Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng
Dưới nếp nhà sàn mộc mạc bên dòng suối mát, từ những cánh đồng tốt tươi chuyển mình theo mùa cho đến bữa cơm ấm áp trong điệu then ngọt ngào, văn hóa Tày ở thung lũng Lâm Thượng (Lào Cai) đang được giữ gìn và lan tỏa bởi chính những người con quê hương.

Một góc thung lũng Lâm Thượng bên dòng Khuổi Nọi.
Một thế hệ trẻ như Hoàng Thị Xới - cô gái Tày sinh năm 1992, đã đi xa để học hỏi thật nhiều và rồi trở về lập nghiệp trên chính ngôi nhà tuổi thơ của mình, kết nối cộng đồng cùng làm du lịch bền vững, tôn vinh các giá trị nông nghiệp và văn hóa bản địa.
Giữ dòng chảy văn hóa Tày
Sau khoảng 5 giờ di chuyển từ Hà Nội, chúng tôi đến Xới Farmstay ở bản Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng vào một ngày tháng 6. Vừa đón khách, vừa theo sát quá trình xây dựng thêm một khu nhà mới, cô chủ Hoàng Thị Xới luôn chân, luôn tay nhưng vẫn cười rạng rỡ. Không gian nhà sàn ở đây giản dị mà chỉn chu: bàn ghế sạch sẽ, trà nước sẵn sàng, góc nào cũng được tô điểm bởi những loài hoa mọc quanh vườn. Chút mỏi mệt đường xa cũng như tan biến luôn khi mẹ và em của Xới dọn mâm mời khách: cơm trắng thơm từ gạo mới xát, rau mước xào tỏi, chả cù, canh măng mai… toàn những món ăn dân dã của người Tày.
Những phụ nữ Tày mặc trang phục truyền thống thật duyên dáng, dù bộ ngày thường khá đơn giản, chỉ gồm áo ngắn tay nhiều mầu và váy đơn giản tiện cho lao động. Nhưng tôi cũng được thấy họ mặc trang phục lễ hội trong những bức ảnh đẹp được đóng khung treo trên tường nhà. Đó là áo dài dệt tay nhuộm chàm, khăn đội đầu, vòng bạc lấp lánh - tất cả được làm thủ công và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Đánh thức chúng tôi ở giữa lòng thung lũng Lâm Thượng không phải tiếng đồng hồ, mà là thanh âm của suối reo, của chim hót. Bên hiên nhà sàn, dòng Khuổi Nọi rì rào uốn lượn dưới chân đồi. Trong tiếng Tày, “khuổi” là suối, “nọi” là nhỏ, để phân biệt với Khuổi Luông - dòng suối lớn hơn. Hai dòng nước gặp nhau, hợp thành mạch nguồn nuôi dưỡng xóm làng. Cùng nhóm du khách, tôi đạp xe băng qua cánh đồng lúa, ghé hồ sen nở hồng, rồi dừng chân tắm mát dưới thác Nậm Chắn đang mùa nước đổ.
Mùa hè nơi đây như bản hòa tấu của tiếng nước róc rách, tiếng ve râm ran, tiếng chân trẻ con í ới đùa nhau. Con đường đạp xe xuyên qua các bản Tông Pình Cại, Tông Pắng, Khéo Lẹng… dẫn khách đi dọc ruộng lúa, vườn chuối, ruộng rau, hồ sen, xen kẽ những ngôi nhà sàn cổ kính và nương ngô đang lên xanh. Bên cạnh thiên nhiên đầy sức sống, văn hóa là giá trị lõi. Mỗi địa danh mang một cái tên ý nghĩa: Tông Pình Cại là “cánh đồng cây vải bằng phẳng”, Tông Pắng là “cánh đồng cây pắng” - cách đặt tên gắn liền với thảm thực vật nguyên sơ khi người Tày xưa khai hoang lập bản, tạo nên bản đồ ký ức thật sống động. Khoảng 80% số hộ gia đình nơi đây vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ, trước cửa nhà nào cũng có một ao cá, cây xanh. Một số nhà cải tạo lại, lợp mái tôn, nâng cấp tiện nghi nhưng vẫn giữ cấu trúc cũ...
