Mùa vầu xứ Tuyên
Tỉnh ta có diện tích tự nhiên rộng trên 5.800 km2, trong đó ba phần tư là đồi núi. Đi đâu xuống các huyện cũng thấy những cánh rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất bạt ngàn. Bởi thế, Tuyên Quang nằm trong top có diện tích che phủ rừng lớn nhất cả nước, chiếm trên 64%. Với những điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu như vậy, Tuyên Quang cũng được mệnh danh là xứ sở của cây vầu. Từ xa xưa đến nay, cây vầu xứ Tuyên đã trở nên quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống người dân.
Xứ sở của cây vầu
Vầu xếp vào loại cây lâm nghiệp ngoài gỗ. Ở tự nhiên, vầu sinh trưởng tốt trong rừng có cây gỗ ở tầng trên, sườn âm, chân đồi hoặc theo các khe núi, chịu bóng, ưa ẩm. Những nơi rừng thưa, nhiều ánh sáng vầu sinh trưởng kém. Tùy trạng thái rừng hỗn giao hay thuần loại mà mật độ vầu trên 1 ha biến động từ 1.300 đến 6.000 cây. Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ diện tích cây vầu ở Tuyên Quang, nhưng cây vầu phân bổ rộng khắp ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Ngày nay, ngoài khai thác ngoài tự nhiên, cây vầu còn được người dân trồng trong vườn đồi nhà. Tạo được vườn vầu đúng quy cách bà con sẽ có được nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nông Văn Chuyên, dân tộc Tày, thôn Tân Hòa, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) có hơn 1 ha vầu cho biết, vào đầu vụ, những mầm măng vầu mới nhú có vị ngọt xen lẫn vị nhặng nhặng đắng, thế nhưng hễ có tiếng sấm hay bắt đầu từ tháng 2 âm lịch là măng lại chuyển sang vị đắng. Cây vầu thẳng và vươn cao, có cây cao tới gần 20 m, đường kính thân từ 10 - 12 cm, vách thân dày tới 1 cm. Vì vậy, bên cạnh việc chính là lấy măng, vầu còn được dùng làm vật liệu trong xây dựng, làm đũa, vót tăm, chế biến các đồ gia dụng và làm nguyên liệu để sản xuất giấy.
Cây vầu có 2 loại thân, phần ta nhìn được là thân khí sinh. Còn phần ngầm mọc từ gốc thân khí sinh ra đâm ngang dưới đất gọi là thân ngầm. Thân ngầm sinh trưởng mạnh vào mùa hè, lúc đó thường có mưa. Trên thân ngầm sẽ mọc lên những chồi măng, nó đội đất và vươn lên thành những cây vầu mới. Thân ngầm lan tới đâu là măng vầu mọc lên tới đó. Cây vầu chủ yếu phân bố ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó Tuyên Quang là tỉnh có nhiều vầu.
Sơn Phú xã vùng cao của huyện Na Hang đã tiến hành phân 3 loại rừng, giao đất giao rừng đến từng hộ dân. Đây là điều kiện cho nhân dân trong xã phát triển vùng chuyên canh cây vầu. Ông Ma Ngọc Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, hiện toàn xã có 50 ha cây họ tre, trong đó diện tích vầu là chủ yếu. Giờ trồng 1 ha vầu cho thu nhập tiền bán măng khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tiền bán cây tỉa thưa làm nguyên liệu giấy cũng cho thu nhập không nhỏ. Cây vầu dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu hoạch nhanh, năm nào cũng ra măng đều, không mất mùa là một trong những ưu điểm nổi trội.
Hiện nay, vầu được người dân xã Sơn Phú trồng chủ yếu bằng hom lấy từ thân ngầm và thân khí sinh. Mỗi ha người ta trồng độ 400 gốc, cự ly 5 x 5 m. Khi cây lên rồi, nó sẽ tự lan rộng ra. Sau khi trồng cũng cần định kỳ phát dọn với các cây bụi và các loại dây leo, vun xới đất quanh gốc, bón phân. Vầu xếp vào loại cây lâm nghiệp nhanh cho thu hoạch. Chỉ 3 - 4 tuổi là vầu đã khai thác được, tới 5 tuổi là cây đã già. Khi khai thác, chặt cây 4 tuổi tỉa thưa và để mật độ còn lại ổn định khoảng 5.000 - 6.000 cây/ha.
