'Mùa' viêm não Nhật Bản, bác sĩ chỉ dấu hiệu bệnh các mẹ hay nhầm lẫn

Hiện đang là mùa dịch viêm não Nhật Bản phát triển mạnh, TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa phần các ca viêm não nhập viện đều trong tình trạng nặng, nhiều trẻ bị biến chứng mất ý thức hoàn toàn.

Nhiều phụ huynh nhầm lẫn biểu hiện ban đầu của bệnh khiến trẻ ngày càng nặng hơn. Ảnh: BV cung cấp

Nhiều phụ huynh nhầm lẫn biểu hiện ban đầu của bệnh khiến trẻ ngày càng nặng hơn. Ảnh: BV cung cấp

Nguyên nhân viêm não Nhật Bản chủ yếu là do một loài vi rút thuộc nhóm flavivirus gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật. Vi rút gây bệnh được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm vi rút sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh.

Ở nước ta, loài muỗi truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Ban ngày, chúng thường nấp trong các bụi cây ngoài vườn quanh nhà, đêm bay vào nhà đốt người, thường vào thời điểm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn từ 18h đến 22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, kênh mương gần nơi sinh sống.

Bệnh viêm não Nhật Bản không có khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Trong sinh hoạt hàng ngày, ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người thân mắc bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.

Theo BS Hải, để có thể đưa trẻ đến viện kịp thời thì phụ huynh cần phải biết được những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sớm khi trẻ bị viêm não Nhật Bản. “Thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Tuy nhiên, đa phần các phụ huynh đều đưa trẻ đến viện muộn, khi đã có những triệu chứng điển hình”, BS Hải cho hay.

Từ những phân tích trên, BS Hải khuyến cáo khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu thì hãy nghĩ ngay đến viêm não Nhật Bản và đưa trẻ đến khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị điều trị. Ảnh minh họa: Internet

Từ những phân tích trên, BS Hải khuyến cáo khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu thì hãy nghĩ ngay đến viêm não Nhật Bản và đưa trẻ đến khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị điều trị. Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, khi trong 1 đến 2 ngày đầu mắc viêm não Nhật Bản thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất.

“Khi trẻ bị sốt các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu bị sốt virus trẻ sau khi uống thuốc hạ được sốt thì theo bản năng trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường. Nhưng nếu bị sốt do mắc viêm não Nhật Bản khi hạ sốt trẻ vẫn li bì, đau đầu và ngủ nhiều, đây chính là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.

Còn đối với việc trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho nên nôn. Vì thế nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho với hy vọng giảm cơn nôn của trẻ.

Nhưng thực tế không phải vậy, nôn khan không liên quan gì đến rối loạn tiêu hóa hat ăn uống. Thực tế khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não nhật bản.

Việc các bà mẹ không nhận ra điều đó, đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện thì lúc đó đã quá muộn”, BS Hải chia sẻ.

Từ những phân tích trên, BS Hải khuyến cáo khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu thì hãy nghĩ ngay đến viêm não Nhật Bản và đưa trẻ đến khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị điều trị.

Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não đó là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp. “Thực tế, khoa đang có những trẻ bị biến chứng rất nặng, mất ý thức hoàn toàn. Hoặc có trẻ ý thức vẫn nhận biết được nhưng lại không thể vận động được”, BS Hải cảnh báo.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng

Nên cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).

Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.

Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

Hòa Thuận

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/mua-viem-nao-nhat-ban-bac-si-chi-dau-hieu-benh-cac-me-hay-nham-lan-1433840.tpo