Có thể nói rằng cảnh sắc nơi đây không chỉ dừng lại ở thẩm mỹ mà còn là tài nguyên, một dạng “bản sắc có thể chia sẻ”. Nó hiện diện trong cách bày biện món ăn, tiếng bà con chào nhau và chào khách ngang qua. Trẻ con lớn lên giữa thiên nhiên, vừa biết trồng rau, vừa biết truyện cổ dân gian, vừa học tiếng Anh, vừa học đàn tính (tính tẩu)… Một trong những trải nghiệm được yêu thích là làm nón Tày.
Nghệ nhân Hoàng Thị Huệ ở bản Tông Pắng, người từng lo nghề mai một, nay đã bận rộn hướng dẫn du khách đan vành, gắn lá cọ, tỉ mẩn khâu quai thổ cẩm. Nón lá giờ không chỉ là vật dụng che nắng mưa, mà còn là quà lưu niệm, đạo cụ biểu diễn, món trang trí mang linh hồn bản địa. Khách đến đây không chỉ để nghỉ, mà để sống cùng bản làng. Họ đạp xe khám phá, theo bà con gặt lúa, vào rừng hái rau, nghe tiếng hát then dưới mái nhà sàn, học làm nón lá Tày, làm lọ hoa bằng gỗ… Bà Huệ bảo: “Ngày trước làm nón chỉ để đội, giờ làm cho du khách thấy vui lắm. Nón Tày thành món quà quê được đi đến bao nhiêu nơi xa”.
Lâm Thượng đang dần trở thành cái tên được nhiều du khách ở các đô thị lớn trong nước và du khách quốc tế tìm đến. Không rầm rộ, không xô bồ mà âm thầm lan tỏa bằng vẻ đẹp thật thà của bản làng và con người. Vào mùa thu, Lâm Thượng khoác lên mầu áo vàng óng ả của lúa chín xen giữa mầu xanh của núi rừng. Đông về, sương giăng bảng lảng, bản làng như một bức tranh thủy mặc, nơi hơi thở núi rừng thấm vào từng tấm áo chàm của người Tày, từng mái nhà sàn lợp lá cọ đẹp như cổ tích. Thác Nặm Chắn, Nà Kèn đổ nước trắng xóa, hang Thẳm Dường, Bó Khéo mời gọi khám phá…
Ở chung với người dân, tối tối du khách được mời dự liên hoan văn nghệ với hát then, đàn tính, múa nón, múa khăn. Có ngày hội, cả làng kéo đến cùng góp vui, đốt lửa trại, kể chuyện xưa. Những đứa trẻ háo hức, những người già rưng rưng… khi văn hóa dân tộc mình không chỉ được bảo tồn mà còn được trân quý, lan xa mỗi ngày.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Xới Farmstay.
Những mầm xanh của bản làng
Theo ông Hoàng Duy Thán, trưởng bản Tông Pình Cại, farmstay của gia đình Xới là mô hình phát triển du lịch cộng đồng tiên phong ở địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con và tích cực quảng bá hình ảnh bản làng, văn hóa Tày. “Chị Xới là một điển hình tiêu biểu của thanh niên trẻ hiếu học, trở về Tông Pình Cại làm giàu cho quê hương. Chị làm rất bài bản và còn hướng dẫn, truyền động lực cho nhiều gia đình khác trong vùng cùng phát triển kinh tế từ du lịch”, ông Thán nói.
Hoàng Thị Xới sinh ra và lớn lên tại bản Tông Pình Cại, yêu thích và giỏi ngoại ngữ từ nhỏ nên theo học du lịch, làm hướng dẫn viên chuyên dẫn khách quốc tế. Đi khắp cả trong nước và quốc tế, một ngày, Xới trở về nhà với 50 triệu đồng làm vốn, sửa nhà sàn cũ của gia đình thành nơi đón khách.
Ban đầu, không ai tin một vùng hẻo lánh như Lâm Thượng, nơi từng mờ nhạt và được xem như điểm “cụt đường”, lại có khách đến. Nhưng Xới nhìn thấy và tin vào những điều mà ít người để tâm: dòng suối nhỏ ăm ắp quanh năm, thác nước đổ giữa rừng già, bản làng yên bình như tranh và cả một kho tàng văn hóa Tày cần được “kể” đúng cách. Cô gái trẻ tự học và làm mọi thứ từ đầu, từ thiết kế nhà, học hỏi mô hình farmstay khắp nơi, quảng bá trên mạng xã hội.