Tôi đeo gùi theo chị Nông Thị Sen, thôn An Phú, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cầm thuổng lên vườn đồi đào măng. Cánh rừng vầu nhà chị hơn 1 ha đang độ thu hoạch khá đẹp. Chị Sen nói, tìm măng vầu phải có kinh nghiệm. Nhìn những chỗ đất, rác, nhiều lá, cây nhú lên, lấy thuổng đào, lúc đó cây măng vừa tầm ăn ngon. Còn những măng đã vươn cao khỏi mặt đất, gọi là măng gày, già ăn kém ngon. Hàng năm khai thác măng, các gia chủ phải chọn để lại một số mầm măng đẹp cho phát triển thành cây. Mỗi củ măng giống, chủ rừng thường cắm que để đánh dấu, tránh lấy nhầm. Vụ vầu khai thác từ đầu tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đến vụ măng chính, ngày nào người dân cũng có thể đi tìm măng. Có nhà thu hoạch ít được khoảng 1 tạ, nhà nhiều vài tạ măng tươi mỗi ngày. Với giá lúc cao điểm đợt Tết lên đến 20 - 30 nghìn đồng/kg, ngày thường 8 - 9 nghìn đồng/kg cũng cho một khoản thu nhập khá.
Đặc sản quê hương
Bắt đầu từ trước và sau Tết hàng năm là mùa khai thác măng vầu chính vụ. Ở chợ quê, chợ huyện hay chợ Tam Cờ lớn nhất tỉnh đâu đâu cũng thấy người ta bày bán măng vầu. Bà Đinh Thị Nhung, một lái buôn ở phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đang đóng một xe tải măng vầu hơn 5 tấn chở về Hà Nội tiêu thụ. Bà Nhung chia sẻ, vài ngày bà đi một chuyến, hàng bán khá dễ do lượng khách mua nhiều. Giá lấy buôn hiện giờ khoảng 6 - 7 nghìn đồng/kg, bán ra khoảng 9 - 10 nghìn đồng/kg. Lượng hàng buôn nhiều nên thu nhập cũng khá, người trồng và người buôn cũng phấn khởi.
So với các loại cây họ nhà tre, măng vầu ăn rất lành. Người ta có thể chế biến nhiều món ngon từ củ măng vầu. Tại thôn Văn Nham, xã Hùng Đức, Hàm Yên, nơi đây chủ yếu là đồng bào Dao Quần trắng sinh sống. Đối với người Văn Nham trong bữa ăn hàng ngày hay có khách quý không thể thiếu món măng vầu nướng. Họ lên nương đào vầu về nướng chín trên bếp củi. Sau khi gọt vỏ sạch sẽ, củ vầu được thái mỏng, trộn với gia vị gừng, muối, mì chính, nước mắm, chanh. Quả thật thưởng thức món vầu nướng của người Dao Quần trắng Văn Nham, không ai có thể quên được hương vị của nó. Vị vầu ngọt xen đắng, ăn giòn, vừa mát, vừa thơm ngầy ngậy.
Đối với đồng bào Tày trên địa bàn tỉnh, vầu là món ăn ưa thích của họ. Người Tày thường thích ăn vầu luộc chấm nước mẻ. Ngoài ra họ còn hay làm món thịt cuốn măng vầu, đồ trên chõ, ăn rất thơm ngon. Người Mông thì khoái khẩu với món măng vầu nấu canh xương. Vào mùa lạnh, trong cơ cấu bữa ăn người Mông có bát canh măng vầu nóng coi như nhất. Còn người Cao Lan cũng dùng nhiều món từ măng vầu. Họ thái củ măng ra ngâm cho chua rồi đem nấu với canh cá. Một số lá gia vị thơm được bỏ thêm vào, hương vị nồi canh chua thật tuyệt. Món măng vầu còn được một số dân tộc chế biến món vầu om vịt, vầu nộm bò, nộm tỏi ớt…
Măng vầu là món ăn dân giã, dễ kiếm, rẻ tiền, chế biến đơn giản. Ngày xưa món măng vầu chủ yếu ở vùng nông thôn nay lan mạnh ở thành phố. Tại các khách sạn, nhà hàng, đám cưới nhiều gia chủ chọn thực đơn món măng vầu. Ông Nguyễn Văn Hùng, du khách Hà Nội đang ở homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông (Lâm Bình) không ngớt lời khen ngợi các món chế biến từ củ vầu nơi đây. Ông Hùng bày tỏ, lên Tuyên Quang thời điểm này, món khoái khẩu nhất đối với ông chính là măng vầu. Măng vầu trồng trên đất Tuyên Quang mà lại được do các đầu bếp bản địa chế biến thì không còn gì bằng. Món ăn giản dị nhưng đi vào lòng người, trở thành đặc sản của quê hương. Giờ măng vầu được nhiều du khách chọn mua về làm quà, như sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh miền núi.
Măng vầu thu hoạch bán dễ vì sức mua đại trà. Nếu gia đình nào có sản lượng lớn, không bán kịp họ có thể bổ ra phơi, sấy làm măng khô. Hàng năm rừng vầu cần tỉa thưa bán làm nguyên liệu giấy, sản lượng không nhỏ. Với những ưu điểm và giá trị trông thấy, mấy năm gần đây phong trào trồng vầu phát triển mạnh ở các huyện, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu hiệu quả, phù hợp với địa phương. Cây vầu thực sự tạo ra môi trường sinh thái và nét văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Tuyên.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/mua-vau-xu-tuyen-129718.html