Mùa vui trên đồng
Mùa lúa chín, trên các cánh đồng đê bao rộn ràng bởi tiếng máy gặt đập liên hợp chạy hối hả thu hoạch lúa. Dưới kênh, ghe, xuồng chở lúa của hàng xáo đến và đi tấp nập, tạo nên bức tranh sống động của làng quê trù phú.
Chộn rộn cánh đồng
Chiều muộn, ngang qua Tỉnh lộ 943, dõi mắt nhìn dưới kênh Tân Bình (hướng huyện Tri Tôn về Thoại Sơn), ghe xuồng của hàng xáo đậu san sát bờ đê. Những thanh niên trong công đoàn bốc vác khệ nệ khiêng từng bao lúa chất lên cân, vác xuống ghe. Hạt lúa vàng óng thơm phức, khiến cho chúng tôi thêm yêu bà con nông dân “một nắng hai sương” tạo ra hạt ngọc cho đời. Gặp nông dân Lê Văn Tú (49 tuổi) đang cân lúa cho hàng xáo, chúng tôi hỏi: “Giống lúa gì mà thơm nức mũi dữ vậy?”. Anh Tú cười: “Giống lúa Đài thơm anh ơi!”. Loại giống này có hương thơm hao hao như giống lúa Jasmine, nhưng hạt lúa thon dài, thân chống chịu với một số loại sâu bệnh hại chính, chịu thâm canh, cứng cây chống đổ tốt. Đặc biệt, hạt gạo trong, không bạc bụng, cơm trắng bóng, dẻo, thơm, vị đậm. Do đó, được nhà nông ưu tiên lựa chọn sản xuất lúa chất lượng, giá thành sản phẩm nằm ở mức cao.
Nhìn dưới kênh, chiếc ghe chành của hàng xáo Nguyễn Văn Út Em vừa cập bến chuẩn bị thu mua lúa của nông dân. Chiếc đòn dài được nhân công bắc từ dưới ghe lên bờ tiện lợi cho việc khuân vác lúa. Sau khi đàm phán giá với nông dân xong, 2 bên bắt đầu cân lúa. Hàng chục người nhanh tay đỡ những bao lúa lên vai, vác xuống ghe. Chẳng mấy chốc, chiếc ghe chứa “no” lúa khẳm đừ, hàng xáo dong thẳng về nhà máy xay xát. Anh Út Em phấn khởi cho biết, vụ “nghịch” này, giá lúa thường cao hơn so vụ đông xuân và hè thu. “Ghe của tôi có sức chở đến 30 tấn lúa. Vào mùa thu hoạch rộ, cách 2 ngày, ghe của tôi thu mua lúa đầy ắp chở qua tỉnh Đồng Tháp cân lại cho các công ty” - anh Út Em thật tình.
Vụ thu đông này, anh Tú thuê 100 công đất trên cánh đồng đê bao thuộc huyện Tri Tôn canh tác giống Đài thơm, năng suất dao động từ 800 - 900kg/công (1.000m2). Với năng suất này, nông dân rất phấn khởi. Hôm đứng ghi sổ từng mã cân lúa, anh Tú khoe, hàng xáo thu mua lúa Đài thơm tại ruộng 9.600 đồng/kg. Mặc dù giá lúa tăng, nhưng chi phí vật tư, phân thuốc, nhân công và tiền thuê đất tăng cao nên nông dân lời không nhiều so công sức bỏ ra. Nếu như trước đây, nông dân thuê mảnh ruộng trồng lúa mỗi công 3 triệu đồng/năm thì nay tăng lên 5 triệu đồng. “Bình quân mỗi công tốn ít nhất 4,5 triệu đồng, cộng với tiền thuê đất 1 triệu đồng/vụ. Nếu giá lúa nằm ở mức thấp thì nông dân không có lời” - anh Tú chia sẻ.