“Em còn tự làm tờ rơi và xin dán ở một số nhà hàng trong phố cổ Hà Nội, chỉ mong có càng nhiều người thấy càng tốt”, Xới kể.
Từ một nhà sàn chung năm 2017, giờ đây Xới Farmstay đã mở rộng thành 5 nhà sàn riêng biệt, một khu nhà chung khang trang, sức chứa tới 50 khách/ ngày, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương, hàng chục người khác hưởng lợi từ dịch vụ ăn uống, trekking, workshop nghề thủ công... Trên Google, Xới Farmstay đạt 4,9/5 điểm; trên Booking là 9,8/10 - con số đáng mơ ước của mọi cơ sở du lịch trong thời đại số. Điều khiến du khách nhớ mãi không chỉ là cảnh đẹp mà còn là sự đón tiếp ân cần.
“Xới và gia đình cô ấy khiến chúng tôi cảm thấy như người thân, không phải khách hàng trả tiền để ở. Tôi tận mắt thấy rau được trồng trong vườn, đồ ăn ngon lành, cảnh vật đẹp đến nao lòng”, du khách Lisa Torres (Mỹ) viết trên TripAdvisor.
Và Xới không đơn độc. Những mô hình khác như Mộc Farmstay ở bản Khéo Lẹng, Jack Ecodge của chàng trai trẻ Hoàng Trọng Giấc, gia đình bà Hoàng Thị Sinh ở bản Chang Pồng, gia đình anh Tăng Viết Dũng ở thôn Nặm Chắn… lần lượt hình thành. Mỗi người một cách làm, nhưng chung một tinh thần gìn giữ văn hóa và làm du lịch tử tế. Không còn ai hoài nghi “Ở đây có gì đâu mà làm du lịch?”, bà con trong vùng giờ quen với việc gặp khách quốc tế, có người biết tiếng Anh, có người mở quán cà-phê, nhưng không làm mất đi sự chân chất, niềm nở.
Vào mùa thấp điểm, Xới Farmstay không để lãng phí nguồn lực. Xới cùng các mẹ, các chị em trong bản mày mò học livestream để bán nông sản địa phương: gạo nương, măng khô, hoa quả, dầu gội thảo dược, lọ hoa bằng gỗ và đá… Cô còn kết nối với các bạn trẻ ở nhiều vùng quê khác, những người cũng “bỏ phố” về rừng, về biển để tự nghiên cứu và sản xuất sản phẩm gắn với lợi thế quê hương. Để du lịch gắn chặt với nông nghiệp và tạo hướng đi bền vững, họ trở thành một mạng lưới hỗ trợ nhau, tạo nên cộng đồng khởi nghiệp xanh.
Câu chuyện của Hoàng Thị Xới ở Lâm Thượng gợi liên tưởng đến gia đình chị Vàng Thị Thông ở bản Liền (Bắc Hà, ). Vùng đất cũng của người Tày này vừa tạo cơn sốt khám phá qua chương trình truyền hình thực tế “Gia đình Haha”, khi nhiều nghệ sĩ giải trí nổi tiếng về cùng ăn ở, lao động với bà con. Cả hai nơi đều chứng minh: trong xã hội số hóa và ngày càng phát triển, bản sắc luôn là tài sản quý nhất, không cần tô vẽ. Hát then-đàn tính, các lễ hội, những bộ trang phục thủ công… vẫn hiện diện trong đời thường và đặc biệt càng đẹp hơn khi có khách ghé thăm.
Điều đáng trân trọng là du lịch ở đây không chạy theo số đông, không bê-tông hóa trong cuộc đua hiện đại. Rừng vẫn xanh, suối vẫn trong, ruộng lúa vẫn chín vàng dưới chân núi. Bản sắc tồn tại trọn vẹn trong từng căn nhà, nếp sống, câu hát, hạt gạo.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mua-xanh-o-thung-lung-lam-thuong-post893270.html