Mùa xuân ấm áp của Pàng
Cách đây 5 năm, hình ảnh em bé người Mông ở Mường Lát (Thanh Hóa) không manh quần tấm áo, ngồi co ro trong giá rét gây xúc động cộng đồng mạng. Ngay lúc ấy, chị Ngọc Phương ở TP Hồ Chí Minh đã dang tay đón Pàng về nuôi. Đầu xuân năm nay, chị Phương báo tin vui: Cô bé người Mông bị liệt năm nào giờ đã tự bước đi. Pàng cũng đã giao tiếp được bằng tiếng Kinh, đang chuẩn bị vào học lớp 1.
Chiến thắng bệnh tật, hòa nhập cộng đồng
Khi chị Ngọc Phương nhận Pàng về nuôi cô bé đã 6 tuổi. Hoàn cảnh của Pàng éo le: Bố Pàng mất sớm, mẹ Pàng bị tâm thần (nay cũng đã mất), ông bà nội khi ấy đã lớn tuổi, thiếu bàn tay chăm sóc nên cô bé 6 tuổi chỉ nặng 10 kg, cao 80 cm, hai chân không thể đi lại bình thường. Tôi hỏi chị Phương về hành trình chăm sóc Pàng, chị cười, nhẹ nhàng đáp: “Hơn hai năm đầu cực lắm. Vừa mang Pàng về TP Hồ Chí Minh đã phải đưa ngay vào viện mổ sỏi thận. Pàng không đi được, não cũng chậm phát triển hơn đứa trẻ bình thường nên không điều chỉnh được vấn đề vệ sinh. Mới năm nay, Pàng mới không phải dùng tã nữa”. Mẹ Phương và gia đình cũng phải luyện cho Pàng cách cầm muỗng, dạy Pàng nghe và nói tiếng Kinh. Đó là một hành trình bền bỉ.
Tất cả người thân của chị Phương, từ chồng chị tới ba mẹ chị… đều thống nhất cùng nhau nuôi bé Pàng, giúp bé Pàng chiến thắng bệnh tật, hòa nhâp cộng đồng. “Pàng mới được tháo nẹp ở chân. Hiện nay đã tự bước đi được rồi nhưng vẫn cần thêm thời gian điều trị, vì một bên chân của con vẫn chưa thẳng ra hết”, chị Phương nói. 11 tuổi, nếu đứa trẻ bình thường đã học lớp 6 thì Pàng mới chỉ học lớp Lá, lớp 5 tuổi, của trường mầm non. Chị Phương không sốt ruột vì cho rằng: “Pàng đi sau các bạn 5 năm, con cần hoàn thiện các chức năng trước đã. Đáng mừng là đầu óc con giờ đây linh hoạt được các cô giáo đánh giá tốt”. Chị cho biết thêm, gia đình cũng chỉ mới chuyển Pàng sang trường mầm non hòa nhập cùng trẻ bình thường, trước đây Pàng học ở trường khuyết tật.
Cùng trên một con thuyền
Chị Ngọc Phương và chồng đã có 3 người con ruột. Việc ứng xử giữa con nuôi và con ruột không đơn giản. Chị Phương thú nhận: “Thương thì thương thiệt nhưng thời gian đầu khi Pàng đụng chuyện khiến tôi dễ nổi nóng hơn so với các con ruột”. Nhưng sau đó chị nhận ra tính xấu của mình và tự sửa. Gặp gỡ Pàng qua video, tôi nhận thấy cô bé người Mông rất hay cười, quấn quýt bên mẹ nuôi. Nếu chị Phương không chia sẻ, tôi không thể biết quan hệ giữa Pàng và mẹ nuôi từng có thời gian căng thẳng. Pàng hay phá, lại “lì” hơn 3 đứa con ruột khiến chị Phương nhiều lúc phải la. Song càng nặng lời chị nhận ra Pàng càng tỏ thái độ chống đối. Chị bối rối không biết ứng xử với Pàng ra sao, bèn tìm đọc sách báo, bổ sung kiến thức làm mẹ. Từ đó, chị và con gần gũi, hiểu nhau hơn.
