Mùa Vu Lan của người đi làm xa nhà

Một mùa Vu Lan lại đến. Với nhiều công nhân trẻ trong các khu nhà trọ, Vu Lan là cả năm chăm chỉ làm việc để bố mẹ ở quê nhà yên tâm.

Ngoài dạy con học kiến thức, các gia đình công nhân còn dạy con về đạo lý với ông bà, cha mẹ (ảnh minh họa).

Ngoài dạy con học kiến thức, các gia đình công nhân còn dạy con về đạo lý với ông bà, cha mẹ (ảnh minh họa).

May mắn vì bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh

Những ngày này, trong xóm trọ công nhân ở gần khu công nghiệp Yên Nghĩa vẫn là nhịp sống bình thường. Các phòng trọ vẫn đóng cửa trong thời gian các doanh nghiệp làm việc và nhộn nhịp giờ cơm chiều. Anh Lê Thanh Hải, quê Hải Dương, đang làm việc cho một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho biết, sẽ về thăm bố mẹ vào các ngày 17 - 18.8. Anh Hải kể năm nào, dù làm ăn ở xa hay gần cũng về nhà vào dịp Rằm tháng Bảy.

"May năm nay Rằm rơi vào đúng cuối tuần nên không phải xin nghỉ phép như các năm khác” - anh Hải nói. Anh Hải là con trai cả trong gia đình, dưới anh còn 2 em đang đi học. Anh ra Hà Nội làm công nhân để tự lo cho bản thân và giúp bố mẹ nuôi 2 em ăn học. Anh Hải có một mong muốn là hai em sẽ học lên đại học. Từ khi đi làm xa, có 2 dịp anh Lê Thanh Hải không bao giờ vắng mặt ở nhà. Đó là Tết nguyên đán và tháng 7 Âm lịch. Thường thì tháng 7 anh Hải sẽ về thăm bố mẹ vào Rằm. Với anh, điều quan trọng và may mắn nhất là bố mẹ đều còn khỏe mạnh nên "với tôi tháng nào cũng là tháng Vu Lan để chăm lo cho bố mẹ".

Xa bố, xa mẹ là điều không ai mong muốn nhưng vì hoàn cảnh nên nhiều người ra thành phố làm việc. Chỉ riêng Hà Nội, tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có khoảng 167.000 người (trong đó lao động nước ngoài khoảng 1.270 người) với thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam trên 6 triệu đồng/người/tháng. Trong số này đa phần là người trẻ tuổi. Họ đến Hà Nội làm việc để mong có thu nhập giúp đỡ gia đình và tích lũy cho bản thân sau này. Những năm tháng xa gia đình, họ chấp nhận nhiều thiệt thòi, mà một trong số đó là thiếu thốn tình cảm cha mẹ, anh chị em. Không ít người trong số họ không biết về lễ Vu Lan. Họ chỉ biết miệt mài, chăm chỉ và thậm chí là cả xoay xở để có việc làm ổn định, có thu nhập hàng tháng. Một phần trong số đó gửi về quê để giúp đỡ bố mẹ.

Vũ Quang Anh, quê Thái Bình, trọ ở Đông Anh bảo: Gần đây đọc trên mạng, xem TV tôi mới biết tháng 7 có lễ Vu Lan. Cũng được biết Vu Lan là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn đối với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ và là thời điểm để con cái nhớ về sự yêu thương của cha mẹ. Nhưng tôi nghĩ, những công nhân sớm thoát ly gia đình, đi làm xa như chúng tôi thì không chỉ tháng 7 mới là Vu Lan vì lúc nào cũng nhớ cha mẹ ở xa, cũng mong cha mẹ luôn mạnh khỏe.

"Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy"

Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân một công ty sản xuất linh kiện điện tử, đang trọ tại Võng La tâm sự, mỗi năm, đến tháng 7 Âm lịch nỗi nhớ mẹ lại cuộn lên. Dịp này, chị Mai tranh thủ ngày nghỉ lên chùa thắp hương tưởng nhớ mẹ. Mẹ chị mất trong thời gian dịch COVID-19. Lúc đó cách ly xã hội, chị đang ở tại nhà trọ, không thể về nhà ở Tuyên Quang chịu tang. Nỗi buồn đó theo chị suốt những năm qua. Giờ, bao nhiêu yêu thương với các đấng sinh thành, chị Mai dồn hết cho bố. Mùa Vu lan, không về nhà được, chị tìm mua hoa hồng trắng, cài lên áo để tưởng nhớ mẹ. Chị bảo có những lúc chị thầm khóc vì nhớ mẹ, nhất là khi mệt mỏi sau ca làm việc, trở về phòng trọ một mình.

Trong xóm trọ của chị Mai, có công nhân cha mẹ đều đã khuất núi. Đến Rằm tháng 7 họ lại cùng chủ nhà trọ lên chùa thắp hương tưởng nhớ. Điều đặc biệt trong những gia đình công nhân đã có con nhỏ, câu chuyện về lễ Vu Lan, về sự biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ được họ dạy lại cho con.

Anh Nguyễn Văn Nam, ở phòng trọ kế bên chị Mai, có 2 con học lớp 5 và lớp 7 cho biết, anh chị vẫn dạy các con phải lễ phép với người lớn tuổi, phải biết yêu thương cha mẹ, nhất là yêu thương ông bà nội, ông bà ngoại ở quê. Để các con ý thức được điều này, anh Nam cùng vợ phân công việc gia đình cho 2 con, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học nhưng rất công bằng và có sự chia sẻ. Có cái gì ngon, cái gì đẹp, điều đầu tiên anh chị nói "giá như có ông bà ở đây”; mỗi khi chuẩn bị về quê, anh chị cũng đưa các con cùng đi mua sắm quà cho ông bà. Vợ chồng anh Nam quan niệm "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” nên luôn làm tốt đạo lý trong gia đình để các con noi theo.

Quan niệm về lễ Vu Lan ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau, dù điểm chung vẫn làm tưởng nhớ, biết ơn đấng sinh thành. Với công nhân, những người bận rộn với làm việc ca kíp thì dường như mọi sự bình dị hơn. Bởi ngày ngày họ cố gắng làm việc chăm chỉ để có tiền giúp đỡ gia đình, giúp đỡ bố mẹ. Như lời của một công nhân mới lên Hà Nội làm việc nói: "Tự lo được cho bản thân và sống tốt cũng là một sự biết ơn với bố mẹ”.

(Theo LĐO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/327313/mua-vu-lan-cua-nguoi-di-lam-xa-nha.aspx