Niềm vui nông dân
Gần đó, anh Bền đang quan sát chiếc máy gặt đập liên hợp chạy xình xịch cắt đám lúa, với diện tích 5ha giống Đài thơm. Mặc dù chiều muộn, nhưng anh Bền vẫn còn ở ngoài đồng theo dõi thu hoạch lúa. Anh nói, giá lúa đang nằm ở mức cao, tranh thủ làm đến tối để cân cho hàng xáo ngay trong đêm. Nhân công và hàng xáo đang đợi chủ lúa. “Làm lúa bây giờ ngày càng khỏe. Tất cả các khâu trong sản xuất lúa, như: Bơm nước, sạ giống, phun thuốc, rải phân, thu hoạch, vác… đều thuê. Mặc dù chi phí tăng cao nhưng nông dân đỡ vất vả hơn so với canh tác lúa truyền thống trước đây” - anh Bền bày tỏ. Vụ này, với 50 công lúa Đài thơm đạt năng suất 8 tấn/ha, sau khi trừ tất cả các chi phí, anh Bền bỏ túi trên 100 triệu đồng.
Mùa này, ngang qua các cánh đồng đê bao khép kín, trà lúa thu đông đang chín vàng trĩu hạt. Những chiếc máy gặt đập liên hợp chạy ì ầm trên đồng, từ sáng sớm đến chiều muộn để thu hoạch lúa. Dưới kênh, thương lái đậu ghe san sát tranh nhau cân lúa của nông dân chở đi tiêu thụ khắp nơi. Ngày mùa rộn ràng, kéo theo hàng loạt các dịch vụ làm ăn sôi động. Anh Trần Văn Tài (chủ 2 chiếc máy gặt đập liên hợp) đang cắt lúa thuê tại cánh đồng Tân Tuyến. Hàng ngày, anh nhận thu hoạch trên 50ha lúa cho nông dân, trong chuyến đi xa, anh ở ngay trên chiếc trẹc của mình. Khi hết mùa lúa chín, anh tiếp tục di chuyển sang các tỉnh khác. “Gặt thuê mỗi công 260.000 đồng tùy theo lúa đứng hoặc đổ ngã. Dứt vụ lúa, tôi bỏ túi trên 200 triệu đồng. Những năm qua, nhu cầu thuê máy gặt đập liên hợp của nông dân rất phổ biến. Do đó, những người lái máy gặt như tôi có công ăn chuyện làm theo mùa vụ” - anh Tài khoe.
Ngày trước, xong mùa thu hoạch lúa, nông dân tận dụng rơm phủ giáp ruộng đất để đốt đồng, khói bay ngập cả bầu trời, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn phụ phẩm từ cây lúa. Ngày nay, nhu cầu thu mua rơm của nhà vườn sử dụng trong trồng trọt và trồng nấm rất lớn. Do đó, nguồn rơm được nông dân tận dụng lại, thuê máy cuộn gọn gàng, bán cho tiểu thương để có thêm thu nhập. Từ đó, kéo theo nghề buôn rơm ăn nên làm ra. Đứng trên bờ kênh, chúng tôi gặp anh Thịnh (chuyên buôn rơm quê xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) chỉ huy nhân công vác những cuộn rơm chất xuống ghe chuẩn bị chở đi giao cho nhà vườn. Anh Thịnh cho hay, nghề buôn rơm gắn bó với anh hơn 10 năm. Ngày trước, anh làm nghề trồng nấm, nên rành việc mua rơm của nông dân. “Cách 3 - 4 ngày, anh giao 1 chuyến rơm tới tỉnh Đồng Tháp. Bận đi, ghe của tôi tải 1.200 cuộn rơm, mỗi cuộn chở đến nhà vườn có giá 20.000 đồng. Bây giờ, rơm được thu mua mạnh, nông dân và người buôn rơm có thêm thu nhập nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm này” - anh Thịnh cho hay.
Mùa lúa chín là mùa vui. Vụ thu đông này lúa được giá, nông dân thu nhập có dư để tái đầu tư sản xuất vụ đông xuân và tiêu xài trong những ngày Xuân sắp đến gần.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-vui-tren-dong-a410821.html