Những 'điểm đến xanh' giữa ngày hè oi bức

Giữa những ngày tháng 7 khi cái nắng của mùa hè bủa vây khắp chốn, còn gì thú vị hơn là tìm cho mình một không gian xanh, thoáng đãng để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành. Và chắc chắn rằng các 'điểm đến xanh' trên mảnh đất xứ Thanh với những nét độc đáo, riêng biệt sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn.

Không gian xanh mát ở suối cá thần Cẩm Lương (xã Cẩm Tú).

Không gian xanh mát ở suối cá thần Cẩm Lương (xã Cẩm Tú).

Đầu tiên, du khách hãy ngược ngàn lên miền Tây xứ Thanh để khám phá suối cá thần Cẩm Lương (xã Cẩm Tú), nơi đây có rừng, có sông suối, có bản làng với những ngôi nhà sàn mộc mạc, đơn sơ và những người dân mến khách, hiền hòa đã dệt nên một bức tranh làng quê bình yên và thư thả. Cảnh sắc xung quanh bốn bề lại là non xanh nước biếc khá thích hợp cho du khách để trốn cái nóng của mùa hè. Song, với nhiều du khách, đến đây không chỉ là để tận hưởng cảm giác mát mẻ, khoáng đạt của thiên nhiên mà còn để ngắm đàn cá thần tung tăng bơi lội, và vén bức màn bí mật đằng sau những câu chuyện kỳ bí về đàn cá thần.

Về sự tích của đàn cá thần, theo đồng bào dân tộc Mường sinh sống quanh khu vực suối cá kể lại: Xưa kia có đôi vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Một hôm người vợ xúc được một quả trứng lạ ở thửa ruộng bên cạnh suối. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Đến khi thấy trứng nở được một con rắn, hoảng sợ người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối rắn lại trở về nhà. Đôi vợ chồng này quyết định nuôi chú rắn này. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no, hạnh phúc, dân bản yêu quý rắn nên gọi rắn là chàng Rắn. Bỗng sau một đêm trời mưa to gió lớn, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Thương tiếc chàng Rắn, họ chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ. Từ đó đến nay, đàn cá hàng nghìn con xuất hiện dưới dòng suối Ngọc. Điều đặc biệt là đàn cá sống tại suối trông khá lạ mắt, không sợ người nên du khách đến đây có thể vuốt ve, đùa giỡn thoải mái. Với người Mường ở đây, sự xuất hiện của đàn cá thần này chính là niềm may mắn của dân làng, giúp cho thời tiết luôn mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no.

Sau khi tham quan suối cá, tìm hiểu về sự tích của đàn cá thần, du khách còn có thể khám phá hệ thống hang động tuyệt đẹp ngay bên cạnh, đó là đền Ngọc - Động Cây Đăng. Đền Ngọc hiện là nơi thờ Tứ Phủ Long Vương và thường được người dân địa phương lui tới thường xuyên để cầu bình an, xin may mắn... Bên trong Động Cây Đăng có nhiều nhũ đá với nhiều hình thù kỳ lạ, tạo nên cảnh sắc lung linh, huyền bí. Khi thấm mệt, du khách có thể nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn của dân tộc Mường ngay tại suối cá hoặc trên nhà sàn mát rượi như cơm lam, rồi thịt lợn nướng, tôm sông...

Không riêng gì suối cá thần Cẩm Lương mà xứ Thanh còn được thiên nhiên ban tặng, tô vẽ cho nhiều cảnh sắc tươi đẹp. Nếu du khách vẫn chưa thỏa mãn với điểm đến ở suối cá, thì xứ Thanh còn nhiều điểm đến không thể bỏ qua như là bản Mạ (xã Thường Xuân). Du khách đến đây, thức dậy vào buổi sáng sớm, lướt nhẹ đi trên con đường ra cánh đồng, chạm tay vào từng cây lúa còn đọng giọt sương sớm, rồi ngắm nhìn cuộc sống bình dị của người dân, thì mọi lo toan, mệt mỏi dường như tan biến hết. Những năm gần đây, số hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, xây dựng homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú tại bản Mạ cũng ngày một nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Ông Vi Văn Ngọ, hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Mạ cho hay: "Homestay của gia đình tôi được thiết kế theo kiểu nhà sàn, thân thiện với môi trường, phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, homestay của gia đình tôi còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa bản địa như cùng người dân trồng rau, hái quả, gặt lúa; tham quan bản, nghỉ dưỡng, check-in, thưởng thức văn nghệ, ẩm thực địa phương... Với không gian thoáng mát, môi trường thiên nhiên trong lành và dòng sông Chu trong xanh, hiền hòa sẽ giúp du khách thư giãn, nạp thêm năng lượng tích cực trong cuộc sống".

Xứ Thanh được ví như là một “Việt Nam thu nhỏ”, trải khắp từ miền núi cho đến miền xuôi nơi đâu cũng có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và tươi đẹp, cùng một kho tàng văn hóa tộc người đậm đà bản sắc đang chờ được du khách đến khám phá và trải nghiệm. Đó là vẻ đẹp bình yên, khoáng đạt của đại ngàn Pù Luông, nơi có những thửa ruộng bậc thang uốn mình quanh sườn núi, cảnh quan thiên niên ở đây cũng xanh mát quanh năm, và nếp sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mường luôn hấp dẫn những du khách ưa thích khám phá, trải nghiệm. Rồi Vườn Quốc gia Bến En được ví như “Hạ Long trên cạn”, với hơn hai chục hòn đảo lớn nhỏ, cùng không gian xanh bất tận trải dài theo hệ thống rừng, hang động trên các dãy núi đá vôi... luôn kích thích sự tò mò của du khách. Ngoài ra, du thuyền trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt để hòa mình vào không khí trong lành, tươi mát và cảm nhận được vẻ đẹp của vùng non nước mênh mang cũng là những hoạt động vô cùng độc đáo...

Du lịch xanh đang ngày càng “lên ngôi” và khẳng định được sức hút đối với du khách. Để mang đến trải nghiệm cho du khách, các điểm du lịch xanh trong tỉnh cũng đã tích cực làm mới, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: xây dựng các tour du lịch sinh thái, đi bộ đường dài, chèo thuyền kayak; tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, giới thiệu các làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương; xây dựng các khu nghỉ dưỡng, homestay thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu xanh, và giảm thiểu chất thải... Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo ưu thế nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-diem-den-xanh-nbsp-giua-ngay-he-oi-buc-254624.htm