xã có nghề sơn mài nổi tiếng, cho thu nhập gấp vài chục lần so với trồng lúa nên nhiều năm trước ruộng đồng ở Duyên Thái để cỏ mọc, trơ đất bạc màu. Dù nghề truyền thống cho thu nhập ổn định song không nỡ bỏ hoang những mảnh ruộng từng nuôi sống cả thôn, làng nhiều năm về trước, nhiều thành viên HTX bàn nhau mượn ruộng, thuê ruộng của những hộ không sản xuất để trồng lúa.

Theo Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái Nguyễn Quang Y, từ vụ xuân năm 2024, HTX triển khai mô hình mượn, thuê ruộng của dân để sản xuất, tổng diện tích 30 mẫu. Trong đó, với phần đất trũng, HTX cấy 1 vụ lúa bằng hình thức gieo sạ kết hợp 1 vụ cá; phần diện tích đất cao hơn được HTX cấy 2 vụ lúa, đưa máy móc vào sản xuất. “Thấy mô hình hiệu quả, lại tiết kiệm chi phí nhờ máy móc hỗ trợ nên nhiều hộ nông dân phấn khởi, chủ động góp ruộng. Từ đó, màu vàng lúa chín dần phủ kín cánh đồng Duyên Thái. Hy vọng từ mô hình này, người dân gắn bó hơn với đồng ruộng” - ông Y chia sẻ.

Đó mới chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình mượn ruộng, thuê ruộng của huyện Thường Tín. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh phấn khởi cho hay: “Còn nhiều mô hình lắm. Như HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Thanh Hà) thuê đất của 17 hộ với diện tích 1,15ha. Năm 2024, diện tích tăng lên 2,1ha để tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP với doanh thu 6 tỷ đồng/năm. HTX ưu tiên sử dụng lao động là những hộ dân cho thuê đất với mức thu nhập ổn định 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hay như mô hình mượn ruộng để cấy lúa của hộ ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Triều Đông, xã Tân Minh. Với diện tích mượn trên 40ha, gia đình ông Quyết đã cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất đến thu hoạch theo chuỗi liên kết và gieo sạ, chăm sóc lúa bằng thiết bị bay không người lái. Còn nhiều mô hình tiêu biểu khác như hộ ông Phạm Văn Phú, xã Văn Bình, với diện tích 11,88ha; hộ ông Nguyễn Văn Đồng ở xã Nguyễn Trãi có diện tích 6ha; HTX Tô Hiệu với diện tích 16,2ha...

Để quê hương thêm trù phú

Những năm gần đây, mô hình mượn ruộng, thuê ruộng đã lan tỏa mạnh, tạo phong trào thi đua sản xuất ở Thường Tín. Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ: Có những hộ gia đình trong xã có xưởng sản xuất tranh sơn mài, doanh thu đạt vài tỷ/tháng nhưng họ vẫn góp đất cùng HTX để duy trì sản xuất lúa. Đối với họ, cây lúa lúc này như kết tinh của tình đất, nghĩa quê hương.

Đánh giá về mô hình mượn ruộng, thuê ruộng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay: Trước tình trạng ruộng bỏ hoang, nhiều năm trước huyện đã yêu cầu các xã thống kê diện tích đất bỏ hoang và vận động người dân gieo trồng những loại cây phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng bỏ ruộng vẫn tái diễn. Khoảng 3 - 4 năm gần đây, việc xuất hiện nhiều nông dân mạnh dạn thuê đất, xây dựng thành công các mô hình sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao đã “thức tỉnh” nông dân quay lại với ruộng đồng...

Nhằm nhân rộng mô hình, huyện Thường Tín yêu cầu các xã khuyến khích tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất mạnh dạn đầu tư. Những mô hình này được cơ quan chức năng, UBND các xã định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, vận động các nông hộ góp đất, cho thuê đất, cho mượn đất nông nghiệp cùng HTX, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo hướng mới... Đến nay, hàng trăm hecta ruộng không sản xuất được tổ chức, cá nhân thuê, mượn để sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm diện tích đất bỏ hoang, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể điển hình và mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tới đây, huyện Thường Tín tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đối với diện tích có điều kiện canh tác thuận lợi nhưng không gọn vùng, huyện sẽ vận động nhân dân dồn đổi, quy gọn thành vùng tập trung; mời doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá thể thuê ruộng để sản xuất nông sản hàng hóa hoặc vận động các tổ chức hội, đoàn thể của xã, thôn thuê lại và tổ chức sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác rau màu (lạc, cà chua, bí xanh, ớt, cây dược liệu...) hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Huyện cũng tiếp tục ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa hằng năm để cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu canh tác theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với diện tích xen kẹt trong khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học..., nếu không đủ điều kiện sản xuất, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bị phá vỡ mà vẫn thuộc quy hoạch đất lúa, huyện cùng địa phương khảo sát, thống kê, lập phương án tối ưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cũng chia sẻ, về phía các đơn vị, cá nhân, HTX có nhu cầu thuê, mượn ruộng để sản xuất, chính quyền địa phương sẽ trực tiếp vận động, đàm phán việc thuê đất ruộng của nông hộ không sản xuất; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp...

Phong trào mượn ruộng, thuê ruộng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiếp tục làm nên những “mùa vàng” trải dài trên đồng ruộng Thường Tín. Và, điều quan trọng hơn là bà con nông dân nơi đây đã ý thức được rằng, để bức tranh quê thêm trù phú thì không thể thiếu những mùa lúa chín...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mua-vang-tren-nhung-canh-dong-hoang-672103.html