Chị Phương thường xuyên đứng ra làm “công tác ngoại giao” giữa Pàng và người thân. Ông ngoại hay la Pàng. Mẹ nuôi giải thích thẳng thắn với Pàng: “Út quậy, ông ngoại lại không la nhiều. Còn con quậy, ông ngoại la liền. Bởi vì em con từ khi sinh ra đến bây giờ luôn sống cùng ngoại, nên ngoại thương em hơn. Chuyện đó cũng rất bình thường. Con sống ở đâu cũng gặp chuyện như vậy. Nhưng không có nghĩa ngoại ghét con”. Ngược lại, chị cũng chủ động nói chuyện với ông ngoại của mấy đứa trẻ: “Pàng lớn rồi, ngoại nói thế, Pàng tủi thân, tội nghiệp”. Từ đó, ngoại cũng như người lớn trong gia đình đều tiết chế mỗi khi Pàng có hành xử “vượt rào”. Mẹ nuôi, cha nuôi, cậu nuôi cùng kết hợp đưa đón Pàng đến trường học mỗi ngày. Trước đây, chị Phương dự định: Khi nào chữa khỏi chân cho Pàng sẽ đưa Pàng trở lại Mường Lát (Thanh Hóa) sống với người thân. Nhưng nay mẹ ruột của Pàng đã mất, hơn nữa cả gia đình chị Phương đều đã coi Pàng như một thành viên. Họ không muốn xa Pàng, vắng Pàng sẽ nhớ, cho nên chị Phương thay đổi quyết định: “Chúng tôi sẽ nuôi Pàng đến khi nào Pàng lấy chồng”. Ba người con ruột của chị Phương đều yêu thương, gắn bó với Pàng. Cả bốn đứa trẻ cùng nhau ăn uống, vui chơi hồn nhiên.
5 năm trước khi nhận Pàng về nuôi chị Phương chịu không ít miệt thị, nghi ngờ từ một bộ phận dư luận. Điều khiến chị Phương buồn nhất là có người nghĩ chị nhận bé Pàng về nuôi để… kêu gọi từ thiện. Về chuyện này, chị Phương công khai: “Tôi có nhận hỗ trợ khi bé Pàng vô viện mổ thận. Lúc đó, chúng tôi sợ tốn nhiều, không kham được nên có nhận hỗ trợ trong 2 ngày thì dừng, vì khi đó chúng tôi được bệnh viện thông báo chi phí không nhiều. Số tiền chúng tôi nhận được khoảng mấy chục triệu đồng. Từ đó đến giờ chúng tôi không nhận ngàn nào của Mạnh Thường Quân. Lâu lâu vẫn có người nhắn tin cho tôi, đề nghị được gửi tiền cho Pàng, tôi đều đáp: Bé Pàng ổn rồi nên dành tặng sự quan tâm này cho những bé khác còn đang gặp khó khăn”. Chị Phương không quên nhắc đến ca sỹ Khắc Việt: “Nam ca sỹ đã tài trợ toàn bộ học phí cho Pàng. Pàng cũng gọi nam ca sỹ là ba”. Nói rồi, chị hối hả đi tìm ảnh của Khắc Việt chụp cùng bé Pàng gửi cho tôi.
Không phải một phút bốc đồng
Chị Phương và chồng đều là những người làm nghề kinh doanh tự do ở TP Hồ Chí Minh. Trải qua đại dịch, gia đình chị không tránh khỏi lao đao. Nhưng chị Phương không muốn chia sẻ sâu về tình hình kinh tế của gia đình, chỉ nhắn gửi: “Chuyện khó khăn về kinh tế của người lớn không liên quan gì đến ứng xử và tình cảm dành cho các con. Chúng tôi đã trên một chiếc thuyền nên có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, không sao cả”.
Tôi hỏi: “Được làm lại, bạn có quyết định nhận Pàng về nuôi?”. Chị Phương đáp: “Quyết định nuôi Pàng không phải một phút bốc đồng, đó là quyết định chính xác của tôi”. Tò mò về học vấn của mẹ nuôi Pàng, chị kể: “Tôi cũng chỉ học đến lớp 11 thôi. Muốn được học lắm nhưng hồi ấy hoàn cảnh không cho phép…”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-xuan-am-ap-cua-pang-post1499863.tpo